Nhất định không nói lỗi lầm của họ, chỉ có một câu A Di Đà Phật đối đãi với họ

Chúng ta học Phật, Phật ở đâu? Phật chính là ở trong bộ Kinh này. Chúng ta đọc cho kỹ, nghiên cứu cho kỹ, cùng nhau nghiên cứu thảo luận cho kỹ càng, làm sao để áp dụng cho được. Mỗi câu mỗi chữ của Kinh văn chúng ta phải làm cho được, tôi cũng thường nói, bạn làm tròn hai phần thì nắm chắc phần vãng sanh, làm không tròn hai phần thì không thể vãng sanh. Quan trọng nhất là khẩu nghiệp, nếu khẩu nghiệp vẫn chưa sửa được, ở chỗ này tôi nói chắc chắn rằng, cuộc đời này bạn không thể vãng sanh, lời của tôi nói là chắc chắn. Niệm Phật chính là giúp chúng ta đoạn mười nghiệp ác, bởi vì từ vô lượng kiếp đến nay, tập khí của ác nghiệp này luôn luôn khởi hiện hành. Nếu như tập khí ác này không khởi hiện hành, vậy bạn là người tái lai, không phải là phàm phu. Bạn là phàm phu thì đâu có cái đạo lý không tạo nghiệp.
Trong Kinh Địa Tạng nói khởi tâm động niệm đều là nghiệp, đều là tội. Thật vậy, chắc chắn là như vậy. Bạn dùng cách gì để đối trị? Phật hiệu. Ý niệm vừa khởi thì dùng câu A Di Đà Phật đè nó xuống. Cách này hay vô cùng, trong tám mươi bốn ngàn pháp môn thì phương pháp này là dễ nhất, chắc chắn nhất, đáng tin nhất, cũng là nhanh nhất. Đây chính là niệm Phật, đây gọi là biết niệm Phật. Mỗi tiếng niệm Phật sẽ làm cho phiền não, tập khí, vọng tưởng tạp niệm của bản thân chúng ta bị đè xuống, khiến cho tâm của chúng ta trở lại thanh tịnh, hồi phục thành câu A Di Đà Phật. Từ sáng đến tối khởi tâm động niệm chỉ là A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, không có một tạp niệm nào. Người này nhất định vãng sanh. Cho nên hy vọng chư vị đồng tu chúng ta từ nay trở đi, không bàn chuyện nhà người khác, nhà họ Trương thế này, nhà họ Lý thế kia, không nói như vậy nữa.
Có người đến nói với tôi thì sao? A Di Đà Phật. Nếu họ đến nói người đó tại sao không đúng, thì ta liền nói A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, vậy là tốt. Ta không nghe họ nói, ta chỉ niệm A Di Đà Phật, cũng khuyên họ nhanh chóng mà niệm A Di Đà Phật, đừng có tạo nghiệp nữa. Bản thân mình phải làm một tấm gương tốt. Đây mới gọi là người niệm Phật, là người biết niệm Phật, như vậy mới thật sự là đệ tử của mười phương chư Phật Như Lai. Chúng ta không phụ lòng của mười phương tất cả chư Phật Như Lai, tự nhiên sẽ cảm ứng được mười phương tất cả chư Phật hộ niệm. Đặc biệt là ở thế giới này, chư Phật nhìn thấy có một người như thế này là của quý. Tại sao vậy? Người khác không làm được, người này có thể làm được, chắc chắn các Ngài sẽ giúp đỡ bạn trong đời này nhanh chóng thành tựu. Chúng ta có cảm thì Phật sẽ có ứng, cảm ứng đạo giao không bao giờ lỡ cơ hội. Chúng ta là đệ tử Phật phải học tập như vậy.
Người khác không học thì không liên can gì với ta, không nên quan sát người khác, càng không thể phê bình người khác. Phê bình người khác là chính bản thân mình đã tạo nghiệp nặng, làm trở ngại tâm thanh tịnh của chính mình. Bởi vì bạn có phân biệt, có chấp trước, có vọng tưởng, đối với bản thân sẽ sinh ra chướng ngại nghiêm trọng. Nếu bạn muốn độ họ, thì sau khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật sẽ trở lại độ họ. Hiện nay tạm thời để họ sang một bên, tránh phải việc độ họ không xong mà ngay cả bản thân ta cũng không vãng sanh được, vậy là bị lỗ nặng rồi. Bản thân mình phải nắm chắc phần vãng sanh, chúng ta mới có thể dành chút ít thời gian giúp đỡ người khác. Bản thân vẫn chưa nắm chắc phần vãng sanh thì không thể giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác thì tâm có dư nhưng lực thì không đủ. Không phải là không giúp đỡ, không phải là không từ bi, bản thân ta hiện tại chưa đủ năng lực, trước tiên phải thành tựu chính mình. Giống như nhìn thấy người khác té xuống nước sắp chết đuối, bản thân ta không biết bơi mà phát tâm từ bi nhảy xuống cứu thì uổng đi một mạng. Trong những tình huống như vậy thì ta phải nhanh chóng đi học bơi. Khi ta đã là một tay bơi lội giỏi mới có thể nhảy xuống nước cứu người. Đây mới là từ bi thật sự. Cho nên không nên tạo khẩu nghiệp nữa. Chúng ta thấy, nghe người khác tạo khẩu nghiệp mà sanh tâm thương xót. Họ không biết là họ vẫn còn ngu si, chúng ta hồi đáp họ chính là câu A Di Đà Phật. Tuyệt đối bạn không nên phê bình họ, bạn sẽ sai, bạn lại tạo khẩu nghiệp. Tôi nói những lời này tôi lại tạo khẩu nghiệp rồi, các bạn hãy nghĩ cái đạo lý này cho thông.
Vậy làm sao tôi mới không tạo khẩu nghiệp? A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, như vậy thì không tạo khẩu nghiệp. Để cho họ nghe thật nhiều câu A Di Đà Phật thì dần dần họ sẽ giác ngộ. Một lần hai lần, thời gian ngắn họ nghe chưa hiểu, thời gian lâu dài thì họ sẽ hiểu, họ mới hiểu được bạn thật sự có ý tốt giúp đỡ họ, thức tỉnh họ. Nhất định không nói lỗi lầm của họ, chỉ có một câu A Di Đà Phật đối đãi với họ, điều này thì được, hơn nữa, A Di Đà Phật sẽ gia trì cho họ.
(Trích từ: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 324)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *