Đói hay no: Nhẫn nhục là điều quan trọng nhất

Dù đói hay no, cho dù lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đói khát thì theo lời dạy của Đức Phật, nhẫn nhục là điều quan trọng nhất vì khó khăn rồi sẽ qua.

Doi-va-no

Có một hôm, đức Phật dẫn 500 vị tỳ kheo trên đường từ nuớc Tu Lại Bà đi về thôn Tỳ Lan Nhã, mới tìm chỗ trú ngụ trong một khu rừng ở ven đường.

Thôn trưởng của thôn Tỳ Lan Nhã ngày xưa vẫn tin tưởng phụng thờ đạo Bà La Môn, về sau nghe và biết được đức Phật có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thân phóng ánh sáng và diễn thuyết diệu pháp về vũ trụ nhân sinh, mới đổi qua tin tưởng Phật giáo.

Hôm ấy, nghe đức Phật sắp đến thôn của mình, bèn nắm lấy cơ hội ngàn năm khó gặp này đến khu rừng nơi đức Phật đang an trụ, đảnh lễ mà thưa rằng:

– Thế Tôn, con là thôn trưởng của thôn Tỳ Lan Nhã cách đây không xa, nghe đức Phật giáng lâm con vô cùng vinh hạnh. Vì thế con vội vàng đích thân đến đây cung thỉnh Thế Tôn và chư tỳ kheo đến thôn của con cư trú trong ba tháng an cư mùa mưa, con nguyện đảm trách tất cả mọi sự cúng dường, xin đức Phật từ bi nhận lời!

– Ta biết ông có lòng thành nhưng đệ tử của ta quá đông, ta không muốn làm gánh nặng cho ông, nên ta nghĩ tốt nhất là thôi vậy, không phiền đến ông.

– Thưa không đâu, bạch Thế Tôn! Tuy làng con rất nhỏ, nhưng con tin rằng cũng đủ sức để cúng dường Thế Tôn và chư tỳ kheo, xin Thế Tôn đừng bận tâm, dầu sao đi nữa cũng xin cho con được phép cúng dường.

Thôn trưởng một mực năn nỉ van xin, đức Phật chỉ còn cách gật đầu ưng thuận. Thôn trưởng vui mừng cưỡi ngựa về làng lo chuẩn bị mọi thứ. Ngoại đạo biết được chuyện này, vừa sợ hãi vừa oán hận, bèn dùng nữ sắc đưa vào nhà của thôn trưởng, bày hoa thơm cỏ lạ, hương thơm ngào ngạt, rồi lại bày cỗ bàn rượu thịt ê hề, thắp đèn ánh sáng mờ ảo, người đẹp như mây trời khiến thôn trưởng một khi bước chân vào nhà là tâm trí hoàn toàn ám độn.

Trải qua một đêm, sáng hôm sau thôn trưởng căn dặn người nhà rằng:

– Ðương lúc thiên hạ thái bình, từ hôm nay cho tới hết ba tháng mùa mưa ta sẽ ở trên lầu cao này nghỉ ngơi, bất cứ chuyện gì, dầu vui hay buồn ta cũng đều không muốn nghe đến.

Thôn trưởng bị lọt vào bẫy của ngoại đạo nên hoàn toàn quên bẵng chuyện phải tiếp đãi đức Phật. Nhân duyên của làng này đối với đức Phật hãy còn cạn cợt, lại trúng nhằm một năm mà côn trùng làm hại mùa màng, cả làng bị sa vào cảnh thiếu thốn nên không có một người nào chịu bố thí cho đức Phật hay chư Tỳ kheo một chút gạo hay một chút nước.

Ðức Phật và chư tỳ kheo chỉ còn biết nhẫn nhục chịu đựng ở phía bên ngoài thôn Tỳ Lan Nhã. Lúc ấy có một người buôn ngựa dẫn theo 500 con ngựa từ nước Ba Lợi đi ngang qua đấy, thấy vậy bèn thưa với các vị tỳ kheo rằng:

– Con không có bao nhiêu lương thực để cúng dường quý thầy, chỉ có xác lúa mạch cho ngựa ăn, quý thầy có dùng được không?

– Chúng tôi rất cảm tạ thịnh tình của ông, nhưng chưa được đức Phật hứa khả thì chúng tôi không dám nhận thức ăn của ngựa. Xin đợi chúng tôi vào thỉnh ý đức Phật rồi mới dám quyết định.

Ðức Phật tán thán rằng:

– Ðã lâm vào cảnh đói khát như thế này mà các ông còn ít mong cầu và biết đủ, không dám làm ngược lại lời giáo huấn của ta, ta rất an lòng. Các ông có thể thọ nhận thức ăn của ngựa mà ông lái buôn cúng dường.

Lúc ấy các vị tỳ kheo mới nhốn nháo lên mà tiếp nhận thức ăn của ngựa. A Nan cũng được một phần, bèn đem lúa mạch ra nghiền thành bột hòa với nước nấu thành cháo đem lên cúng dường đức Phật. Các vị tỳ kheo cũng xay xác lúa mạch ra rồi nấu lên mà ăn.

