Thiện có thiện báo, ác có ác báo

Cho dù là ở hoàn cảnh nào, môi trường nào, người giác ngộ và người chưa giác ngộ khác nhau chính là ở điểm này. Người giác ngộ sống trong thế gian này là vì chúng sanh, người mê hoặc sống ở thế gian này là vì lợi ích của chính mình. Vì lợi ích của chính mình mà sống trên thế gian này, đương nhiên phải chịu luân hồi quả báo, gọi là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, lục đạo luân hồi là nhà của họ. Nếu như sống vì chúng sanh, hết thảy vì chúng sanh thì lục đạo không liên quan đến họ.
Cho nên người mê hoặc cho dù ở trong hoàn cảnh nào, gặp cái gì tốt đều phải chiếm cho riêng mình, cái không tốt thì nhường cho người khác, chúng ta bình lặng mà quan sát thì có thể nhìn thấy. Sau khi nhìn thấy thì quay đầu suy ngẫm lại xem bản thân chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật như thế nào? Có phạm phải cái tội này không? Bình lặng mà suy nghĩ thì sẽ hiểu.
Chúng ta hiện tại là người trong luân hồi, hay chân thật là người của thế giới Tây Phương Cực Lạc? Nếu như thực sự là người của thế giới Tây Phương Cực Lạc đến nơi luân hồi này để giúp đỡ người khác thì gọi là cứu độ hết thảy chúng sanh.
Cứu độ hết thảy chúng sanh thì phải thể hiện hành vi cho người khác xem. Người thế gian tham ái còn chúng ta thí xả, người thế gian muốn lấy những món đồ tốt, chúng ta thì lấy những thứ còn lại. Cái gì mà mọi người bỏ đi thì chúng ta lấy, thứ mọi người cần thì chúng ta tận lực cúng dường họ.
Năm xưa khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, quần áo mà người xuất gia mặc trong tăng đoàn gọi là “y phấn tảo”. Thế nào gọi là “y phấn tảo”? Quần áo cũ mà người ta mặc không cần nữa, vứt ra đống rác thì người xuất gia nhặt về, trong đó vẫn còn phần có thể dùng, miếng vải này cắt ra, may ghép lại, cứ như vậy mà may thành một bộ y phục. Cho nên chúng ta nhìn thấy y mà người xuất gia đắp có từng ô từng ô, những ô đó là gì? Là nhặt từ khắp mọi nơi mà ra. Bởi vì chất liệu không như nhau, màu sắc cũng không giống nhau, mặc vào rất khó coi, cho nên phải nhuộm lại, cho nên gọi là “y nhiễm sắc”. Đây là tấm gương mà Thế Tôn, chư Phật Bồ-tát làm cho chúng ta xem, giáo hóa người đời, tập khí ác này mới có thể trừ bỏ đi.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *