I – NGHIỆP LÀ GÌ ?
Nghiệp tiếng phạn là Karma, có nghĩa là hành động tạo tác. Hành động tạo tác tạo ra tướng bên ngoài là thân và miệng. Hành động tạo tác còn ngầm ẩn bên trong là tâm ý. Về tính cách của nghiệp có chia ra: Nghiệp lành, nghiệp dữ và nghiệp vô ký tức bình thường không lành không dữ; hoặc có nghiệp bất động, là nghiệp tu các thiền định thế gian để sanh về những cõi trời sắc giới và vô sắc giới. Chính nghiệp là động cơ thúc đẩy hoặc dẫn dắt chúng sanh đi trong luân hồi.
II – TẠI SAO CON NGƯỜI CÓ MẶT TRÊN ĐỜI ?
Một thắc mắc lâu này của con người, là tại sao chúng ta có mặt trên thế gian này ? Đã tốn biết bao giấy mực để giải thích vấn đề này nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn thực sự.
Thông thường, theo người xưa cho là do tạo hóa sinh ra. Song đó chỉ là một lý lẽ giải quyết tạm thời. Đặt câu hỏi lại: Tạo hóa ở đâu mà sanh ? Tại sao không sanh người tốt lại sanh người xấu, người hung ác, người phản lại tạo hóa ? Vậy tạo hóa cũng bất công, thương người này ghét người kia hay sao ?
Phật dạy, con người do vô minh tạo nghiệp mà sinh ra đời, không nói do ai, từ đâu. Vô minh là gì ? Tức là mê mờ không sáng suốt, là nhầm lẫn không thấy đúng lẻ thật. Nghĩa là, cái không phải ta chấp là ta, như phần điên đảo đã nói. Từ đó mới tạo thành nghiệp lành, nghiệp dữ… Rồi theo đó mà bị nghiệp dẫn đi thọ sanh chỗ tốt hoặc chỗ xấu. Tạo nghiệp lành thì sanh chỗ tốt, tạo nghiệp dữ thì sanh chỗ xấu, tạo nghiệp bất động, tức tu thiền định còn tướng ngã thì sanh các cõi trời thiền định. Hễ còn tạo nghiệp là còn có chỗ sanh, tức còn có mặt trên thế gian theo nghiệp dẫn. Kinh Nhân Quả có bài kệ:
Dục tri tiền thế nhân
Kim sinh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sinh tác giả thị
Nghĩa:
Muốn biết nhân đời trước
Hãy xem đời nay nhận
Muốn biết quả đời sau
Hãy xem đời nay tạo
Rõ ràng, muốn biết đời trước mình đã làm gì, tốt hay xấu thì hãy xem lại ngay đời này mình đã nhận lấy thế nào sẽ biết liền. Đời nay mình được thân tốt đẹp, có phước báo thì biết đời trước mình đã có tạo nhân lành nhiều; trái lại, đời nay mình xấu xí, thiếu phước báo thì biết đời trước mình ít tạo nhân lành.
Muốn biết đời sau thế nào, hãy xem lại ngay đời nay mình đã tạo tác những gì ? Nếu đời nay mình làm phước nhiều, tạo những việc tốt, việc lành thường xuyên thì biết đời sau sẽ hưởng quả lành, an vui tốt đẹp không nghi ngờ. Trái lại, đời nay mình tạo nhiều nghiệp dữ, hại người tổn vật, thì biết rõ đời sau phải lãnh những quả báo đau khổ là không tránh khỏi. Đó là một lẽ thật vốn như vậy, không do ai đặt ra, không có một cái Ta nào xen vào, Phật cũng không đặt ra điều đó để thưởng phạt người, Ngài chỉ giác ngộ thấy tường tận và chỉ dạy lại cho chúng sanh để sống đúng pháp an vui thôi.
