Trong khi làm việc kiếm sống, dù thu nhập mỗi người có nhiều ít khác nhau nhưng ai cũng nghĩ đến việc lưu một chút của để dành, tiết kiệm nhằm phòng thân, gặp lúc ốm đau bất trắc.
Có điều, hầu hết mọi người đều có ý để dành cho ngày sau của đời này mà ít ai có thể nghĩ xa hơn, chắt chiu dành dụm thứ gì đó cho đời sau.
Đức Phật thuyết pháp – Tranh PGNN
Dĩ nhiên để dành làm vốn liếng, tư lương cho đời sau, theo tuệ giác của Thế Tôn thì không phải là đất đai, lúa thóc, bạc tiền… Những thứ này khi nhắm mắt, xuôi tay không ai mang theo được. Có mang theo chăng là nghiệp lực sinh thời của mình. Mà nghiệp lực thì có thiện ác. Thật vô phúc và bất hạnh cho ai lấy ác nghiệp làm của để dành cho đời sau.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Uất- xà-ca đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn, những người tại gia có bao nhiêu pháp để có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau?
Phật bảo Bà-la-môn:
– Có bốn pháp có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau. Đó là: Tín đầy đủ, Giới đầy đủ, Thí đầy đủ, Tuệ đầy đủ.
Thế nào là có Tín đầy đủ? Đối với Như Lai, người thiện nam có tâm kính tin, gốc rễ tín vững chắc, mà chư Thiên, Ma, Phạm cùng với loài người không thể phá hoại. Đó gọi là người thiện nam có Tín đầy đủ.
Thế nào là có Giới đầy đủ? Người thiện nam không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là người thiện nam có Giới đầy đủ.
Thế nào là có Thí đầy đủ? Người thiện nam với tâm không vấy bẩn bởi sự keo kiệt, sống đời tại gia mà hành bố thí buông xả, thường tự tay mình cho, vui vẻ tu hạnh thí xả. Đó gọi là người thiện nam có Thí đầy đủ.
Thế nào là có Tuệ đầy đủ? Người thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế; biết như thật về Tập, Diệt, Đạo Thánh đế. Đó gọi là người thiện nam có Tuệ đầy đủ.
Nếu người thiện nam nào ở tại gia đình mà thực hành bốn pháp này, có thể thành tựu lợi ích đời sau và an lạc đời sau.
Phật nói kinh này xong, Uất-xà-ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi lui”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh 91 [trích])
Đức Phật đã chỉ rõ, của để dành cho đời sau được an vui thì rất nhiều, nhưng căn bản nhất là Tín, Giới, Thí, Tuệ.
Tín là tin sâu vững chắc bất động vào Phật-Pháp-Tăng. Phật là bậc Giác ngộ, Pháp là những giáo huấn cao thượng của Phật, Tăng là chư đệ tử xuất gia tu tập theo Phật Pháp. Nếu còn chưa tin, nghi ngờ thì hãy trau dồi đức tin sâu sắc và thuần khiết của mình.
Giới là rèn luyện năm nhân cách đạo đức của người Phật tử. Giới giúp cho người thọ trì trở nên thuần thiện, an lành. Giới chưa tròn thì đạo đức chưa trọn nên cần phải sám hối và phát nguyện giữ gìn. Có giới thì mình và người đều an vui.
Thí là tùy khả năng và tâm nguyện mà xả buông, hiến tặng và cho đi một phần những gì mình đang có. Cho càng nhiều thì phước đức càng lớn. Chưa từng cho ai cái gì thì phước đức kém cỏi, đời sau sẽ thiếu hụt và khốn khó.
Tuệ là thành tựu chánh kiến, biết rõ như thật về Tứ diệu đế. Thấy như thật bản chất cuộc đời là đau khổ, mọi đau khổ ấy xuất phát từ tham ái và vô minh, tu tập Bát Thánh đạo thì mới chuyển hóa và đoạn tận khổ đau, chứng nhập Niết-bàn.
Thế nên, Phật tử khi chưa giàu thì hãy cố làm giàu, lợi mình và lợi người. Khi khấm khá rồi lại vẫn tiếp tục cày cuốc cho giàu thêm nữa về cuối đời mà không biết đầu tư cho kiếp tương lai thì thật vô minh. Phải tìm cách vun bồi Tín, Giới, Thí, Tuệ để “Nay vui, đời sau vui”, những đời sau đều an lạc.