Tu tưởng vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường. Đã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái dục giới, ái sắc giới, ái vô sắc giới, đoạn hết vô minh, đoạn hết kiêu mạn. Ví như đốt cháy cây cỏ, dẹp trừ sạch hết.
Quán tưởng vô thường là một trong những nội dung tu tập quan trọng của giáo pháp Thế Tôn. Với người bình thường, chỉ cần bình tâm quan sát chính thân tâm của mình và cuộc sống xung quanh cũng dễ dàng nhận ra sự vận động, chuyển dịch, không thường hằng của vạn sự vạn vật. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận rõ vô thường, nhất là những lúc tâm bị tham sân chấp ngã chướng ngại. Do đó, quán tưởng vô thường cần phải thực hành liên tục, thâm sâu để vô thường luôn hiển hiện. Nhờ tuệ giác vô thường được duy trì, được quảng bá nên hành giả đoạn tận kiết sử, vượt thoát khổ đau, thành tựu giải thoát.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nên tu tưởng vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường. Đã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái dục giới, ái sắc giới, ái vô sắc giới, đoạn hết vô minh, đoạn hết kiêu mạn. Ví như đốt cháy cây cỏ, dẹp trừ sạch hết. Đây cũng vậy, nếu tu tưởng vô thường thì đoạn trừ hết tất cả kiết sử. Vì sao thế?
Hiểu quán vô thường như thế nào?
Ngày xưa rất lâu xa, có một thiên tử đem năm trăm ngọc nữ, theo nhau kẻ trước người sau, đến dạo chơi trong vườn Nan-đàn-bàn-na, chơi đùa dần đến dưới cây Ca-ni, tự vui ngũ dục. Rồi thiên tử kia leo lên cây chơi, hái hoa, tâm ý rối loạn, rơi xuống cây mà chết. Ông sanh trong nhà trưởng giả lớn trong thành Xá-vệ này. Bấy giờ, năm trăm ngọc nữ đấm ngực kêu gào không ngớt. Ta dùng thiên nhãn trông thấy Thiên tử chết sanh trong nhà đại trưởng giả, trong thành Xá-vệ. Qua tám chín tháng sanh một bé trai đoan chánh vô song, như màu hoa đào. Con trưởng giả dần dần khôn lớn. Cha mẹ liền tìm vợ cho anh ta. Cưới vợ chưa bao lâu, anh lại chết, sanh trong biển lớn làm thân rồng. Bấy giờ trong nhà trưởng lão kia, cả nhà đều kêu khóc đau đớn rất thương tâm. Rồng ấy lại bị chim cánh vàng ăn thịt, chết sanh trong địa ngục. Bấy giờ, các long nữ lại thiết tha thương nhớ vô tả.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Trời kia lúc hái hoa/Tâm lý loạn không an/Như nước trôi thôn xóm/Tất chìm không cứu được. Bấy giờ chúng ngọc nữ/Vây quanh mà khóc lóc/Mặt mày rất đoan chánh/Yêu hoa mà mạng chung. Loài ngươì cũng than khóc/Mất khúc ruột của ta/Vừa bụng lại mạng chung/Bị vô thường tan hoại. Long nữ theo sau tìm/Các rồng đều tụ tập/Bảy đầu thật dũng mãnh/Bị chim cánh vàng hại. Chư Thiên cũng lo buồn/Loài người cũng như thế/Long nữ cũng sầu lo/Địa ngục chịu đau khổ. Diệu pháp Tứ đế này/Như thật mà chẳng biết/Có sanh thì có chết/Chẳng thoát biển sông dài. Thế nên hãy khởi tưởng/Tu các pháp thanh tịnh/Tất sẽ lìa khổ não/Lại chẳng bị tái sanh.
Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy nên tu hành tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường, sẽ đoạn dục ái, sắc ái, vô sắc ái, cũng đoạn kiêu mạn, dứt hẳn vô minh không sót. Như thế, các Tỳ-kheo! Hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 31.Tăng thượng,VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.189)
Vô thường sinh diệt xảy ra tương tục, không gián đoạn, không dừng nghỉ nơi thân, tâm và thế giới. Nhờ quán tưởng Vô thường, sinh diệt của vạn pháp mà hành giả trực nhận sâu sắc về Khổ (dukkha: khổ đau, không như ý, bất toàn…) và từng bước thành tựu tuệ giác Vô ngã. Đối với tất cả pháp mà thấy vô thường rõ ràng và thường trực thì tuệ giác phát sinh, hành giả sẽ dễ dàng thành tựu sự nhàm chán, ly tham, buông xả, đoạn ái, dứt mạn, trừ vô minh, chứng đạt Niết-bàn.