Vào thời đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời, tôn giả Bạc Câu La là một người nghèo khổ. Tôn giả nhìn thấy một vị tỳ kheo mắc chứng đau đầu, liền phát tâm chí thành dâng cúng một quả a-lê-lặc, vị tỳ kheo nhờ đó được khỏi bệnh.
Do nhân duyên ấy, từ đó về sau trong suốt 91 kiếp, Tôn giả dù sinh trong cõi trời hay cõi người cũng đều không mắc phải bệnh khổ.
*********
Người thế tục, lúc tuổi già hay khi có bệnh đều được vợ con, người thân chăm sóc, nhưng các vị tăng ni khi mắc bệnh phải nằm liệt giường thì hoàn toàn không có ai chăm sóc, nhìn quanh chẳng có ai thân cận, hoàn cảnh thật hết sức thê thảm. Cho nên, trong Kinh điển khuyến khích mọi người nên cúng dường các vị tăng ni bị bệnh, sẽ được phước báo lớn lao nhất
Trong cõi Diêm-phù-đề này có cả vạn giống cây, tám ngàn giống cỏ, bảy trăm bốn mươi giống cây thuốc lẫn lộn, bốn mươi ba giống cây với đủ loại hương thơm, một trăm hai mươi mốt giống cây quý, hết thảy đều có thể dùng vào việc cứu người. Đối với người đang mang tật bệnh thống khổ, ắt không gì có thể quý hơn thuốc men chữa trị cho họ.
Dùng thuốc cứu người, đó chính là tu hạnh thí xả. Chỉ bày phương thuốc cho người, đó cũng là tu hạnh thí xả. Chữa trị cho người nghèo khổ không tính toán so đo chi phí lợi hại, đó là tu hạnh thí xả. Khuyên người khác không bán thuốc giả, đó cũng là tu hạnh thí xả. Phương pháp tu tập hạnh thí xả tuy có rất nhiều, nhưng tựu trung quan trọng nhất vẫn là phải xuất phát từ tấm lòng bi mẫn thương người.
Cách đây mười ngàn năm, nước uống vào có vị hết sức ngon ngọt, như mùi vị của sữa đặc. Đến thời ông Kỳ-bà, tại Ấn Độ vẫn còn giữ được một cây quý gọi là dược vương, có thể dùng soi chiếu thấy được thấu trong nội tạng của con người. Vào triều Minh, loại nhân sâm tốt nhất, phần rễ đã phát triển rõ rệt thành hình người, vẫn còn rất nhiều, giá bán mỗi cân cũng chỉ tương đương như một cân bạc trắng. Ngày nay, giá bán đã cao hơn gấp bốn, năm lần mà màu sắc, mùi vị đều không được như trước. Trong tương lai khoảng 5.000 năm nữa, tuổi thọ trung bình của con người giảm xuống chỉ còn 20 năm, tai kiếp dịch bệnh khởi sinh, người chết nằm phơi xác khắp ngoài đồng nội. Tai kiếp này kéo dài đến bảy tháng bảy ngày mới dứt. Lúc ấy, các thứ nhu yếu thông thường như đường, muối… cũng không tìm ra được, huống hồ là các loại thuốc quý giá như nhân sâm, phục linh, nhục quế, phụ tử…
Luận Bà Sa có nói rằng: “Như có người mang một quả a-lê-lặc dâng lên cúng dường cho một vị tăng bị bệnh, thì trong tương lai người ấy nhất định sẽ không gặp phải những tai kiếp dịch bệnh.”
Bệnh tật khổ não không sẵn có lúc ta mới sinh ra, đều phải có nguyên nhân mới sinh khởi. Kinh Đại phương quảng Tổng trì dạy rằng: “Khởi tâm xấu ác lấy mắt nhìn người phát tâm Bồ Đề nên phải chịu quả báo đui mù. Dùng lời xấu ác hủy báng người phát tâm Bồ Đề nên phải chịu quả báo sinh ra không có lưỡi.” Lương hoàng sám nói rằng: “Sinh ra làm người câm ngọng, là do nhân đời trước hủy báng người khác. Sinh ra làm người thấp bé, là do nhân đời trước khinh miệt người khác. Sinh ra làm người xấu xí đen đủi, là do nhân đời trước ngăn che ánh sáng Phật pháp. Thân thể sinh ung nhọt đau đớn là do nhân đời trước đánh đập hành hạ các chúng sinh khác.” Kinh Pháp hoa dạy rằng: “Người mắc các bệnh phù nề, đau đầu, ghẻ lở, phong hủi… là do nhân đời trước hủy báng kinh này nên phải chịu quả báo như thế.”
Theo đó thì có thể biết rằng, mỗi một chứng bệnh đều có nguyên do tạo nghiệp đời trước. Cấp phát thuốc thang chữa trị, ấy là cứu giúp người sau khi bệnh tật đã sinh khởi; khuyên người không tạo nghiệp ác, ấy là cứu giúp người từ khi bệnh tật còn chưa sinh ra. Nếu mượn lời dạy của Khổng tử để so sánh thì một đàng giống như “phân xử công minh việc tranh tụng của dân”, một đàng là “khuyên dạy để dân không còn tranh tụng”. Cả hai việc đều có thể cùng lúc thực hiện, không có gì trở ngại cho nhau.