Phàm những sự thống khổ của muôn loài nhiều đến vô lượng. Tóm lại thời có tám điều: Khổ khi sinh ra, khổ khi già yếu, khổ lúc bệnh, khổ về sự chết, khổ vì phải ly biệt người thân mến, khổ vì gặp phải kẻ oán thù, khổ vì không được toại vọng, khổ vì thân tâm đòi hỏi phóng túng.
Có một người thanh niên, cho rằng mình tỏ ý không phục, bèn đi gặp Đức Phật và hỏi: “Trên thế gian này có hàng ngàn hàng vạn người thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn điều phiền não. Nhưng Người cho họ giải pháp đều hoàn toàn như nhau, chẳng khác gì. Điều đó chẳng phải buồn cười lắm hay sao?”.
“Buổi tối con ngủ có thường hay nằm mơ không?”
“Đương nhiên là có!” – Chàng trai trả lời.
“Vậy, mỗi buổi tối nằm mơ, giấc mơ đều như nhau không?” – Đức Phật lại hỏi.
“Đương nhiên là khác nhau rồi!” – Chàng trai trả lời.
“Con ngủ hàng ngàn hàng vạn lần thì sẽ mơ hàng ngàn hàng vạn lần giấc mơ”. Đức Phật mỉm cười nói: “Nhưng cách kết thúc giấc mơ, đều như nhau cả. Đó là: Thức tỉnh!”
Bạn có thấy ngày nay chúng ta đang mê đắm vào những thứ vật chất xa hoa, chăm chút cho dáng vẻ bề ngoài của mình mà quên đi việc vun đắp cho đời sống tinh thần? Chính bởi lẽ ấy nên bạn mãi chìm trong bóng tối vô minh, không thấy được ánh sáng của giải thoát. Khi không thấy được lối thoát bạn sẽ tự ôm lấy cho mình phiền não. Nó bủa vây và khiến bạn bị bóp nghẹt. Như một chiếc dây thừng đang bị rối, nếu bạn cứ thít chặt lại thì nó sẽ càng rối thêm. Điều quan trọng là bạn phải tìm được nút thắt, từ từ và bình tĩnh gỡ nó ra thì chiếc dây ấy sẽ lỏng dần và trở lại hình dáng ban đầu.
Ngược lại nếu cố chấp với hoàn cảnh thì chỉ rước vào cho mình các thứ phiền não, khổ đau. Ví dụ cụ thể trong cuộc tranh luận với một người nếu quan điểm của họ trái với bạn thì bạn sẽ thấy không vui. Khi đó nếu biết lắng nghe, phân tích quan điểm của đôi bên để đi tìm tiếng nói chung thì mọi chuyện sẽ bình thường. Nhưng nếu vẫn khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình thì sẽ xảy ra bất đồng và cả hai bên đều ôm lấy sự bực dọc.
Quán chiếu lại bản thân mình thì mọi sự phiền não mà bạn chịu đều do tâm sinh ra. Trước đây ngày còn nhỏ khi ngồi trên xe đi trên đường, nhìn thấy hàng cây vun vút vượt qua tôi luôn cho rằng cây đang đi chuyển. Nhưng thực ra là do tâm tôi đang động chứ hàng cây vẫn luôn đứng yên một chỗ.
Thế mới biết tất cả những suy nghĩ đến hoàn cảnh khách quan xung quanh đã chi phối tâm tưởng của bạn. Sống trong một xã hội tránh sao được những lời khen chê hay những việc làm không thuận mắt. Khi nghe hay nhìn thấy những thứ không hay về mình bạn tự sinh nỗi bực dọc rồi tìm cách phản biện. Phản biện không được rồi sinh sân hận, thù ghét. Còn nếu có được những lời khen hay hình ảnh tốt về bản thân thì bạn thấy vui, trong lòng hoan hỉ, hạnh phúc. Đó, như vậy chẳng phải cái tâm này đang dẫn dắt bạn đấy sao. Bạn cứ mãi chạy theo những thứ không thật trên thế gian rồi dần dần chìm vào đám mây phiền não. Lúc đầu nó chỉ là những màn sương mỏng cứ vẩn quanh bạn nhưng khi bạn không thoát ra được khỏi nó thì càng ngày nó càng dày thêm. Nó hút bạn vào bên trong, làm cho bạn bị mất phương hướng và lạc lối.
Câu chuyện mà tôi vừa chia sẻ ở trên có thể giúp bạn tìm ra cách để thoát khỏi đám mây u mê đó, ấy là bạn cần phải học cách buông bỏ. Và muốn buông bỏ được thì chúng ta phải tỉnh thức. Hãy nhớ rằng: không tranh giành chính là từ bi, không tranh cãi chính là trí tuệ, không nghe thấy chính là thanh tịnh, không nhìn thấy chính là tự tại, tha thứ chính là giải thoát, thấy đủ chính là buông bỏ.
Khi bạn tỉnh thức, nhận ra mọi thứ trên đời này đều là phù du, huyễn mộng như sương khói thì những điều khen chê, những hình ảnh xấu đẹp đều không làm tâm bạn biến động. Bạn sẽ nhìn nhận mọi việc theo lý vô thường. Sinh diệt, diệt sinh tất cả vạn vật đều sinh ra và mất đi theo nguyên lý của nó. Nên mọi việc đối với bạn là bình thường. Từ đó không còn sinh khởi trong lòng sự đố kị, ghét ganh hay sự thích thú.
Với tôi, tu hành là phương thức thiết yếu để xóa mờ bóng tối vô mình, trở về với ánh sáng của sự giải thoát, giác ngộ. Hi vọng các bạn sẽ bắt đầu một năm mới trong sự tỉnh thức. Tỉnh thức để tìm lại chân tâm của chính mình và hoàn toàn có thể tự đạt đến quả vị Phật tương đương với Phật như lời tuyên bố của Người: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.
Nguyễn Linh Chi