Dường như với vẻ ngoài văn minh, tiến bộ, con người đang đứng trước hiểm họa diệt vong mà họ phải tất bật tìm cách chống đỡ rất vất vả gay gắt. Các nhà khoa học âm thầm lao vào cuộc chiến thầm lặng này để tìm ra những phương thức hiệu quả nhằm giành lại môi trường sống tốt đẹp cho con người. Nhiều danh nhân nghệ sĩ đứng lên kêu gọi con người cần phải ý thức nhiều hơn nữa về hiểm họa sinh thái đang đe dọa hành tinh của chúng ta. Không ai có quyền quay lưng lại trước vấn đề sinh thái vì tất cả con người đều là thủ phạm gây nên sự ô nhiễm môi trường. Ai cũng phải dùng chất đốt để nấu ăn, để di chuyển, thắp sáng và các tiện nghi khác. Bất cứ ai có mặt trên hành tinh này đều cũng đã có “tội” góp phần vào việc làm ô nhiễm môi trường chung, chỉ khác nhau là mức độ nhiều hay ít mà thôi.
Với người hiểu rõ Luật Nhân Quả Nghiệp Báo, họ sẽ ý thức cao độ trong việc bảo vệ sinh thái của Địa cầu. Bởi vì những ai góp phần làm dơ bẩn môi trường, trong tương lai, họ sẽ phải sinh về nơi dơ bẩn, phải làm các nghề nghiệp chỗ tối tăm, bụi khói độc hại, hôi hám hoặc nặng nề hơn đọa làm các loài thú vật sống nơi nước tù ao đọng, sống nơi các vùng yếm khí, nóng nảy lạnh giá…
Chúng ta quét rác tung vãi bụi li ti vào hàng xóm chung quanh, mặc kệ. Khói thuốc lá chúng ta thấm vào phổi của những người cùng phòng, mặc kệ. Người nông dân đốt rẫy, đốt rạ để khói bay vào khí quyển, đâu biết rằng điều đó làm cho hiệu ứng nhà kính tăng thêm. Một xí nghiệp xay đá không tưới nước để cột bụi bốc cao cả vùng trời, ảnh hưởng đến cư dân lân cận. Người ta xúm nhau thắp nhang xông khói mờ mịt các đền chùa vào ngày lễ hội làm nhiễm độc phổi lẫn cho nhau. Không biết thần linh có chứng giám cho lòng thành của họ hay không, nhưng trước hết các tín đồ phải chịu hít khói đầy phổi.
Tiếng ồn cũng là yếu tố làm dơ bẩn môi trường sống của sinh vật (kể cả cây cối). Chúng ta mở nhạc ầm ĩ làm ảnh hưởng đến thần kinh não của hàng xóm. Có những loại nhạc không phù hợp với sở thích và thể tạng sẽ làm tâm lý người nghe bị dồn nén nặng nề, lâu ngày sẽ sinh ra các bệnh thực thể, nội tiết, rối loạn thần kinh chức năng.
Hoặc những người làm các nghề nghiệp phải gõ đập liên tục làm chói tai mọi người. Lâu ngày nghiệp tích lũy rất nặng. Họ sẽ bị những quả báo về bệnh hoạn, và bị lọt vào sống trong những môi trường có nhiều sự huyên náo gây bứt rứt thường xuyên.
Do thiếu hiểu biết về vấn đề sinh thái, và cũng do thiếu tình thương yêu mọi loài, chúng ta sẽ tạo nhiều nghiệp nhân làm ô nhiễm môi trường chung quanh Địa cầu, góp phần tăng thêm đau khổ cho nhau. Đối với luật Nghiệp Báo công bình khách quan, hậu quả xấu mà chúng ta phải gánh chịu là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không được quyền thiếu kiến thức về khoa học để khỏi bị sai lầm trong sinh hoạt, để góp phần bảo vệ sinh thái Địa cầu ngày một tốt hơn.
Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay trong việc bảo vệ sinh thái Địa cầu là bảo vệ những khu rừng nguyên sinh và phát triển những khu rừng nhân tạo. Từng chiếc lá xanh, từng bóng cây mát đều góp phần bảo vệ sinh thái Địa cầu. Chúng ta mong mỏi những người có đạo tâm, có hiểu biết Luật Nhân Quả Nghiệp Báo, hãy chung tay góp sức với nhau trồng nên những khu rừng rộng bạt ngàn mênh mông bát ngát. Làm được điều này tức là làm được điều phước thiện lớn lao, vì chúng ta để lại cho thế hệ mai sau tài nguyên về gỗ và môi trường sống tốt đẹp.
Trích sách “Nghiệp và kết quả” – TT. Thích Chân Quang.