Chuyện Tỳ kheo Ma Ha Lư. Xưa cách kinh thành Đa-ma-ra bảy dặm có ngôi tinh xá, trong đó vị trưởng lão Tỳ kheo tên là Ma Ha Lư, tâm tánh ám độn, được năm trăm Tỳ kheo dạy bảo mà suốt mấy năm không nhớ được bài kệ. Do đó trong chúng xem thường, chỉ cho coi giữ tinh xá và sai bảo quét dọn trong ngoài. Một hôm, Vua thỉnh các thầy Tỳ kheo vào cúng dường. Thầu Tỳ kheo Ma Ha Lư tự nghĩ “Ta sinh ra ngu độn, một bài kệ cũng không biết, bị người khinh khi, vậy sống có ích gì ?” Nghĩ xong, ông mang dây ra gốc cây sau vườn định tự tử.
Đức Phật với đạo nhãn từ xa thấy được, Ngài bèn hóa làm thân cây, hiện nửa thân người bảo Ma Ha Lư:
– Này Tỳ kheo kia, sao lại làm thế ?
Ma Ha Lư trình bày khổ tâm của mình. Thọ thần quở trách:
– Ông không nên làm như vậy, hãy nghe lời tôi. Thuở Đức Phật Ca Diếp còn tại thế ông là vị pháp sư thông tam tạng, có năm trăm đệ tử. Song do vì ỷ mình thông minh, khinh chê kẻ khác, lại lẫn tiếc kinh nghĩa, không chịu dạy bảo cho người. Vì vậy về sau đời đời sinh ra nơi nào, các căn cũng đều ám độn. Cho nên ông chỉ tự trách mình mà không nên tự sát.
Bấy giờ Thế Tôn liền hiện lại thân tướng quang minh, hào quang tỏa chiếu, nói kệ:
Người biết quý thân mình,
Cẩn thận luôn giữ gìn.
Mong giải trừ các dục,
Học đạo chẳng mê tình.
Thân người tối tôn quý,
Nên là bậc có trí.
Thường gắng tự tiến tu,
Và siêng hành pháp thí,
Tu trước phải sửa mình
Sau mới độ chúng sinh
Điều thân thâm nhập tuệ
Vượt hơn kẻ phàm tình.
Mình còn chưa lợi ích
Đâu hay lợi ích người
Tâm thuần, hạnh ngay thẳng
Nguyện thành tựu mười mươi.
Nếu trước ta gây tạo
Sẽ chịu quả về sau
Làm ác biết tự cải
Như kim cương sáng ngời.
Tỳ kheo Ma Ha Lư thấy hào quang Phật vội cúi mình làm lễ. Ông tư duy về nghĩa lý bài kệ, bổng nhập định, chứng quả A-la-hán ngay trước Phật. Ông liền nhớ lại mọi việc trong nhiều kiếp quá khứ của mình.
Phật bảo:
– Này Ma Ha Lư, ông hãy mang bát vào cung vua thọ trai, ngồi trên năm trăm tỳ kheo kia, năm trăm vị ấy vốn là đệ tử của ông đời trước. Sau đó ông thuyết pháp cho họ đắc quả và khiến vua tin hiểu được tội phước.
Tỳ kheo Ma Ha Lư vâng lời Phật đi thẳng vào cung, ngồi lên tòa trên. Mọi người bực mình nhưng chưa biết ý vua thế nào nên không dám nói. Thọ trai xong, ông vì đại chúng thuyết pháp, âm thanh hùng dũng như sấm, lời lẽ thanh tao tuôn chảy như mưa. Các tỳ kheo nghe qua giật mình kinh sợ, hối hận đã nghĩ sai về ông. Nhân đó các tỳ kheo chứng quả A-la-hán, vua và các quan chứng quả Tu Đà Hoàn. (Pháp Cú Thí Dụ, phẩm Ái Thân).
Đây cho thấy rõ, nghiệp mình làm rồi mình nhận lấy, không phải do ai áp đặt lên mình làm cho mình khổ, khiến mình bị thiệt thòi hơn người khác. Tỳ kheo Ma Ha Lư tuy tạo nghiệp xấu khiến ngu độn như thế, song bên cạnh đó cũng có tạo nhân lành nên được gặp Phật giáo hóa đắc quả thánh. Thật là nhân quả rành rõ đâu có lẫn lộn lờ mờ.
III- TẠI SAO CÓ CHÚNG SANH SAI BIỆT ?
