Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức, cho nên xuất gia là hình thức.
Vì vậy bạn phải hiểu được việc xuất gia này ở trong Phật pháp nói có 4 loại, xuất gia là những loại “gia” nào? Hiện nay người đã xuất là điền trạch gia, trong cái gia của bạn có nhà cửa, có tài sản, có đất đai, bạn rời bỏ những thứ này mà đi vào trong chùa, đây gọi là xuất gia. Xuất điền trạch gia, xuất khỏi gia đình của bạn, bạn đi vào chùa để xuất gia, loại xuất gia này có tác dụng không? Không có tác dụng, đây là hình thức không phải thực chất. Thực chất là gì? Thực chất là có phiền não gia. Bạn có rời bỏ được phiền não gia hay không? Tam giới là gia, tam giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đó chính là sáu nẻo luân hồi. Nếu bạn ra khỏi sáu nẻo luân hồi thì mới thật sự là xuất gia. Sáu nẻo luân hồi là đại gia đình của chúng ta, bạn có thể xuất được hay không? Ngũ ấm là gia, bạn xem trong Tâm Kinh có nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, vậy là đã xuất ngũ uẩn gia. Cho nên ba cái này bạn xuất không được, ba cái này gọi là sanh tử gia, bạn có thể rời bỏ điền trạch gia nhưng bạn ra không khỏi sanh tử gia. Có 4 loại gia mà xuất cũng có 4 loại. Một cái là thân xuất mà tâm không xuất, tâm vẫn thường tưởng nhớ, cái này không được. Thứ hai là tâm xuất nhưng thân không xuất, đây là cư sĩ tại gia, thượng thượng phẩm vãng sanh. Tại sao vậy? Vì họ đã thật sự xuất gia, hình thức của họ là không xuất gia nhưng tâm của họ đã xuất gia rồi, tuy là có nhà nhưng tâm họ không đắm nhiễm, chẳng có chấp trước chút nào. Thứ ba là thân tâm đều xuất, đó chính là những vị Tổ sư Đại đức ở trong Phật môn, thân tâm đều xuất. Loại thứ tư là thân tâm đều không xuất, thân tâm đều không xuất là cư sĩ tại gia chẳng có thành tựu gì cả. Thân tâm đều không xuất không phải là chỉ người thông thường, là chỉ cư sĩ tại gia học Phật, thân tâm đều không xuất. Cho nên ở trong đây thật sự có thành tựu, tâm xuất thân không xuất thì tại gia thành tựu, thân tâm đều xuất thì là thành tựu của xuất gia. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của xuất gia.
Quý vị xem đến điều này, phải “xả gia khí dục”, điều này đại khái là cư sĩ tại gia chúng ta không có phần, vậy là bạn sai rồi, bạn hoàn toàn sai rồi. Cư sĩ tại gia có thể vãng sanh thượng thượng phẩm, tâm xuất thân không xuất, cư sĩ tại gia cũng được viên thành Phật đạo. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa tại thế, cư sĩ Duy-ma là Phật tại gia, đồng thời có hai vị Phật xuất hiện ở thế gian, Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện là Phật xuất gia, Ngài Duy-ma thị hiện là Phật tại gia. Cho nên bạn xem trong Kinh Duy-ma có nói, các vị A-la-hán là những đại đệ tử của Thế Tôn, như là Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên khi thấy cư sĩ Duy-ma phải đảnh lễ 3 lễ, đi nhiễu bên phải 3 vòng, hành lễ hoàn toàn giống như khi nhìn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật vậy, đó là Phật tại gia. Những điều này dạy cho hậu thế chúng ta, hậu thế chúng ta thường hay hiểu lầm, cho rằng vừa xuất gia thì hơn hẳn tất cả mọi người, cũng không xem trọng cư sĩ Đại đức tại gia. Sai rồi, đây là lỗi lầm. Bạn tuy là đã xuất gia, đắp lên chiếc y, nhưng đức hạnh, tâm lượng của bạn không bằng người khác, còn kém xa, người ta niệm Phật tương lai có thể vãng sanh, có thể thành tựu, người xuất gia thường hay đọa địa ngục. Ngạn ngữ thường nói: “Trước cửa địa ngục, tăng đạo nhiều”, nguyên nhân tại sao vậy? Bạn không phải là thật sự xuất gia, bạn là thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia, bạn tạo tác nghiệp tội, cả thảy đều là nghiệp tội của địa ngục, bạn muốn hỏi tại sao là nghiệp tội địa ngục? Trước tiên là phá hoại hình tượng Phật giáo, bạn nói xem tội này lớn như thế nào. [Bạn cho rằng] ta là người tốt, ta chẳng có phạm tội gì, ta cũng không phá giới, [nhưng] bạn phá hoại hình tượng Phật giáo, là cái tội này, bạn sẽ đọa A-tỳ địa ngục. Cho nên bạn nhất định phải biết, Thích-ca Mâu-ni Phật là tấm gương của người xuất gia, cư sĩ Duy-ma là tấm gương học Phật tại gia, đó là một tiêu chuẩn tuyệt đối, bạn nên học tập theo các Ngài. Người tại gia thì học theo cư sĩ Duy-ma, người xuất gia thì học theo Thích-ca Mâu-ni Phật vậy thì chắc chắn bạn không sai. Hai vị đó chính là hiện nay chúng tôi nói là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của hai Ngài đều có thể làm tấm gương tốt nhất, mẫu mực nhất cho chúng sanh trong chín pháp giới, đây là Phật Bồ-tát, điều này chúng ta phải nên học theo. Chúng ta khởi tâm động niệm, nói một câu nói, làm một việc gì, có suy nghĩ hay không? Nếu mọi người trong xã hội đều học theo ta việc làm này có được hay không? Nếu đây là gương tốt thì được, vậy chúng ta có thể làm, nếu không phải là gương tốt, vậy thì không thể làm, nhất định phải làm tấm gương tốt. Tấm gương tốt chính là giới định huệ, nhất định không thể làm trái ngược với giới định huệ. Cho nên trước tiên là nói người xuất gia, trong lúc xuất gia phải ghi nhớ, Bồ-tát tại gia thì tâm xuất, thân không xuất; người xuất gia thì thân tâm đều xuất. Hai dạng này mới có thể thành tựu. Ngoài hai dạng thân xuất gia tâm không xuất và thân tâm đều không xuất: thân xuất gia, tâm không xuất là nói người xuất gia; thân tâm đều không xuất là nói cư sĩ tại gia, hai dạng người này đều sẽ bị đọa lạc.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ (TẬP 336) HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG
A DI ĐÀ PHẬT