Pháp của Thế Tôn nói ra từ sự chứng ngộ của Ngài, nên pháp học cần kết hợp với pháp hành, hành xong mới hiểu được sự thậm thâm vi diệu của giáo pháp. Nghe pháp thôi cũng tạo nên công đức. Người nghe, người đọc được nghiễm nhiên đã có công đức.
Thời Thế Tôn, nhiệm vụ trọng yếu của một Tỳ-kheo là tu học, khất thực và thuyết pháp. Cốt tủy của nội dung tu học là thiền định (tu) và nghe pháp (học). Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe pháp từ kim khẩu của Thế Tôn, nghe pháp từ chư vị Trưởng lão trong các hội chúng. Sau đó các Tỳ-kheo thường tụng đọc lại nội dung pháp thoại đã được nghe cho đến khi thuộc lòng.
Không chỉ các Tỳ-kheo, hàng Phật tử tại gia cũng luôn được Thế Tôn khuyến khích siêng năng nghe pháp. Các Phật tử có thể đến tinh xá vào buổi chiều để nghe Thế Tôn hoặc các vị Trưởng lão thuyết pháp. Mỗi sáng, sau khi dâng cúng thực phẩm, các Phật tử được nghe lời chúc phúc hay một pháp thoại ngắn từ các Tỳ-kheo đang trì bình khất thực.
Nhìn chung, hoạt động nghe pháp và thuyết pháp liên tục được diễn ra trong bốn chúng đệ tử Phật. Mỗi Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đều tham gia nghe pháp và thuyết pháp. Quan trọng nhất là nghe pháp: Nghe để hiểu giáo pháp (văn), hiểu rồi thì suy ngẫm cho thấu triệt giáo pháp (tư), cuối cùng là ứng dụng giáo pháp vào trong đời sống hàng ngày (tu). Vì thế, tùy thời nghe pháp luôn được tán thán và khích lệ.
“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tùy thời nghe pháp có năm công đức. Tùy thời lãnh thọ chẳng mất thứ lớp. Thế nào là năm? Điều chưa từng nghe sẽ được nghe; điều đã được nghe, đọc tụng lần nữa; cái thấy không bị tà, lệch; không có hồ nghi; liền hiểu nghĩa thậm thâm.
Tùy thời nghe pháp có năm công đức. Thế nên các Tỳ-kheo nên tìm phương tiện tùy thời nghe pháp. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm”
Nếu bạn được nghe giảng Pháp, bạn thật là người có phước và hưởng duyên giáo pháp!