Ở trên đã giải thích lý do con người có mặt trên thế gian này. Đây nói rộng ra mọi loài chúng sanh trên thế gian có đủ loại sai biệt nhau, là do đâu ? Nói gần, đồng là người, cũng máu đỏ như nhau, cũng mày ngang mũi dọc, nhưng tại sao hàng tỉ người như thế lại không ai giống ai ? Ngay cả cùng một cha mẹ sinh ra không giống nhau ? Cho đến hai kẻ sinh đôi dù bảo giống nhau như đúc, nhưng thực ra nếu xét kỹ cũng có chút ít điểm nhỏ sai khác. Tại sao thế ? Từ đâu có sự sai biệt đó ?
Trong kinh Thập Thiện, Phật bảo Long Vương: “Này Long Vương! Ông có thấy trong hội này và trong biển cả, bao nhiều là hình sắc chủng loại mỗi loài khác nhau chăng ? Tất cả như thế đều do tâm tạo nghiệp lành hay dữ nơi thân, khẩu, ý mà ra.”
Hiện tại, trong loài người, hình thù sai khác đã nhiều; trong biển, các loài cá, tôm, cua, trạch… hình thù càng sai khác kỳ dị khó kể hết. Ai đó vào Hải Học Viện thì thấy rõ. Do đâu có như thế ? Phật dạy rất rõ ràng, chính do thân khẩu ý tạo nghiệp sai khác nên hiện tướng sai khác, chứ không có gì lạ. Nếu tâm hiểm độc, nhỏ nhoi ích kỷ, xảo quyệt thì tướng hiện ra sẽ khó coi kỳ quái chứ gì! Ngài An Thế Cao có người bạn tu hành mà sân nhiều, sau sanh làm thần miếu với thân mãng xà. Sư vốn tên An Thanh, hiệu Thế Cao, người nước An Tức, sang Trung Hoa dịch kinh. Năm Tân Dậu sư đến Lô Sơn, nơi đây có thần miếu rất linh, dân chúng đến dân lễ cầu phước đông đến hơn ba mươi thuyền. Thần giáng cơ bảo:
– Dưới thuyền có Sa Môn, nên mời lại.
Dân chúng mời sư đến. Thần lại giáng cơ nói:
– Tôi xưa cùng ông xuất gia học đạo. Tôi ưa bố thí mà lại sân hận nhiều, nay sinh làm thần miếu, thọ mạng có thể hết sớm, không biết lúc nào, lại sợ đọa vào địa ngục. Nay tôi có ngàn khúc lụa và một số bảo vật, xin ông hãy vì tôi làm Phật sự, tạo tháp để cho tôi được sanh chỗ lành.
Sư bảo thần miếu hiện nguyên hình. Thần hiện thành con rắn lớn, khóc lóc như mưa. Sư bèn thâu lụa, bảo vật rồi từ biệt ra đi. Đến Dự Chương, Sư dựng chùa Đại An, xây dựng tháp ở Giang Hòa. Chẳng bao lâu thần miếu chết, về báo đã được sanh cõi lành. Sau người ở Sơn Tây thấy xác rắn trong đầm, đầu đuôi dài đến mấy dặm. (Cao Tăng Dị Truyện).
Bạn của Ngài An Thế Cao do nghiệp sân quá nặng nên tuy tu hành bố thí có phước mà phải sanh làm thần miếu với thân hình xấu xí đáng sợ là thân rắn. Hiện tại, người khi nổi sân thì vẻ mặt nhất định là khó coi, dẫn đến đời sau thân tướng xấu xí là điều dễ hiểu thôi.
Trong thực tế, mỗi con người đang sống đây đều có một cảnh giới riêng, có một cõi tâm tư suy nghĩ riêng không ai giống ai, do đó tướng hiện ra phải sai khác. Hai người dù ngồi sát bên nhau nhưng có tiếp xúc nhau đâu ? Mỗi người trong đầu tự có một cảnh giới riêng, nhất là hai người đối nghịch nhau, tuy ở bên nhau mà một người ngó bên đông, một người ngó bên tây, cách xa nhau như trời với đất.
Có câu chuyện Hộ Tăng Điệt là cháu của tôn giả Hộ Tăng, một vị đã chứng A La Hán. Sư xuất gia với Ngài Hộ Tăng. Sau khi thọ cụ túc, Hộ Tăng Điệt đi nhập hạ tại một ngôi chùa ở làng quê. Trong mùa an cư được chia hai lá y, đại đức nguyện: “Lá y tám hắc tay sẽ dâng thầy tế độ, còn lá y bảy hắc tay ta sẽ giữ lại phần ta.”
