Sáng sớm pháp sư Nhẫn đến hỏi tôi, muốn tôi nói ra lỗi lầm của ông. Tôi nói với ông, trước đây Lý lão sư dạy chúng tôi, vào thời điểm nào thì dạy học trò? Học trò dưới hai mươi tuổi thì có thể giáo huấn họ. Hai mươi tuổi đến bốn mươi tuổi thì không thể dạy nữa rồi, phải để ý đến thể diện của họ, chỉ dùng ám chỉ, không thể nói thẳng ra. Trên bốn mươi tuổi thì dù họ có lỗi lầm cũng không thể nói ra nữa. Tâm thái đối nhân xử thế của người xưa, từ bốn mươi tuổi trở lên đã định hình rồi, ám chỉ cũng không được phép, sao có thể nói ra chứ? Pháp sư Nhẫn năm nay đã hơn 40 tuổi rồi, ông hỏi tôi, vậy thì phải làm sao? Đọc sách, chỉ có thể dùng cách đọc sách.
Ấn Quang Đại sư dạy chúng ta ba cuốn sách, rất tốt! Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, An Sĩ Toàn Thư, ngày ngày phải đọc, khi đọc thì đối chiếu với khởi tâm động niệm của chính mình, đối chiếu với ngôn ngữ tạo tác của chính mình, tốt thì phải duy trì, ngày mai lại tiếp tục làm như vậy, sai rồi thì phải nhanh chóng sửa đổi, bốn mươi tuổi trở lên chỉ có cách này. Cho nên đối với người bốn mươi tuổi trở lên, họ phạm lỗi mà còn phê bình thì người này cũng là không hiểu biết, không có đọc sách; người đọc qua sách sẽ không làm như vậy.
Cho nên chúng ta nghĩ xem, trước đây Đại sư Hoằng Nhất dạy học ở Nam Phổ Đà, học sinh có lỗi lầm, đại sư Hoằng Nhất không nói lời nào, ngày đó ông không ăn cơm. Học sinh nhìn thấy hôm nay lão sư không ăn cơm, đại khái là chúng ta hôm nay phạm lỗi rồi, tự mình phản tỉnh, sửa đổi lỗi lầm, sám hối, ngày mai lão sư liền ăn cơm. Không biết sửa sai, không biết sám hối thì ngày mai thầy lại không ăn cơm, ngày kia cũng không ăn cơm, niệm Phật vãng sanh. Không dám nói cho các vị, vì nói đâu có ích gì? Nói rồi cũng không thể sửa được. Lý lão sư nhìn thấy học trò có lỗi lầm, tuổi còn nhỏ thì dạy bảo, trong lúc giảng kinh thì ám chỉ, người trên bốn mươi tuổi thì tuyệt đối không thể nói rồi. Thời gian tôi theo lão sư cũng không tệ, lúc tôi theo thầy thì đã ba mươi hai tuổi, may nhờ vào sự yêu thương bảo vệ của thầy, thầy chịu chỉ bảo tôi. Chỉ bảo rồi nếu chúng tôi sửa thì thầy lại nói ra tiếp; nếu như không thể sửa thì lần sau thầy không nói nữa.
Cho nên các vị đồng tu ở các nơi, trong đầu nhất định phải rõ ràng, không phải cứ ở bên cạnh tôi thì đều là Thánh Hiền, không có lý nào như vậy. Những người đi theo ngài Lý Bỉnh Nam cũng không thể thành tựu. Nhất định phải nghe lời nói và quan sát hành vi của họ để phân biệt người này là Thánh Hiền hay là không. Nhất định không được hiểu lầm rằng người thường ở bên cạnh Pháp sư thì nhất định là tài giỏi, đây là nhận thức sai lầm. Tôi hôm nay cũng bất đắc dĩ mà nói cho rõ ràng, nói cho minh bạch, nhất định không thể sanh ra hiểu lầm. Vì sao vậy? Làm sai lệch con đường phía trước của các vị.
Đây không phải chỉ có mình tôi, từ xưa đến nay, phải nhìn xem họ có chân thật học theo hay không, chân thật hiếu học hay không? Hai ba mươi người chúng tôi thường ở bên cạnh Lý lão sư, trong đó cũng có người theo tà đạo, cũng có số người không như pháp. Ngài Hoàng Niệm Tổ từng nói với tôi, ngài có vài người bạn đồng tu trong Phật giáo cũng dựa danh tiếng, tu học không như pháp, đi vào tà đạo, đi vào danh văn lợi dưỡng, tên của các vị đó tôi không cần nói nữa. Những người mà ngài nói đều không còn nữa, đều đã qua đời rồi, Hoàng lão cũng đã vãng sanh rồi.
Trước đây xảy ra chuyện như vậy, cũng là thường thấy không hiếm, hiện tại thì càng nhiều. Nguyên nhân là gì? Người hiện tại phiền não tập khí nghiêm trọng hơn người xưa quá nhiều, cám dỗ của ngũ dục lục trần trong xã hội hiện nay gấp bao nhiêu lần so với trước đây, có thể khống chế được trong hoàn cảnh như thế này thì không phải là người phàm rồi. Thế nên họ vẫn khởi ác niệm, tạo ác nghiệp, chúng ta nhìn thấy rất bình thường, không có gì đáng trách! Nếu họ có thể vượt qua được, vậy thì chúng ta cung kính lễ bái họ, họ là Thánh Hiền giáng thế, họ không phải là người phàm. Người phàm không thể nào tránh được những lỗi lầm này. Chúng ta phải rõ ràng, minh bạch, nhất định không được cho rằng những người ở bên cạnh tôi ai cũng là Thánh Hiền, vậy thì các vị hoàn toàn sai rồi.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG