Như thị phúc lợi tối bất tư nghị, nhất bá kiếp trung thường vi Tịnh Cư thiên chủ, nhị bá kiếp trung thường vi Lục Dục thiên chủ, tất cánh thành Phật vĩnh bất đọa ác đạo, nãi chí bá thiên sanh trung nhĩ bất văn khổ thanh. [Thì phước lợi đó không thể nghĩ bàn, trong một trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ cõi Lục Dục Thiên và rốt ráo sẽ được thành Phật, vĩnh viễn không còn đọa vào ác đạo, thậm chí trong trăm ngàn đời, tai không hề nghe đến tiếng khổ.]
Đoạn kinh văn này là nói về quả báo đạt được của sự bố thí. Bố thí là nhân của phước đức, ba nghiệp đều phải biết tu học. Trong tâm thường giữ ý niệm bố thí, vừa mới nói chính là phục vụ chúng sanh, chúng ta nói như vậy thì mọi người dễ hiểu, niệm niệm đều có tâm nguyện phục vụ chúng sanh, đây là tâm bố thí của bạn. Lúc thường ngày dùng lời nói để khuyên người, phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, đây là miệng bố thí. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thật sự làm được, ngay trong cương vị công tác của mình, ngay trong phương thức sinh hoạt hằng ngày của mình phải làm việc có lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, đây là thân làm việc bố thí, [làm vậy] bạn nhất định sẽ có phước. “Bố thí tài” gồm có nội tài và ngoại tài, ngoại tài là vật ngoài thân, nội tài là thân thể của mình, mình dùng thân thể của mình, dùng sức lực của mình phục vụ mọi người, đây là “bố thí nội tài”, bố thí tài thì sẽ được giàu sang. “Bố thí pháp” là dùng trí tuệ của mình, dùng kỹ thuật, khả năng của mình để giúp đỡ người khác, quả báo là thông minh trí tuệ. “Bố thí vô úy” là giúp mọi người được thân tâm yên ổn, xa rời lo sợ, xa rời ưu tư phiền não, quả báo là được khỏe mạnh sống lâu. Như vậy thì phước báo của bạn mới viên mãn, trong sinh hoạt cả đời của bạn, đời sống vật chất không thiếu thốn, không cần quá nhiều, không thiếu thốn là tốt rồi, là rất viên mãn. Cái ăn, cái mặc đầy đủ, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu thì phước báo của người đó mới là viên mãn. Ngày nay chúng ta thấy thế gian này có rất nhiều người giàu sang nhưng không có trí tuệ, ngu si, họ thật sự giàu có. Lại thấy có người thông minh, rất có trí tuệ nhưng thân thể không khỏe, nhiều tai nạn, nhiều bệnh, đó là gì? Đời trước họ không có tu bố thí vô úy, thường làm tổn hại hết thảy chúng sanh, [nên họ] bị nhiều tai họa, nhiều bệnh tật. Họ nói: “Tôi đâu có hại chúng sanh gì đâu, không hại ai hết”, mỗi ngày ăn thịt chúng sanh thì chuyện này đã là phiền phức rồi.
Tôi nhớ có một lần, cư sĩ họ Lôi ở Hồng Kông ở đây báo cáo, bà xem thấy quả báo ngay trong đời này, có một người thích ăn đồ biển, lúc chết bị một bệnh giống như con cua, giống cá tôm vậy, quả báo hiện tiền mọi người đều nhìn thấy, làm cho rất nhiều người sợ hãi, những người thích ăn đồ biển đều không dám ăn nữa. Bà ở đây thuật lại chuyện này, chúng tôi có thu hình, cuộn băng thu hình này có thể lưu thông cho mọi người xem, chuyện bà kể là chuyện thật, người thật việc thật. Trong Giới Kinh, tuy đức Phật không cấm mọi người ăn thịt, nhưng đức Phật khuyên người ăn “tam tịnh nhục”. Tam tịnh nhục, thứ nhất là không thấy giết, bạn không xem thấy sát sanh, thứ hai là bạn không nghe thấy tiếng kêu [lúc con vật bị] giết, thứ ba là tuyệt đối không phải vì mình mà giết, đây gọi là tam tịnh nhục. Nhưng có một số người thích ăn thịt sống, tận mắt nhìn thấy con vật bị giết, đích thân kêu người đầu bếp giết con vật ấy, họ muốn ăn đồ tươi, ăn như vậy thì tạo nghiệp nặng lắm. Cho dù bạn tu bố thí được phước, dù bạn tu bố thí pháp được thông minh trí tuệ, quả báo của bạn chính là thân thể bị nhiều tai họa, nhiều bệnh tật. Thông thường mà nói thì thân thể người Trung Quốc không bằng người nước ngoài, người nước ngoài ăn thịt, người nước ngoài thật sự ăn tam tịnh nhục, hơn nữa lúc ăn thịt cũng tương đối đơn thuần. Ở nước ngoài chúng ta thấy họ ăn phổ biến nhất là thịt bò, thịt gà, những động vật khác họ không ăn, rất ít ăn, họ yêu thương động vật. Nếu họ thấy bạn làm tổn hại động vật thì họ không thích, họ sẽ không tha thứ cho bạn. Ở Úc Châu nếu làm tổn thương động vật bừa bãi thì phải bị phạt, phải bị phạt tiền, thậm chí còn phải đi tù, đây là bảo hộ động vật. Gà và bò của họ được nuôi để làm thịt, như vậy thì tạo nghiệp sẽ nhẹ. Hãy xem người Trung Quốc chúng ta, đặc biệt là người miền Nam cái gì cũng ăn, cái gì cũng muốn ăn sống, như vậy thì tạo nghiệp rất nặng, sẽ chịu rất nhiều tai nạn. Do đó, chúng ta phải biết làm cách nào để tu phước.
