“Vay mượn không trả”. Đây là nói chúng ta mượn đồ của người khác, sau khi mượn xong thì sao? Sau khi mượn rồi thì không trả, đây là thuộc về hành vi trộm cắp, chưa được sự đồng ý của người khác mà chiếm làm của riêng thì đều thuộc về trộm cắp. Quả báo của trộm cắp là gì? Nghèo khổ, bạn trộm cắp tài vật của người, tương lai quả báo là bạn thiếu thốn tài vật, đời sống vật chất của bạn sẽ trải qua rất vất vả. Bạn trộm cắp pháp thì bị quả báo ngu si. Nghiệp nhân quả báo tơ hào chẳng sai, chúng ta phải nên biết, cho nên trong hết thảy hành vi chính mình phải lập tức nghĩ đến đạo lý và cảm ứng của nhân quả thì chúng ta sẽ biết được làm thế nào xử sự đối người tiếp vật. Ở trên nhân mà bạn làm được thật viên mãn thì quả báo của bạn làm gì mà không thiện. Trồng thiện nhân được thiện quả. Thế Tôn vì chúng ta giảng Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, bạn xem trong kinh đã nói, bạn tu thiện thì bạn được quả báo như thế nào, bạn tạo tác bất thiện thì quả báo tương phản vừa vặn ra sao. Bạn dùng thiện tâm đối đãi với người thì người khác cũng dùng thiện hạnh để hồi báo chúng ta, chúng ta dùng ác ngữ với người, người ta cũng dùng ác ngữ để hồi báo lại chúng ta. Từ đó có thể biết, ác ý với người thì trên thực tế là ác ý với chính mình, thiện ý đối với người thì đó chân thật là thiện ý đối với chính mình, chúng ta thường nói “ta và người không hai”. Ở chỗ này cần phải sâu sắc ngộ nhập, hết thảy chúng sanh hư không pháp giới là chính mình, tốt với người là chân thật tốt với chính mình.
Trong phần tiểu chú có mấy câu, chúng ta phải nên ghi nhớ: “Phàm mượn vật dụng của người, phải nên chú ý quý tiếc, giữ gìn. Mượn vật dụng của người khác, nếu chẳng phải là bất đắc dĩ, đừng nên mượn. Mượn rồi dùng xong, hãy ngay lập tức trả lại”. Mấy câu nói này là chân lý, chúng ta phải ghi khắc trong tâm, nhất định không thể nào vi phạm. Ta mượn đồ của người khác, thực sự là bất đắc dĩ mới đi mượn, nếu có thể không mượn thì tốt nhất là đừng mượn. Thực bất đắc dĩ lắm thì mới đi mượn của người ta, những vật dụng mượn được thì phải yêu quý, nhất định không được làm hư hại, sau khi dùng xong thì nhanh chóng trả lại. Thế nhưng người có phẩm đức như vậy không nhiều. Khi tôi còn trẻ, đời sống của tôi vô cùng khốn khổ, tôi không có gì cả, tôi rất thích đọc sách, để có được một chút vật chất nhỏ bé đó tôi thật sự đã phải giảm ăn giảm mặc. Vì tôi ưa thích mua sách, yêu thích đọc sách, sách của tôi tôi không cho người khác mượn. Vì sao không cho mượn? Lúc trước đã cho mượn vài lần, lúc được trả lại thì không nhận ra sách của mình nữa, cho nên về sau sách của tôi không cho người khác mượn nữa. Vào lúc đó thì tình hình là như vậy. Sau khi tiếp nhận giáo huấn của Chương Gia Đại sư, biết được phải tu bố thí, người ta mượn sách của tôi, tôi liền cho họ mượn, nếu có hư hỏng thì khi trả lại tôi sẽ tự sửa chữa. Đặc biệt là sách đóng gáy bằng chỉ, không giống với cách đóng sách của ngày nay, sách đóng bằng chỉ là loại 2 trang, nếu bị bung đứt thì tôi tự mình sửa lại. Sau khi xem xong mà lập tức trả lại thì trong quá khứ chỉ có một người là Pháp sư Thánh Nghiêm. Ở Pháp Cổ Sơn – Đài Loan, Pháp sư đã cùng thọ giới với tôi. Ông rất đáng tin, hơn nữa khi mượn sách của tôi ông giữ gìn rất tốt, ông có phẩm đức này. Những Pháp sư khác thì không thể tin tưởng, có không ít sách sau khi họ mượn rồi thì không thấy nữa. Bạn đi hỏi họ thì họ không thừa nhận, “tôi đâu có mượn của ông”, bạn nói xem thật sự là hết cách, có ai đi ghi biên nhận đâu chứ. Cũng có một số người thừa nhận, “tôi tìm không thấy nữa, không biết là nó đi đâu rồi”, thật là không biết phải làm sao, đây đều là không có trách nhiệm. Thực tại mà nói đều có mối quan hệ nhân quả.
Chúng ta thường ngày phải nên nuôi dưỡng đức hạnh tốt đẹp, chúng ta chịu giúp đỡ người khác thì người khác cũng chịu giúp đỡ chúng ta, chúng ta có thể yêu quý đồ vật của người khác, người khác cũng sẽ yêu quý đồ của chúng ta, nghiệp nhân quả báo tơ hào chẳng sai. Tuy đây là việc nhỏ trong đời sống thường ngày, nhưng có liên quan đến đức hạnh của chúng ta, có liên quan đến quả báo trong tương lai của chúng ta, đây đều là đang tạo nhân.
Trích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 109)