Địa Tạng Bồ Tát bèn chuyển cúng các vật ấy lên Đức Thế Tôn

Phật lại so sánh: Chí tâm quy y, xưng danh, niệm tụng, lễ bái, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát cầu các sở nguyện là thù thắng nhất. Kinh chép:
“Giả sử có người trong trăm kiếp chí tâm quy y, xưng danh, niệm tụng, lễ bái, cúng dường các vị như Di Lặc, Diệu Cát Tường, Quán Tự Tại, Phổ Hiền… là thượng thủ của các đại Bồ Tát Ma Ha Tát nhiều như cát sông Căng Già để cầu các sở nguyện thì chẳng bằng người trong khoảng một bữa ăn chí tâm quy y, xưng danh, niệm tụng, lễ bái, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát để cầu các sở nguyện, mau chóng được mãn nguyện trọn vẹn. Vì sao như thế? Địa Tạng Bồ Tát lợi ích, an lạc hết thảy hữu tình, khiến cho sở nguyện của các hữu tình được viên mãn. Ngài giống như châu Như Ý, cũng lại như kho tàng. Bậc Đại Sĩ như thế vì muốn thành thục các hữu tình nên từ lâu đã tu đại nguyện đại bi kiên cố, dũng mãnh, tinh tấn hơn các vị Bồ Tát khác. Vì thế các ông phải nên cúng dường”.
Khi Phật giảng rộng công đức chẳng thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đã xong, chúng hội đều hưng khởi cúng dường. Kinh chép:
“Lúc bấy giờ, đại chúng đến từ mười phương: hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát và các Thanh Văn, trời, người, Dược Xoa, Kiện Đạt Phược v.v. đều từ chỗ ngồi đứng dậy, tùy theo khả năng của mình, ai nấy cầm các mảnh vàng, bạc… các hương, hoa báu dâng rải lên Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, lại cầm các thứ y phục thượng diệu, bảo châu Mạt Ni, chân châu, tràng hoa, chuỗi ngọc, dây báu vàng bạc, tràng phan, lọng v.v… dâng lên Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát; lại dùng vô lượng âm nhạc thượng diệu, các thứ tán tụng để cung kính cúng dường Địa Tạng Bồ Tát”.
Chúng hội đã hưng khởi cúng dường xong, Địa Tạng Bồ Tát bèn chuyển cúng các vật ấy lên Đức Thế Tôn, đồng thời nói thần chú để lợi ích hết thảy.
Trích từ Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *