Còn phước mang theo

Tức là mang theo cái phước vào cõi chết để chúng ta có thể làm người, không bị đọa ngạ quỷ, súc sinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có phước để mang theo.
Chúng ta được chia làm ba hạng người: Một là người vừa đủ phước để sống tới chết, qua kiếp sau không còn phước nữa; hai là phước không đủ sống một đời; ba là người phước dư đem theo qua cõi bên kia.
Phước mang theo rất quan trọng nhưng không phải ai cũng có. Để được làm hạng người có phước mang theo, chúng ta phải biết tu, biết làm nhiều việc thiện. Ai cũng cần quan tâm đến điều này, nhất là người trẻ tuổi, vì cuộc đời họ còn dài, còn nhiều cơ hội và thời gian hơn những người lớn tuổi. Người lớn tuổi không biết phước mình còn bao nhiêu, có đủ đem qua bên kia không. Tuy nhiên, dù có nhiều hay ít phước thì chúng ta luôn phải nghĩ là chúng ta không đủ phước để đem theo, như vậy mới là chánh tư duy, là tác ý đúng đắn, vừa giúp ta không bị tổn phước, vừa tạo động lực cho ta làm nhiều việc tốt hơn nữa.
Người già rất khó để làm việc tích phước vì sức khỏe yếu lại sống nhờ cậy vào con cái. Tuy nhiên, nếu biết lấy đức của ông bà, đức cha mẹ để dạy con làm việc thiện thì cả mình và con cùng có phước. Ngoài ra, người lớn tuổi biết dốc hết sức để tu hành thì nhờ cái đức của Phật, khi qua cõi bên kia không bị đọa nơi đói khổ, ác đạo mà có nơi để tu tập.
Thường người trẻ tuổi luôn nghĩ mình có nhiều thời gian nên không lo làm phước, sau này giật mình nhìn lại thì không kịp nữa vì thời gian trôi rất nhanh. Nếu người trẻ tuổi mà ý thức được việc tích phước để đem theo sau này thì rất tốt, rất khôn ngoan. Có ba việc đem lại nhiều phước nhất mà người trẻ tuổi nên làm là: đóng góp cống hiến nhiều cho đời, cho đạo; hưởng thụ ít và tinh tấn tu hành.
Xã hội chủ nghĩa tạo cơ hội cho con người làm việc, cống hiến nhiều hơn hưởng thụ nên mọi người thường nhiều phước. Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường mở cửa, mọi thứ đều phải tính công bằng, sòng phẳng, làm là phải hưởng thụ nên chúng ta ít có cơ hội hơn, đó là một điều bất hạnh của mình.
Còn tinh tấn tu hành là ta bước qua thế giới tâm linh, thế giới của thiền định, nhiếp tâm trong thế giới của Phật thì mọi con số tính khác đi. Những phép tính này không đơn giản là cộng trừ nhân chia bình thường như 10 + 10 = 20 mà nó là phép lũy thừa của lũy thừa, ví dụ 20 lũy thừa 20 và con số kết quả này lớn vô cùng.
Chúng ta phải tinh tấn tu hành, vì cái phước trong sự tu hành nó lớn gấp trăm gấp ngàn lần cái phước ta làm bình thường ở cõi đời.
Vậy nên, cái phước và cái tội trong cõi tâm linh đều lớn gấp bội lần trong thế giới vật lý này. Không có phước, cuộc sống của chúng ta rất khổ sở, người khác có muốn giúp cũng không giúp được. Vì vậy, hết phước là một điều thực sự đáng sợ và khổ nhất. Để giúp một người mà thật sự giúp là chúng ta giúp họ làm phước.
Sống là chúng ta phải biết làm phước, không hưởng thụ để hồi hướng cái phước đó đến đạo quả giải thoát. Cho nên mọi người cần biết chắt chiu từng cơ hội làm việc thiện, tích phước dù là việc nhỏ nhất; hoặc biết làm thế nào để cơ hội làm phước đến với họ dễ hơn; hoặc biết làm sao để tích lũy phước cho đến vô hạn, mới có cơ hội chứng đạo vô thượng bồ đề.
Hãy biết sống nhân ái, tình nghĩa, biết quan tâm, yêu thương tất cả mọi người, góp phần xây dựng một thế giới yên bình, an lạc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *