“Quảng tích âm công” vì tất cả các chúng sanh phục vụ, đây gọi là công đức. Cái gì gọi là “âm công”?
Bạn làm xong một việc tốt, không thể để người khác biết, kẻ khác biết được rồi vừa mới khen ngợi, mới biểu dương thì “công” của bạn chẳng còn nữa, lập tức liền biến mất, khi người ta khen ngợi bạn thì biến mất ngay. Cho nên làm việc tốt đừng để cho người ta biết, đây gọi là “âm đức”, thì cái thiện này càng tích càng dày, quả báo sẽ bất khả tư nghị thù thắng đấy. Việc ác thì hy vọng mọi người đều hay biết, người này thấy được chửi bạn một câu, kẻ kia chỉ trích bạn thì cái ác của bạn liền biến mất rồi vậy. Cho nên, ác đừng nên dấu diếm, ác phải dương ra ngoài, thiện phải dấu trở lại thì cái thiện của bạn mới tích được dày.
Người hiện nay làm việc tốt mọi người đều hay biết, tuyên dương xong thì lập tức phước sạch hết, còn làm việc ác thì giấu kín nhất định chẳng để người hay biết, cho nên cái ác này càng tích càng dày, còn thiện thì chẳng tích đến, quả báo của tương lai thì đều là ác báo chẳng có thiện báo, điều này chúng ta phải biết. “Quảng tích âm công”, hai câu này thật sự có thể làm được thì bạn sẽ chẳng mất thân người.
Người xưa nói rất hay, “âm đức” thiên địa quỷ thần báo đáp cho bạn, cái báo này rất hậu. “Dương thiện hưởng thế gian”, họ hưởng thụ kẻ khác cung kính tán thán, sự cung kính tán thán của kẻ khác cũng là phước, thì lập tức phước đó bạn hưởng sạch hết. Nhất là hiện nay, hiện nay thế gian này tích thiện vô cùng khó khăn. Bạn làm được một việc tốt, bất luận bạn làm lớn cỡ nào, bạn xem, người ta đăng báo cho bạn, đem lên tivi, vừa tuyên dương thì xong hết, toàn bộ đều hết sạch, về sau chẳng còn chút phước báu nữa. Nhưng ngày nay con người tạo ác thì dùng mọi cách để dấu diếm chẳng để người ta hay biết, cái ác này tích dày rồi, bị trời phạt, hoàng thiên trừng phạt. Bạn hành thiện, thiện tích chẳng vững, còn cái ác kia hoàn toàn tích lũy ở đó, bạn thấy đáng sợ biết mấy? Đạo lý này và chân tướng sự thật chúng ta đều phải biết.
Nhưng ngày nay bạn làm thiện quả thật có ký giả đến phỏng vấn, có thể có báo chí truyền thanh đến loan tin cho bạn, tâm chúng ta quả thật chẳng có niệm này, chẳng cần người ta tuyên dương, cái thiện này vẫn có thể bảo tồn một tí, vì sao? Chẳng tiếp nhận, mục đích chẳng ở chổ này, mục đích nếu hôm nay để đề cao độ nổi tiếng của mình, đề cao danh vọng của mình thì phước báo sẽ hưởng hết. Cho nên người xưa thường nói người tích âm công, tích âm đức, làm việc thiện, hành thiện tự có trời biết. Đó chính là tích âm đức “Quảng tích âm công”, đây là đạo lý rất sâu.
Pháp Sư Tịnh Không