Hiếu thảo là đạo đức to lớn thì bất hiếu là một tội nặng. Trong kinh Nhẫn nhục, Đức Phật dạy: “Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều ác cùng cực chẳng gì bằng bất hiếu”.
“Cha mẹ là những thầy giáo đầu tiên trong cuộc đời của mỗi chúng ta, dạy chúng ta từ lúc tập bò, tập lẫy rồi sau đó cho đi học, đến trường với thầy cô bạn bè. Cha mẹ là người cho chúng ta cái thân này, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, không có cha mẹ thì không có chúng ta, nên cha mẹ là người chúng ta phải yêu thương, kính trọng suốt đời”. Đó là những chia sẻ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh khi giao lưu với hơn 800 học sinh của trường THPT Lưu Nhân Chú – Thái Nguyên vào ngày 29/10/2019.
Trong buổi chia sẻ với chủ đề “Nhân quả trong việc ứng xử với cha mẹ”, Đại đức đã trích dẫn những lời Đức Phật dạy trong kinh Nghiệp báo sai biệt về nhân quả của những hành vi, cử chỉ khi chúng ta đối với cha mẹ của mình. Qua đó giúp các em học sinh có thêm bài học về nhân quả của tội bất hiếu với cha mẹ qua cách ứng xử trong cuộc sống để từ đó các bạn biết yêu thương, quan tâm cha mẹ nhiều hơn.
Những bài học bổ ích về cách ứng xử với cha mẹ
Người hay não loạn, làm cha mẹ buồn khổ sẽ bị bệnh tật ốm yếu
Trong kinh Nghiệp báo sai biệt, Đức Phật dạy người hay làm não loạn cha mẹ, khiến cha mẹ sinh tâm lo buồn sẽ bị quả báo nhiều bệnh tật. Cha mẹ là người đã chịu bao vất vả cho chúng ta hình hài, thương yêu chúng ta vô bờ bến. Khi con đau ốm cha mẹ cũng đau đớn khôn xiết. Khi con bệnh thì cha mẹ mất ăn mất ngủ, chạy chỗ này ngóng chỗ kia để lo lắng, chăm sóc. Tình thương và sự hy sinh của cha mẹ là thế nhưng cũng không ít lần chúng ta làm cha mẹ phiền lòng, đau khổ vì sự vô tâm, ngỗ nghịch của mình.
Đại đức chia sẻ: “Thầy Thái Minh từ bé chưa từng làm cho cha mẹ sầu khổ, khi thấy mẹ buồn một việc gì là Thầy rất lo; có khi thấy mẹ khóc là Thầy khổ tâm lắm, không bao giờ muốn nhìn thấy mẹ rơi nước mắt khóc cả. Thấy cha mà buồn, mẹ mà sầu lo thì rất khổ tâm. Cho nên các con muốn được mạnh khỏe thì không được làm cho cha mẹ vì các con mà lo buồn sầu khổ nhé!”. Cha mẹ nào thương con cũng mong con mình lớn lên, trưởng thành, biết lo cho bản thân và gia đình; nhưng nếu chúng ta khôn lớn rồi mà vẫn làm cho cha mẹ phải lo lắng, đau khổ, suy tư sầu não mà sinh bệnh; nhân bất hiếu này sẽ khiến chính chúng ta phải chịu quả báo bị bệnh tật, ốm yếu.
Người không yêu kính cha mẹ là đang gieo nhân xấu xí
Ai cũng mong muốn được thân hình đẹp đẽ, nhưng nhiều người khi sinh ra không được may mắn, tướng mạo xấu xí, khiến ai nhìn vào cũng không muốn gần mình. Cũng có người lúc sinh ra được thân hình đẹp đẽ, nhưng đến tuổi trưởng thành dung nhan lại trở nên xấu xí. Trong kinh Đức Phật dạy, một trong những nhân duyên khiến chúng ta xấu xí là do không yêu kính cha mẹ. Người không yêu kính cha mẹ, hay cãi lại cha mẹ thì dần sẽ có quả báo xấu xí. Bởi cha mẹ là người sinh ra chúng ta, yêu thương chúng ta nhất mà không hiếu kính được thì tâm hồn của chúng ta u tối, không sáng được. Cổ nhân có câu: “tâm sinh tướng”, vậy nên người có tâm hồn u tối thì thần sắc không sáng sủa, không gây được thiện cảm, gần gũi với người khác.
Đại đức chia sẻ: “Như cái cây, nó có đẹp cũng nhờ ánh mặt trời. Một cái cây xanh tươi cần phải có ánh nắng, có đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu một cái cây không được ra nắng, thử xem nó có bạc màu, có héo, có chết hay không? Cũng như thế, cha mẹ là mặt trời, tuôn chảy tình yêu thương cho các con, mà các con bất kính với cha mẹ thì xem như cắt đứt nguồn yêu thương ấy, thì các con làm sao tốt đẹp được? Cha mẹ là mặt trời của các con, cho các con tình yêu thương, mà mình xem thường, hỗn láo với cha mẹ thì chắc chắn tương lai của các con sẽ không thể đẹp tốt được”.
Người có uy thế nhỏ có nhân vì đâu?
Trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều hạng người. Có người khi nói ra đều được tin kính, quý trọng; lại có những người khi nói ra khiến người khác luôn nghi ngờ, không có uy thế, không ai tôn trọng. Trong kinh Đức Phật dạy người nào không có tâm quý kính hầu hạ cha mẹ thì người ấy không có uy thế. Đối với cha mẹ, chúng ta chỉ cần biết giúp đỡ việc nhà, hay những cử chỉ ân cần hỏi han là cha mẹ cũng thấy vui và hạnh phúc lắm rồi. Bởi vậy nên Bác Hồ cũng đã từng dạy trẻ thơ rằng: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”.
Qua đây, Đại đức cũng chỉ dạy các bạn học sinh rằng: “Các con về nhà phải biết nấu cơm, giặt giũ quần áo, giúp việc nhà cho cha mẹ. Buổi tối cha mẹ đau lưng thì đấm lưng cho mẹ, bóp vai cho bố thì đó chính là kính quý và hầu hạ cha mẹ. Ngày xưa, khi các con còn bé thì mẹ bế kèo kẽo trên tay, nhưng bây giờ các con lớn rồi lại ngại, xấu hổ không dám làm. Nhớ ơn công lao của cha mẹ là cái gốc, còn các con là cái ngọn. Các con chăm sóc cha mẹ chính là vun bồi cái gốc, nếu như quên mất gốc, quên mất ơn đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ thì chúng ta không tốt đẹp được. Cho nên từ hôm nay về nhà, các con hãy chăm sóc cha mẹ, thì cha mẹ cũng sẽ rất vui, hạnh phúc”.
Người có uy thế lớn, được mọi người kính trọng, tôn kính và giúp đỡ mới làm được việc lớn; ngược lại người không có uy tín, uy thế thì làm việc gì cũng khó khăn, không được mọi người nể trọng.
Người bất kính với cha mẹ sẽ phải sinh vào dòng họ thấp kém
Đất nước Ấn Độ từ thời Phật còn tại thế cho đến tận bây giờ, những dòng họ thuộc giai cấp Thủ-đà-la là giai cấp nô lệ thấp kém, những dòng họ thuộc giai cấp này thường không có địa vị và tiếng nói trong xã hội. Đức Phật dạy: “Người có dòng họ thấp kém là do không biết kính cha kính mẹ và không vâng theo lời dạy của cha mẹ”. Qua đây, Đại đức căn dặn các bạn: “Các con kiểm nghiệm lại bản thân mình, nếu mình sinh ra trong gia đình thấp kém, dòng họ không có danh giá thì mình biết rằng mình từng gieo nhân bất kính và cãi lại lời cha mẹ, thường hỗn hào, hỗn láo với cha mẹ”. Yêu kính, phụng dưỡng cha mẹ là quyền lợi mà không phải ai cũng có, nhiều người khi còn cha mẹ thì ít quan tâm, chăm sóc, nhưng tới khi cha mẹ mất rồi mới than sầu, khóc lóc. Sau khi nghe bài Pháp của Đại đức mong rằng các bạn sẽ phản chiếu lại những hành động khi xưa của mình để quay lại biết chăm sóc, hiếu dưỡng cha mẹ.
Người cắt giảm tài sản của cha mẹ sẽ bị quả báo ít tài sản
Chúng ta ai cũng muốn được giàu có, tài sản sung túc nhưng có nhiều người dù rất chăm chỉ, cần mẫn vẫn không thể có tài sản, ăn bữa nay lo bữa ngày mai. Trong kinh Đức Phật dạy một trong những nguyên nhân khiến cho mình bị ít tài sản là từng cắt giảm tài sản của cha mẹ. Bổn phận làm con, chúng ta cần ý thức rằng trách nhiệm của mình là phải nuôi dưỡng, đền đáp công ơn cha mẹ. Tài sản của cha mẹ, nếu cha mẹ cho thì được nhận, nhưng không được bòn rút, ép cha mẹ phải cho mình; một người con như vậy thì mới làm cho cha mẹ được an ổn, hạnh phúc.
Đại đức căn dặn các bạn: “Có những người từ lúc là sinh viên, đã biết đi làm thêm, gia sư, rửa bát kiếm thêm tiền để phụ cha mẹ tiền học, còn thừa lại gửi về cho cha mẹ nuôi em, thì người đó mai này sẽ có nhân duyên giàu có. Nên các em phải nhớ nếu các con ít tài sản, bị nghèo khổ là do nguyên nhân các con từng bất hiếu, bòn rút tài sản của cha mẹ”. Trong kinh Đức Phật cũng dạy, tài sản kiếm ra chúng ta phải trích một phần để lo báo hiếu, chăm sóc cho cha mẹ. Một người con hiếu thảo như vậy thì nhân quả tự nhiên giúp cho chúng ta được tăng trưởng phúc lành, trong đời này hoặc đời sau được tài sản sung túc.