Kinh doanh theo giáo lý nhà Phật là lấy hạnh phúc con người và hòa hợp với thiên nhiên làm mục tiêu chủ đạo.
Nguyên tắc thứ nhất phải giữ tâm trong sáng
Tâm trong sáng là yếu tố hàng đầu và cực kỳ quan trọng. Những con người tạo ra đồng tiền luôn phải tiếp cận với tài chính với tiền tệ. Có người sẽ đặt vấn đề nếu mà nói tinh thần đạo Phật là giữ tâm trong sáng thì phải phơi bày hết sự thật hàng hóa của mình thì làm sao kinh doanh. Đây là câu hỏi được đặt ra ở nhiều nơi. Kinh doanh không phải buôn bán một lần rồi trốn khỏi cuộc đời này. Nếu buôn bán lâu dài chúng ta phải khẳng định uy tín của mình, khẳng định được chất lượng hàng hóa của mình và mình phải bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có những doanh nghiệp trên thế giới tồn tại hai trăm năm, ba trăm năm với uy tín rất cao là nhờ chất lượng hàng hóa. Nếu chúng ta kinh doanh theo dạng ăn xổi ở thì thì chúng ta chỉ bán được một lần duy nhất rồi tên tuổi uy tín của chúng ta cũng đi theo món hàng đó.
Nguyên tắc thứ hai là tự lợi và lợi tha
Tự lợi là làm lợi cho bản thân mình. Lợi tha là làm lợi cho tất cả mọi loài và mọi người. Nếu phương pháp kinh doanh mà đôi bên cùng có lợi, đây là phương pháp bền vững tốt đẹp. Còn kinh doanh mà ta có lợi và người có hại thì kinh doanh không tồn tại lâu dài. Trong tương quan vi khởi. Sự tồn tại của mình đặt trên sự tồn tại của người khác. Trong kinh A Hàm có câu:
“Nhược thử hữu tắc bỉ hữu
Nhược thử sinh tắc bỉ sinh
Nhược thử vô tắc bỉ vô
Nhược thử diệt tắc bị diệt.”
Với câu kinh này cho ta một công thức sống là sự tồn tại của anh chính là sự tồn tại của tôi. Và sự thất bại của anh cũng chính là sự thất bại của tôi. Bởi vì trong kinh doanh ta chỉ thấy thương trường là chiến trường. Chính vì thế mà chúng ta mệt nhiều, khổ nhiều, cân não quá nhiều. Nếu chúng ta áp dụng phương pháp thương trường là chiến trường không chỉ lỗi thời mà chúng ta đánh mất những cái to tát hơn, lớn lao hơn. Kể cả trong kinh doanh chúng ta sẵn sàng sát phạt nhau và loại trừ nhau, mất đi tình thân của bạn bè, quyến thuộc.
Nguyên tắc thứ ba là phương tiện cứu cánh
Mục đích cuối cùng của lợi nhuận kinh tế là để phục vụ cho nhu yếu cuộc sống. Như vậy mục đích của vật chất chỉ giúp đem lại an vui, hạnh phúc mà không phải mục đích của vật chất là an vui, hạnh phúc. Không ít người đã đồng hóa vật chất với niềm vui và hạnh phúc, an lạc. Cho nên ta bị vật chất chi phối một cách rất nghiêm trọng. Chúng ta không có thời gian để nhìn lại chính mình. Không có cơ hội để tận hưởng được những tình cảm thân yêu của những người xung quanh làm sao chúng ta có được hạnh phúc chân thật.
Nguyên tắc thứ tư là tính vô thường
Vạn vật luôn chuyển biến không ngừng. Có những chuyển biến tạo nên sự hình thành, gây dựng và cũng có những sự chuyển biến mang tính phá vỡ, đạp đổ. Sự hình thành nào mà không đi đến tan vỡ và sự sụp đổ nào mà không hình thành nên cái mới. Ta thường vui sướng với cái ta gọi là được nhưng mà ta hay nghẹn với những cái ta mất. Điều đó là dĩ nhiên. Nếu chúng ta đau khổ quá, chúng ta tuyệt vọng quá đến nỗi tìm đến cái chết thì hết sức đáng tiếc. Chúng ta phải thấy được hai mặt và chúng ta phải hiểu được bản chất của vấn đề. Vô thường để hủy hoại và vô thường cũng để hình thành.
Nguyên tắc thứ năm là tính nhân quả
Nhân quả là quy luật tồn tại khách quan trong cuộc sống, không do bất cứ một ai tạo dựng. Doanh nhân là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng đất nước. Hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, làm việc lợi mình, lợi người, thấy được cái chân, cái giả, thấy được những quy luật và những chuyển biến của cuộc đời và ứng dụng cái thấy vào trong cuộc sống thì sẽ có được nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc. Ngược lại, cho dù hiệu quả công việc chúng ta tốt, thành quả đạt được cao nhưng nếu mình không có được cái an lành trong nội tâm, không thấy được bản chất cuộc đời, lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì doanh nhân suốt cuộc đời mãi mãi là người nghèo.
LỜI PHẬT DẠY