Thực hiện những việc tốt đối với người khác là giúp đỡ và bạn nên thực hành thường xuyên để có khả năng cho đi nhiều hơn. Để giúp đỡ hiệu quả nhất thì chỉ giúp về vật chất là chưa đủ. Theo quan điểm Phật giáo, có 3 phương pháp giúp đỡ với mức độ khó khác nhau.
1/ Tài thí: là giúp đỡ người khác bằng tài sản, vật chất. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy việc tài thí trong cuộc sống như cho người khác tiền để họ bớt khổ, đi từ thiện thực phẩm, quần áo cho những người gặp thiên tai, hoặc ở vùng sâu vùng xa,
2/ Pháp thí: là giúp đỡ người khác phương pháp suy luận, suy nghĩ, hành động để thoát khỏi nỗi khổ. Pháp thí giống như câu nói: “Cho cần câu chứ đừng cho con cá”. Để thực hành pháp thí khó hơn tài thí ở chỗ, muốn pháp thí thì bạn phải có được cách nghĩ, cách hành động đúng đắn mới giúp người ta thoát khỏi nỗi khổ.
3/ Vô úy thí: là giúp đỡ cho người khác hết sợ hãi. Muốn giúp đỡ theo phương pháp này, phải làm cho người ta hết yếu đuối, cứng cáp hơn.
Phương pháp giúp đỡ bằng vô úy thí thì còn hơn cả tài thí và pháp thí. Hết yếu đuối và sợ hãi, người ta có thể tự làm mọi thứ trên đời. Nếu cho người ta tiền, cho phương pháp nhưng lúc nào họ cũng tự ti, lo lắng, sợ hãi thì rất khó sử dụng được tiền và phương pháp của người đi giúp. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, nếu mà giúp được thì nên giúp bằng “Vô úy thí”.
Trong 3 phương pháp giúp đỡ trên thì độ khó tăng dần: tài thí là dễ nhất, như trong túi có tiền thì có thể cho người khác; Pháp thí khó hơn vì phải biết phương pháp và cách làm. Còn Vô úy thí là khó nhất vì phải cần cực kỳ nhiều phương tiện, nhiều cách khác nhau thì mới có thể thay đổi được người khác, biến một người từ lo lắng, sợ hãi, tự ti thành người không sợ hãi và dám làm.