Sau mùa an cư, đại đức về thăm tôn giả Hộ Tăng, gặp lúc tôn giả đi vắng, đại đức quét dọn phòng sẵn, chờ Ngài Hộ Tăng về, đón lấy bát, thỉnh vào ngồi nghỉ, đứng quạt hầu. Rồi đại đức lấy lá y dâng lên Ngài Hộ Tăng. Song Ngài Hộ Tăng không nhận bảo là có đủ rồi, con hãy giữ lấy mà dùng.
Đại đức khẩn khoản, nói lên ý nguyện mình đã hứa cúng dường lên Ngài. Nhưng Hộ Tăng vẫn không nhận.
Đại đức Hộ Tăng Điệt làm thinh đứng quạt, trong lòng buồn nghĩ: “Khi còn ở nhà, mình là cháu của đại đức sư bác. Khi xuất gia, mình là đệ tử Ngài. Thế mà Ngài không tưởng đến tình bác cháu thầy trò vậy thì mình còn ở đây làm gì, thà mình hoàn tục cho rồi.” Nghĩ đến đó tỳ kheo lại tính thầm: “Đời sống tại gia cũng khó khăn lắm, hoàn tục rồi ta sẽ làm gì ?”
Nhớ đến hai lá y, Hộ Tăng Điệt tính: “Mình sẽ đem lá y tám hắc tay bán lấy tiền mua một con dê cái. Dê cái thì mau sinh sản, hễ nó sanh bao nhiêu thì mình bán hết, gom góp tiền đó, mình sẽ cưới một cô vợ đẹp. Vợ mình sẽ sanh cho một đứa con, lúc đó mình sẽ lấy tên bác mình mà đặt cho nó. Rồi mình để nó trong xe nhỏ, đưa cả vợ con đến chào sư bác. Đang đi lăn qua cán nhầm nó. Chàng giận quá mắng vợ một trận: “Đồ đàn bà hư, đã nói đưa tôi bồng cho mà không chịu.” Rồi lấy gậy đập lên lưng vợ.
Đang nghĩ miên man, Hộ Tăng Điệt quên mất mình đang đứng quạt hầu thầy, nên cầm cây quạt đánh lên đầu Ngài Hộ Tăng. Tôn giả dùng tha tâm thông xem lý do gì, bèn biết được nguyên nhân liền bảo:
– Này Hộ Tăng Điệt! Ông đánh mụ ấy không được thì thôi, chớ lão tăng có mắc mới gì đâu ?
Tỳ kheo cháu nghe thế, hoảng hốt nghĩ: “Chết rồi! Đại đức sư bác có tha tâm thông, đã biết rõ tâm ta hết rồi, vậy ta còn mặc y sa môn làm gì nữa!”
Hộ Tăng Điệt bèn quăng cây quạt bỏ chạy. Bị các sa di trẻ bắt lại, dẫn đến Phật. Phật gạn hỏi, Hộ Tăng Điệt trình bày lại hết, Phật dạy:
– Lại đây! Tỳ kheo đừng lo vớ vẩn. Tâm phàm thì nó hay chạy theo cảnh nó vừa lòng, dầu cho xa vời mấy cũng vậy. Phải gắng tinh tấn thoát khỏi ràng buộc của tham sân si.
Phật nói kệ pháp cú:
Tâm đi xa một mình
Ẩn hang sâu vô hình
Ai bình tâm khéo giữ
Thoát vòng ma kiết sử (trói cột sai khiến).
Câu chuyện cho thấy, Hộ Tăng Điệt dù đang đứng quạt hầu thầy mà không tiếp xúc với thầy, trái lại đang sống với tư tưởng đâu đâu, đến nỗi gõ cây quạt lên đầu thầy mà không hay! Đứng sát bên nhau mà tâm cách nhau như thế, thì làm sao tướng hiện ra giống nhau được.
Lẽ thật nếu ai ai cũng nghĩ như nhau, xả bỏ “cái ngã” riêng tư cách biệt, bảo đảm tướng hiện ra giống nhau, và gặp nhau luôn luôn. Do đó đừng trách người không hợp với mình, mà hãy xét lại mình có hợp với người hay không ? Tâm mình đã nghĩ cách biệt với người mà muốn người thuận với mình, làm sao có ?
IV – KHÉO TU CHUYÊN NGHIỆP:
Đã rõ sự sai khác là do thân khẩu ý tạo nghiệp sai khác mà nên, ai cũng có một nghiệp riêng, không thể đòi hỏi mọi người phải giống mình, vì mình có giống người đâu ? Không khéo chỉ làm khổ thêm cho nhau. Như chuyện xưa có kể: Có một tên cướp chiếm cứ một vùng núi non hiểm trở. Hắn nổi tiếng với một cái giường đặc biệt bằng vàng dát ngọc bích. Mỗi khi bắt được ai lai vãng đến vùng chiếm cứ của mình, hắn cho đám lâu la áp đặt nạn nhân lên chiếc giường đặc biệt ấy rồi xử lý như sau:
Một, nếu thân nạn nhân dài hơn chiếc giường thì chúng chặt phần đầu và phần chân thừa ra cho bằng chiếc giường.
Hai, nếu thân nạn nhân ngắn hơn chiếc giường thì chúng kéo dài nạn nhân cho đến khi nằm vừa vặn trên cái giường.
Ba, nếu nạn nhân vừa vặn với chiếc giường, chúng cũng không tha cho về quê.
Câu chuyện có nhiều ý nghĩa thâm thúy. Đó là anh ta đại diện cho những người muốn đem cái ta này mà đo lường mọi người, bắt mọi người phải theo đúng với cái khuôn của cái ta này. Quả là làm khổ cho nhau! Mình thích uống rượu, muốn ai cũng uống rượu như mình. Mình thấy cây tùng đẹp, muốn ai cũng thấy cây tùng đẹp như mình…, đó là điều không thể được.
Người khéo học Phật, biết rõ mọi việc tốt xấu sai khác trong cuộc sống đều do thân khẩu ý tạo nghiệp không đồng mà có ra, không có chuyện ngẫu nhiên. Vậy muốn có quả tốt, an vui, phải tạo nhân tốt, nhân lành, không thể nhắm mắt làm càn, đến khi quả báo tới rồi, mới trách Trời trách Phật. Đâu biết Trời Phật chẳng làm cho mình vui, cho mình khổ, đều do nhân quả mình tạo ra thôi. Bởi vậy, Phải biết chuyển nghiệp, tu tạo nhân lành thì sẽ được chuyển hóa.
Nhưng chuyển từ đâu ? Từ thân khẩu ý mà tạo, thì cũng từ thân khẩu ý mà chuyển, trọng yếu hơn hết lại là ở “ý”! Bởi ý là chủ động, ý có nghĩ miệng mới nói, thân mới làm. Người không nắm vững căn bản này, tu hành lộn ngược sẽ không được kết quả chân thật.
Như lúc Thế Tôn ở Xá Vệ, có vị Bà-la-môn là nhà tịnh thủy hành, ông tin tưởng nhờ nước mà được thanh tịnh. Sáng chiều hai lần ông tu theo hạnh xuống nước tắm cho thanh tịnh. Tôn giả A-nan bạch Phật từ bi xuống độ cho ông. Ông nghe Phật đến trú xứ của mình, bèn tự đến gặp Phật, Phật bảo:
– Này Bà-la-môn! Có phải ông là nhà tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước mà được thanh tịnh chăng ?
Ông đáp:
– Đúng vậy
Phật hỏi:
Ông nhằm mục đích gì mà làm hạnh đó ?
Ông đáp:
– Thưa Tôn giả Cồ Đàm! Ở đây ban ngày tôi làm nghiệp ác gì, buổi chiều tôi tắm để gội sạch những nghiệp ác đó. Buổi tối tôi làm những nghiệp ác gì, buổi sáng tôi tắm để gội sạch những nghiệp ác đó. Tôn giả Cồ Đàm! Do nhằm mục đích ấy, tôi là nhà tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước mà được thanh tịnh.
Thế Tôn nghe xong bèn nói kệ đánh thức ông:
Chánh pháp là ao hồ,
Giới là bến nước tắm.
Không cấu uế trong sạch,
Được người lành tán thán.
Là chỗ bậc có trí,
Thường tắm trừ uế tạp,
Khi tay chân trong sạch,
Họ qua bờ bên kia.
Thử hỏi, làm ác rồi xuống sông tắm khiến sạch tội ác, có sạch được chăng ? Nước sông chỉ rửa sạch được thân thể, chớ làm sao rửa được tâm ? Mà tâm ác chưa sạch, chưa chuyển đổi, thì nghiệp ác làm sao hết ? Đây là một lầm lẫn quá to, nếu được như vậy, thì chúng ta tha hồ làm ác rồi xuống sông tắm là xong, là thanh tịnh, thì người cứ làm ác thì mãi có tội gì! Thật nguy hiểm vô cùng!
Trong đây, Phật dạy: lấy chánh pháp làm ao hồ. Lấy giới để ngăn ngừa tội lỗi, làm bến nước tắm. Tắm mình trong giới thanh tịnh, trong ao hồ chánh pháp, đó mới là con đường của bậc trí tán thán, mới thật là con đường chuyển hóa đúng ý nghĩa thiết thực, mới thật sự sạch được nghiệp xấu ác, thành thanh tịnh giải thoát. Chân lý sáng ngời như thế cần phải học. Nghĩa là, phải rửa từ trong tâm chứ không phải chỉ rửa ở cái thân. Khi tâm trong sạch thì thấy ai cũng dễ thông cảm, đời sống sẽ thanh cao sáng tỏ. Trái lại, tâm chứa đầy nhơ nhớp xấu ác thì nhìn ai cũng thấy đen tối, dễ sanh ganh ghét, hơn thua, tạo thành một đời sống tội lỗi, nhiều đau khổ cho mình và cho người xunh quanh.
V – KHÔNG BỎ QUA DUYÊN LÀNH ĐÃ GẶP:
Hôm nay chúng ta đã có duyên lành gặp Phật pháp, được chỉ rõ con đường chuyển hóa đau khổ, xấu ác của kiếp người, phải khéo chín chắn suy xét để thực hành, sẽ đưa mình đi lên chỗ tốt đẹp. Một duyên lành đã đến, khó gặp hai lần như thế. Kiếp người là vô thường, không thể có “Tắm hai lần trong một dòng sông”, lời người xưa đã nhắc nhở.
Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có câu chuyện:
Lúc Phật ở Xá Vệ, có ông Bà-la-môn tuổi gần tám mươi, giàu có nhưng ngu mê, xan tham khó độ, không tin đạo đức, không biết vô thường, cứ lo cất nhà to đẹp. Hôm ấy ông đang làm nhà gần xong, chỉ còn mái hiên che nắng căn nhà sau là còn chưa xong. Phật dùng thiên nhãn thấy ông sẽ chết trong ngày hôm đó.
– Ông có nhọc mệt lắm chăng ? Nhà cửa xây dựng để làm gì ?
Ông đáp:
– Nhà trước dùng tiếp khách, nhà sau để ở, hai dãy bên đông tây dành cho dâu con tôi tớ và chứa của cải. Mùa hạ thì lên đài hóng mát, mùa đông thì lại vào phòng sưởi ấm.
Phật bảo:
– Đã lâu nghe tiếng tăm ông, nay mới có dịp trò chuyện, tôi có một bài kệ quan trọng có ích lợi cho kẻ còn người mất, muốn đem tặng ông, không biết ông có vui lòng nghỉ tay ngồi nói chuyện một chút chăng ?
Ông đáp:
– Hôm nay bận lắm, xin hẹn hôm khác đến sẽ thong thả luận bàn. Còn bài kệ gì đó xin nói ngay đi.
Phật nói kệ:
Có con cái tài sản,
Người ngu phải rộn ràng.
Ta còn không thật có,
Lo gì của và con ?
Nóng nên ở chỗ này,
Lạnh nên ở chỗ kia.
Người ngu lo tính hoài,
Không biết lẽ đổi thay.
Kẻ ngu muội cực cùng,
Tự cho mình là trí,
Ngu mà tưởng hơn trí,
Đó chính là cực ngu!
