Bố thí và cúng dường là một trong những pháp tu quan trọng của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để bố thí và cúng dường thực sự có lợi ích, mang ý nghĩa tịnh thí thì người cho lẫn người nhận phải nỗ lực để tự hoàn thiện mình.
“Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, Ngài cho gọi các Tỳ kheo:
Này các Tỳ kheo, có bốn thanh tịnh thí vật này. Thế nào là bốn?
Có bố thí, này các Tỳ kheo, thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận; có bố thí thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho; có bố thí không thanh tịnh từ người cho cũng không thanh tịnh từ người nhận; có bố thí thanh tịnh từ người cho cũng thanh tịnh từ người nhận.
Ở đây, này các Tỳ kheo, người cho có giới, theo thiện pháp còn người nhận là ác giới, theo ác pháp. Như vậy là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận.
Này các Tỳ kheo, ở đây, người bố thí ác giới, theo ác pháp còn người nhận có giới, theo thiện pháp. Như vậy là bố thí người nhận thanh tịnh, người cho không thanh tịnh.
Ở đây, này các Tỳ kheo, người cho là ác giới, theo ác pháp và người nhận cũng là ác giới, theo ác pháp. Như vậy là bố thí, người cho không thanh tịnh và người nhận cũng không thanh tịnh.
Này các Tỳ kheo, ở đây, người bố thí có giới, theo thiện pháp và người nhận cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy là bố thí người cho thanh tịnh và người nhận cũng thanh tịnh.
Này các Tỳ kheo, có bốn thanh tịnh thí vật này”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương IV, phẩm Không hý luận, phần Thanh tịnh thí vật, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.706)
Lời bàn:
Bố thí và cúng dường là một trong những pháp tu quan trọng của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để bố thí và cúng dường thực sự có lợi ích, mang ý nghĩa tịnh thí thì người cho lẫn người nhận phải nỗ lực để tự hoàn thiện mình.
Biện chứng giữa tương quan cho và nhận của tịnh thí cho thấy không phải hễ có tài vật là có thể cho một cách đúng pháp được đồng thời cũng không thể nếu có người cho thì có thể vô tư để thọ nhận được. Người cho phải quán sát xem những gì được đem cho xuất phát từ đâu, có phải tịnh vật hay không? Người nhận cũng nên tự vấn lương tâm xem mình đã xứng đáng, có phần nào tương ưng để thọ nhận sự bố thí và cúng dường ấy để hồi hướng phước báo cho thí chủ hay không? Nếu tương quan này khập khiễng, tức giữa người cho hoặc người nhận không thanh tịnh thì sự tịnh thí không thành, thậm chí chỉ còn lại hình thức trao đổi, hoán chuyển giá trị như muôn vàn sự trao đổi khác trong cuộc sống.
Vậy thì, muốn có được sự tịnh thí, người cho và người nhận chỉ cần tuân thủ nguyên tắc “có giới, theo thiện pháp”. Khi một người sống trong sự bảo hộ của giới pháp đồng thời nỗ lực làm các việc lành thì tự thân đã đầy đủ phước báo xứng đáng để cho và nhận. Trong mọi trường hợp, thành tâm và nhất tâm vẫn là điều kiện cơ bản và then chốt nhất để tác thành bố thí thanh tịnh.
Cho là một nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện của tâm xả. Tuy vậy, để sự thí xả ấy đạt được phước báo viên mãn thì phải nỗ lực để thành tựu tịnh thí tức người cho, vật đem cho cùng người nhận phải thanh tịnh và nhất tâm. Vì thế, sống “có giới, theo thiện pháp” nhằm trang nghiêm phước báo tự thân nhờ tịnh thí luôn là phương châm sống của những người con Phật.