Mục Kiền Liên thấy tình trạng đáng thương ấy bèn tâu lên đức Phật rằng:

– Thế Tôn!  Con suy nghĩ thật kỹ rồi, ở chỗ này không thể có thức ăn được, con muốn dùng thần thông đi chỗ khác mang ít lúa gạo về!

– Mục Kiền Liên! Không nên làm như thế. Tuy ông có thể dùng thần lực mang thức ăn về, nhưng nhân duyên túc nghiệp không thể trừ diệt được. Chỉ có nhẫn nhục là điều quan trọng nhất.

Mục Kiền Liên nghe lời chỉ thị của đức Phật, cúi đầu lui đi. Ba tháng nhẫn nhục chịu đựng cực khổ đã trôi quá, đức Phật và chư tỳ kheo đói khát nên tiều tụy thấy rõ, nhưng dẫu bị đói khát bức bách đến đâu đi nữa, lòng tin của các vị ấy vẫn không bị lay chuyển mảy may nào. Chư tăng đoàn kết, hòa hợp biết bao!

Qua hôm sau, đức Phật bảo A Nan:

– A Nan! Hãy cùng ta đi gặp thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã xem sao!

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã đang chìm đắm trong hoan lạc ngũ dục, vừa vặn đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy vẻ tiều tụy của đức Phật và A Nan trên đường đi tới. Thoạt đầu ông hoang mang như thể không hiểu tại sao, rồi trong chớp mắt, ông thấy đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm.

Chờ tỉnh táo lại, ông chạy như bay đến trước mặt đức Phật, khóc lóc thảm thiết:

– Thế Tôn! Thật là đáng sợ! Con bị quỷ vương mê hoặc nên mới dám dối trá lừa gạt thánh nhân, con đã gieo trồng vô lượng vô biên hạt giống ác quả! Xin Thế Tôn từ bi lân mẫn con, con không hề muốn điều ấy xảy ra, xin cho con sám hối!

Ðức Phật trầm tĩnh đáp rằng:

– Ðúng vậy! Ông đã trồng hạt giống tội ác, thỉnh đại chúng mà không cúng dường, không phải là ngu si lắm sao? Nhưng ta đã thấy ông phát tâm lúc ban đầu ra sao rồi, nên nếu ông chân thành sám hối thì chỉ có giá trị của sự sám hối ấy là đáng chú trọng mà thôi.

– Nay con đứng trước đức Phật tối tôn mà sám hối, xin Thế Tôn quan sát tâm con, từ hôm nay trở đi xin cho con được cúng dường trong vòng một tháng, cho con được lấy công chuộc tội.

– Thôn trưởng, ba tháng vừa qua ta an cư ở phía ngoài thôn này không hề dời chỗ. Bây giờ mùa mưa đã qua rồi, có rất nhiều chúng sinh đang chờ mong ta cứu độ, ngay hiện giờ ta đã nghe họ kêu gào tên ta, nên ta phải  rời khỏi nơi này lập tức.

– Xin Thế Tôn niệm tình con!

Vừa nói, thôn trưởng vừa hướng cặp mắt van nài nhìn sang A Nan đang đứng gần bên đức Phật, nói tiếp:

– Tôn giả A Nan! Xin ngài vào nói hộ con một tiếng ! Ít nhất cho con được cúng dường ngày mai, làm một bữa cơm đạm bạc để tiễn biệt, và cho con cơ hội sám hối với chư tỳ kheo!

Ðôi mắt từ bi của đức Phật phóng ra một tia sáng thương xót, Ngài chấp thuận lời cầu xin cuối cùng của thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã. Suốt ngày và suốt cả đêm hôm ấy, thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã đã chuẩn bị một bữa cơm tiễn biệt rất thịnh soạn, rồi hôm sau dùng tâm tri ân và tâm cung kính đi thỉnh mời đức Phật và chư tỳ kheo vào thôn. Cơm nước xong, thôn trưởng đem bốn tấm y bằng vải rất đẹp, cùng một đôi dép cỏ cúng dường lên đức Phật, và 2 tấm y vải cùng một đôi dép cỏ cúng dường mỗi vị tỳ kheo. Thôn trưởng và tất cả mọi người trong thôn đưa tiễn đức Phật và chư tỳ kheo, tay vẫy mà nước mắt ràn rụa, tự than rằng thiện căn của mình quá mong manh nên không cúng dường được đức Phật cho tử tế đàng hoàng.

Khi đức Phật muốn ra đi thì không có thế lực, không có lời nói nào có thể ngăn trở được Ngài. Cũng như khi đức Phật không muốn đi, thì khốn khó nào bức hại đi nữa, Ngài cũng có thể nhẫn nhục mà chịu đựng được.

Trích “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn”

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *