Cho nên đạo tràng thời xưa tốt lắm, tốt ở chỗ huân tập lâu dài. Mỗi ngày đều giảng kinh, thời gian giảng kinh dài. Hiện nay chúng ta giảng kinh mỗi ngày hai giờ, so với người xưa là đã giảm bớt. Nếu y theo tiêu chuẩn của đức Phật, trong kinh Nhân Vương nói “hai thời giảng kinh” đây là thời gian họ học tập, nghiên cứu, thảo luận, hạ công phu trên Giáo, Lý, Hạnh, Quả, “hai thời” tương đương tám giờ đồng hồ của chúng ta.
Kinh Phật nói hai thời là nói Ấn Ðộ thời xưa, mỗi ngày sáng tối chia thành sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời, mỗi thời bằng bốn giờ đồng hồ chúng ta hiện nay, hai thời tức là tám giờ đồng hồ. Cho nên thuở đức Phật còn tại thế, người tu hành theo đức Phật làm sao không chứng quả? Mỗi ngày tám giờ đồng hồ thảo luận kinh giáo, họ còn công phu đâu nữa mà khởi vọng tưởng? Ngày nay chúng ta chỉ bằng một phần tư của họ, chỉ học hai giờ đồng hồ. Nói thật ra là không đủ, tối thiểu phải có bốn giờ đồng hồ, mỗi ngày dành ra bốn giờ sốt sắng nghiên cứu thảo luận, tối thiểu cũng nên có bốn giờ đồng hồ niệm Phật, đây là ít tới mức không thể ít hơn nữa. Việc tu hành, ngày nay chúng ta hiểu rõ chỉ có pháp môn Niệm Phật là đáng tin cậy, các pháp môn khác trên mặt Lý thì đều bình đẳng, chẳng sai khác, nhưng trên mặt Sự thì rất khó khăn! Chẳng dễ dàng. Nói cách khác chẳng hợp với căn cơ của chúng ta, nghiệp chướng chúng ta quá nặng, chỉ có cách niệm Phật đới nghiệp vãng sanh thì chúng ta mới có thể làm được. Chỉ cần thật sự làm thì chẳng có ai không thành tựu.
Tối hôm trước tôi tới Hồng Các dùng cơm, nghe nói việc buôn bán của họ hiện nay rất tệ, tôi đi thăm họ, hiện nay [kinh tế] tương đối không tốt lắm. Ở đó thấy một CD nói về một người tù bị xử tử vãng sanh, chúng tôi đem vài CD về và nói với Lý hội trưởng, ông Lý nói ông cũng biết về việc này. Sau khi người tử tù này chết đi, ông Lý có lo hậu sự cho ông ta. Tôi hỏi có phải là ông Lý nói chuyện trong CD đó không, ông Lý nói không phải, mà do một cư sĩ họ Tô nói, nghe nói cư sĩ Tô hiện nay cũng hồi đầu chuyên tâm niệm Phật, vì ông đã nhìn thấy tận mắt sự kiện này. Cho nên cư sĩ Lý đã độ được không ít người trong tù được vãng sanh thật sự. Cư sĩ Tô quen biết với người này, chăm sóc cho kẻ tử tù này, dặn dò ông ta ba chuyện. Thứ nhất là lúc bị xử tử phải niệm Phật lớn tiếng, ông kia đồng ý và nói “Ðược, tôi sẽ làm”. Thứ nhì lúc ông mất đi phải có tướng lành, không được chảy máu từ bảy lỗ trên thân mình, vì đây là bị xử treo cổ, ông kia nói “Ðược, tôi sẽ làm”. Thứ ba ông phải lưu lại xá lợi cho chúng tôi làm chứng. “Ðược, tôi đồng ý”. Kết quả là khi ông ta chết đều thực hiện được ba chuyện này. Sau khi ông bị treo cổ, sắc mặt của ông rất đẹp, coi cũng giống như người thường, khác hẳn với những người bị xử tử theo kiểu này, sau khi thiêu thật sự có xá lợi.
Cho nên có bạn đồng tu hỏi: “Có phải là ông đó tự biết?” Không phải vậy, do nguyện hạnh, họ có nguyện lực thì có thể làm được. Ngay một người tử tội cũng có thoại tướng như vậy, ông ta thật sự đã vãng sanh, niệm cuối cùng của ông trong lúc ông ra đi là niệm A Di Ðà Phật, chẳng có tí gì hư giả. Ông biết trước ngày nào thọ hình và niệm Phật mà ra đi. Trong kinh nói, ý niệm cuối cùng là một câu Phật hiệu thì nhất định sẽ vãng sanh. Trước khi chết tạo tội nghiệp gì, phạm sai lầm gì, nếu trước khi chết bạn có thể hối cãi, sám hối vãng sanh, trong kinh Phật nói chuyện này đã xảy ra rồi. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói vua A Xà Thế tạo tội ngũ nghịch, lâm chung sám hối, trong kinh A Xà Thế Vương Tử, đức Phật nói với chúng ta vua vãng sanh được Thượng Phẩm Trung Sanh. Chúng ta đọc xong vô cùng kinh ngạc, vua tạo tội nặng như vậy, tội đọa A Tỳ địa ngục, chúng ta cứ nghĩ chắc vua vãng sanh Hạ phẩm mà thôi, vãng sanh về ba phẩm Hạ chúng ta cảm thấy cũng rất bình thường, chẳng biết là vua vãng sanh về Thượng phẩm Trung sanh, từ chuyện này [chúng ta mới biết] sức mạnh của sự sám hối chẳng thể nghĩ bàn. Ðây là nhờ vua gặp được thiện tri thức thật sự dạy cho vua, thiện căn phước đức của vua đời trước hiện ra, sau khi nghe xong khởi lên tâm sám hối chân thật. Ðây là việc chúng ta phải nên học tập, tu hành chân thật thì sẽ được cảm ứng chân thật. Ðây là việc cúng dường, phải từ tâm hiếu kính sanh khởi, lễ vật dùng để cúng dường đều là tiêu biểu pháp.
– Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 49, HT. Tịnh Không.