Ông nghe xong nói:
– Bài kệ hay thật, nhưng hôm nay tôi bận, xin bữa khác hãy đến bàn luận.
Phật chỉ biết thương xót đi ra. Sau đó ông chỉ huy mọi người gác đòn dông, không ngờ cây đòn dông rơi xuống trúng ông vỡ đầu chết.
Ông Bà-la-môn này có tự đáng thương chăng ? Đã gặp Phật là duyên lành quá lớn, lại được Phật khai thị cho, vẫn không biết dùng, chỉ lo chuyện nhà cửa vô thường, cuối cùng chết mất, bỏ lại hết có được gì ? Nên nhớ, vô thường luôn chực sẵn bên người, không thể hẹn hò, lần lựa, ăn năn không kịp!
Một câu chuyện về vị Điển tọa già sẽ nhắc nhở thêm cho chúng ta rất lớn về điểm này:
Ở chùa Vĩnh Bình chỗ Thiền sư Đạo Nguyên, Nhật Bản, có vị Điển tọa già hơn tám mươi tuổi, một hôm sư đang phơi nấm hương ngoài trời nóng bức, thiền sư Đạo Nguyên xem thấy bèn hỏi:
– Trưởng lão, Ngài lớn tuổi thế ấy, vì sao phải nhọc nhằn làm việc này ? Xin Ngài hãy nghĩ, tôi sẽ cho người thay thế!
Điển tọa già đáp:
– Người khác đều chẳng phải là tôi.
Thiền sư Đạo Nguyên nói:
– Quả thật vậy, song cần làm cũng không hẳn phải chọn lúc trời nắng gắt như vậy.
Điển tọa đáp:
– Trời nắng chẳng phơi nấm, vậy có phải đợi trời mát hoặc trời mưa mới phơi sao ?
Đây là một hình ảnh thức tỉnh cho chúng ta. Việc trách nhiệm của mình thì tự mình làm, không thể đợi ai thay thế. Ai có thể thay mình sống chết ? Bởi vậy gặp dịp đáng làm là làm ngay, duyên lành đến là chụp lấy ngay mà sống. “Trời nắng không chịu phơi, đợi trời mưa mới phơi sao ?”, mỗi người nên nghiền ngẫm kỹ để tự nhắc lấy mình!
VI – TÓM KẾT:
Tóm lại, mọi người sinh ra đời đều có nghiệp đã tạo từ đời trước mà thành có sai khác, không ai giống ai. Biết rõ mọi tốt xấu đều do nghiệp tạo, không có chuyện ngẫu nhiên, phải khéo biết chuyển nghiệp để tạo thành một cuộc sống luôn sáng sủa, tốt đẹp hơn. Không có chuyện: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, cha làm mà con phải chịu, đều do nghiệp đồng cảm mà đến với nhau thôi. Con đã tạo nghiệp xấu thì tìm đến chỗ người cha đã tạo nghiệp xấu để lãnh quả xấu của mình, như người nghiệm rượu thì tìm đến bạn rượu.
Thấu rõ như trên là có niềm tin chân chính, đúng pháp. Đó là con đường đi lên, không thể bỏ qua. Mình phải biết tự thương mình mà chọn lối đi cho mình, không ai thương mình bằng mình. Con cái có khi, có đứa chưa hẳn thương mình. Mình chết nhằm ngày lành nó còn cúng kiến đàng hoàng, nếu chết nhằm ngay trùng, nó sẽ đi tìm thầy ếm không cho về! Thử hỏi nó có thương mình chăng ?
Để kết thúc xin nhắc bài thơ của Hàn Sơn:
Sanh tiền đại ngu si
Bất vi kim nhật ngộ
Kim nhật như hứa bần
Tổng thị tiền sanh tác
Kim sanh hưu bất tu
Lai sanh hoàn như cố
Lưỡng ngạn các vô thuyền
Diểu diể nan tế độ.
Nghĩa:
Đời trước quá ngu si
Chẳng được ngày nay ngộ
Ngày nay nghèo thế này
Thảy do đời trước tạo.
Đời nay lại chẳng tu
Đời sau vẫn như cũ
Hai bờ đều không thuyền
Mênh mông khó cứu độ!
Hòa Thượng Thích Thông Phương