Chỉ cần trong tâm của bạn nghĩ thế giới Cực Lạc thì sẽ có thế giới Cực Lạc xuất hiện

Hôm qua tôi gặp một cư sĩ từ Trung Quốc đại lục đến đạo tràng nơi đây nghe kinh. Anh này rất thích Phật pháp và nói với tôi là anh thâm tín Phật pháp nhưng không tin cõi Tịnh độ của A Di Đà Phật. Lúc đó tôi vẫn chưa nghe thấy lời nói này vì thời gian lúc đó quá gấp gáp. Anh viết cho tôi một tin nhắn, khi trở về tôi mới nhìn thấy. Cũng có thể nói là anh này có thiện căn, hướng đến Phật pháp, thời gian học Phật chưa được nhiều, mới được hai năm. Hiện tượng này là bình thường.
Tôi nghĩ lại thời gian mình học Phật thì hầu như mười năm đầu cũng là không tin Tịnh độ. Bảy năm đầu khi học Phật vẫn còn bài trừ Tịnh độ, rất thích nghiên cứu kinh điển của Phật giáo. Kể từ sau khi tôi từ bỏ công việc rồi cùng pháp sư Sám Vân ở lều tranh, ở đó năm tháng rưỡi. Pháp sư Sám Vân có bảo tôi đọc Văn Sao của Pháp sư Ấn Quang. Trong thời gian đó tôi đọc Văn Sao Chánh Biên, Tục Biên hai lần. Ngài lại bảo tôi đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao, Yếu Giải và Viên Trung Sao, đồng thời bảo tôi làm Khoa Phán. Đương nhiên Khoa Phán không phải là do tôi làm mà Khoa Phán là của cổ Đại đức làm. Ngài muốn tôi đem Khoa Phán sắp xếp thành biểu giải để làm thành Khoa Hội. Đó là lần đầu tiên tôi phát hiện ra phân đoạn, bố cục, kết cấu, tầng lớp của kinh điển nhà Phật tinh nghiêm đến như vậy, khiến tôi khâm phục đến mức năm vóc sát đất. Sau khi sắp xếp Khoa Phán thành Biểu Giải thì đối với bố cục và kết cấu đều rõ ràng dễ hiểu, thế là ý nghĩa của toàn bộ kinh đều có thể xem một cách rõ ràng.
Sau này tôi thân cận với lão cư sỹ Lý Bỉnh Nam, Ngài là chuyên tu Tịnh độ, chuyên hoằng Tịnh độ. Trong thời gian năm tháng ở cùng với pháp sư Sám Vân, tôi không bài trừ Tịnh độ nữa. Đây là một bước tiến bộ lớn. Khi tôi đến Đài Trung cầu học, lão sư Lý thường khuyên tôi tu học Tịnh độ. Tôi lại tiến thêm được một bước nữa, thế nhưng vẫn chưa thể chuyên tâm, mà vẫn rất thích đại kinh đại luận trong Phật môn hơn. Vì vậy tôi học Bát Nhã, học Duy Thức với Ngài, đương nhiên đều là học những thứ để nhập môn. Sau này còn học Kinh Lăng Nghiêm, như vậy trên đại Kinh đã có được nền tảng, hơn nữa lại rất có thiên hướng về Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa và đọc chú sớ của người xưa. Lão sư Lý ở Đài Trung giảng kinh thuyết pháp dạy học, bản thân Ngài còn có công việc, việc xã giao rất nhiều, vì vậy chúng tôi chỉ có thể tiếp xúc với Ngài khi lên lớp học, cũng chính là hai lần mỗi tuần. Ngoài thời gian đó ra thì cơ hội thỉnh giáo với Ngài vô cùng ít. Thế nhưng tiếp xúc với Ngài mười năm thì hành nghi, đạo đức của Ngài đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho tôi, do đó tôi mới sanh khởi lòng tin đối với Tịnh độ.