[Nói đến] đạo khỏe mạnh sống lâu, tất nhiên phương thức sống của chúng ta rất quan trọng, đó đều là duyên. Nguyên nhân thật sự là do trong đời quá khứ tu bố thí vô úy, bố thí vô úy giúp cho hết thảy động vật, các loài hữu tình, những động vật có sinh mạng đều được yên ổn, được sống vui vẻ, không thể sát hại chúng, đây là thuộc về bố thí vô úy, ngày nay gọi là thương yêu, bảo vệ động vật. Chúng tôi ở Mỹ, ở Canada, ở Úc Châu thấy những động vật sống hoang dã không sợ con người. Bạn xem những động vật nhỏ ấy, bạn ngoắc tay thì nó liền đi tới, chim cũng không sợ người, nó bay xuống đậu trên vai bạn, bạn vừa ngoắc tay thì con sóc liền chạy lên tay bạn. Động vật ở Trung Quốc khác ở nước ngoài, vừa thấy người thì nó lập tức chạy mất, động vật cũng thông hiểu tánh người, sống ở chỗ nào mà nó biết con người không hại nó, con người là bạn tốt của nó thì nó mới dám lại gần. Còn ở Trung Quốc hay Đài Loan thì không được như vậy, chim vừa nhìn thấy người thì liền bay đi, nó biết những người này là kẻ thù của nó, là oán gia của nó, chắc chắn sẽ giết hại chúng nên chúng mau mau chạy thoát thân.
Đoạn này dạy chúng ta làm thế nào để tu bố thí, làm sao tu phước, tu bố thí chính là tu phước, nếu bạn có thể tu học như vậy, tu bố thí như vậy, quả báo sẽ là “trong vòng một trăm kiếp thường làm vua trời Tịnh Cư”; trời Tịnh Cư là trời Tứ Thiền, quả vị này cao, họ được quả báo như vậy. Nguồn gốc của quả báo đều ở tại phát tâm, bạn biết phát tâm thì bạn sẽ tin quả báo mà Phật nói đều là chân thật. “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, hết thảy pháp chuyển biến theo tâm niệm của bạn, trong nhân nói phía trước, quan trọng nhất là phải có tâm đại từ thì bạn mới có quả báo này. Nếu bạn chỉ có ái duyên từ, chúng sanh duyên từ thì quả báo sẽ không lớn như vậy, đây là lòng đại từ đại bi giống như chư Phật, Bồ-tát, quả báo không thể nghĩ bàn. Thời gian một trăm kiếp, thời gian dài như vậy bạn sẽ làm Đại Phạm thiên vương, đây là trời Sắc giới. “Trong hai trăm kiếp thường làm vua trời Lục Dục”, Đại Phạm thiên vương, phước báo của vua trời Tịnh Cư hưởng hết, hưởng hết rồi thì sẽ đọa xuống, nhưng họ vẫn còn dư phước. Phước đó tuy không đến trời Sắc giới, nhưng sẽ hưởng phước tiếp ở trời Dục giới. “Nhất định thành Phật, vĩnh viễn không đọa ác đạo”, Nhất định thành Phật là nói hạt giống Kim Cang được trồng xuống trong a-lại-da thức sẽ không hư hoại, nếu như gặp được nhân duyên thù thắng, duyên thù thắng này giống như lời nói của đại sư Thiện Đạo là “gặp duyên không đồng”. Nếu họ gặp được Phật pháp Đại thừa, gặp được pháp môn Tịnh độ, dựa trên thiện căn, phước đức của họ, lại thêm nhân duyên nữa thì họ nhất định sẽ vãng sanh bất thoái thành Phật, vậy thì vĩnh viễn sẽ không đọa ác đạo, sanh đến thế giới Tây Phương thì đương nhiên “không nghe thấy tiếng khổ”. Đoạn này là nói về quả báo của họ.
Đoạn này trong chú giải, pháp sư Thanh Liên chú thích rất nhiều, nói rõ những việc không thể nghĩ bàn. Trong đó ngài trích dẫn kinh luận, nêu ra những vật bố thí gồm có nhà cửa, giường chiếu, đồ ăn, thuốc men, nói rõ những thứ này đều là pháp thế gian, làm sao có thể nói là không thể nghĩ bàn? Sau đó nói: “Đây là do lúc bố thí, một niệm đầy đủ tâm đại từ, liền là căn bản để thành Phật?”, cho nên mấu chốt là ở ba chữ “tâm đại từ”. Nếu thật sự dùng tâm đại từ đại bi, không có phân biệt, không có chấp trước, một ý niệm này liền không thể nghĩ bàn, cho nên được phước cũng không thể nghĩ bàn, quả báo không thể nghĩ bàn.
(Trích: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, tập 37)