Tôi chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh độ là sau khi giảng Kinh Hoa Nghiêm. Tôi ở Đài Bắc khởi giảng Kinh Hoa Nghiêm, bỗng một hôm liền nghĩ: trong Kinh Hoa Nghiêm đại diện quan trọng nhất là Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát, đại diện quan trọng cuối cùng là Thiện Tài Đồng Tử. Tôi bỗng nhiên suy nghĩ, các Ngài tu hành pháp môn gì? Tôi cẩn thận đọc kinh lại một lần nữa, lúc này mới hoát nhiên đại ngộ là các Ngài đều tu Tây Phương Tịnh Độ, đều phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc. Thế là tôi nghiêm túc phản tỉnh, Ngài Văn Thù Bồ Tát là thầy của bảy vị Phật, là lão sư của bảy vị Phật trong quá khứ, Ngài là cổ Phật thừa nguyện tái lai, lái thuyền từ, lấy thân phận Bồ Tát để giúp đỡ Tỳ Lô Giá Na Như Lai, giúp đỡ Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hoá chúng sanh. Trong đoạn cuối Kinh Hoa Nghiêm, các Ngài phát nguyện cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta nghĩ xem các Ngài là người như thế nào? Đều không phải là nhân vật thông thường, nếu luận theo vết tích thì Ngài là thân phận Đẳng Giác Bồ Tát của thế giới Hoa Tạng. Nếu nói theo nguồn gốc thì từ kiếp rất lâu xa về trước Ngài đã sớm thành Phật rồi. Người như vậy vẫn muốn phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nếu như Tịnh Độ có vấn đề thì Ngài làm sao lại thị hiện như vậy chứ? Phổ Hiền Bồ Tát thì càng không cần nói rồi, tổng quy kết của Kinh Hoa Nghiêm là Phổ Hiền Bồ Tát “dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”. Chúng ta sẽ hỏi thế giới Cực Lạc rốt cuộc là có hay không? Có rất nhiều người nảy sinh hoài nghi đối với vấn đề này. Vấn đề này không khó giải quyết, vậy tôi xin hỏi thế giới hiện tiền của chúng ta là có hay là không có? Nếu chúng ta thừa nhận thế giới mà chúng ta hiện nay đang sống là có vậy thì cũng như vậy, chúng ta cũng có thể khẳng định thế giới Tây Phương Cực Lạc là có, vì một có thì hết thảy đều có. Không thể nói thế giới này của chúng ta là có mà thế giới Tây Phương không có, là hư ảo. Vậy thì cách nghĩ này của bạn hoàn toàn sai lầm rồi.
Người thâm nhập Đại thừa khẳng định thập pháp giới y chánh trang nghiêm đích thực tồn tại. Vì sao vậy? Là vì “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”, chỉ cần trong tâm của bạn nghĩ thế giới Cực Lạc thì sẽ có thế giới Cực Lạc xuất hiện. Bạn sẽ hỏi vì sao vậy? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói rất rõ ràng, rất minh bạch, tận hư không pháp giới hết thảy chúng sanh từ đâu mà có? Là do “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, cái có thể hiện, có thể biến, có thể sanh chỉ là một thứ. Đây là sự thật, nhất định không phải là hư vọng. Một thứ này là gì? Đó là tâm, là thức, là tưởng. Nhà Phật gọi cái này là Chân Như, Tự Tánh, Chân Tâm. Phật nói rất nhiều danh từ, Ngài nói mấy mươi danh từ đều là nói một việc. Một sự việc vì sao Phật lại nói nhiều danh xưng đến như vậy? Đây chính là sự thiện xảo trong giáo học của Phật. Phật dạy chúng ta không chấp trước tên gọi, chỉ cần bạn hiểu ý nghĩa là được rồi. Không chấp trước tên gọi, không được chấp trước tướng. Vì sao vậy? Vì danh tự vốn là tánh không: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tướng là sở biến (cái được biến ra), là sở hiện (cái được hiện ra), nó không phải vĩnh viễn tồn tại. Cho nên bạn hiểu rõ là được rồi, ngàn vạn lần không được chấp trước, chấp trước thì hỏng ngay. Khi vừa có phân biệt, chấp trước thì bạn liền mê.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *