Nói đến tâm là nói đến cái rỗng rang sáng suốt. Chỉ khi nào ta có tu, có làm chủ được, có dẹp bỏ tất cả những vọng tưởng lăng xăng, thì cái rỗng rang sáng suốt mới có điều kiện hiện ra. Phật tuy sẵn có nhưng ba mớ tư tưởng lăng xăng lộn xộn đó phải dẹp đi, Phật mới hiện ra được. Nếu mình không tỉnh, bước ra một bước là bị trói buộc, bị dính mắc. Đối với người có tu hành, có công phu thì khác. Người có thời gian hành thiền sẽ được chuyển hóa. Chuyển hóa bằng cách bỏ hết những thứ đó. Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Vừa có một niệm dấy khởi phải làm chủ, bỏ nó đi”. Bất cứ lúc nào ở đâu, không đợi tới ngày sinh hoạt đạo tràng, vừa có niệm dấy khởi là bỏ đi. Đừng lầm chạy theo nó, không để nó kéo lôi mình. Nhờ sử dụng trí tuệ Bát nhã nên được định.
Ngay từ một niệm mình dừng được thì định tuệ hiện tiền, công đức phát sinh, trí tuệ Bát nhã cũng tròn. Đó là công phu biết vọng. Người làm chủ được thì căn trần không dính nhau. Quý vị tu bất cứ pháp môn nào cũng được, miễn căn trần không dính nhau là có kết quả. Còn dính mắc thì khó lắm. Bởi vì căn dính với trần thì sinh ra chuyện khác. Giống như hoá học, chất này hợp với chất kia thì ra một chất khác. Bây giờ chúng ta không cho nó dính mắc nhau, thì không có vấn đề đằng sau đó. Tổ dạy “chỉ cốt làm sao thức tình không dấy động, tám gió thổi không lay chuyển, thấu tột được chỗ huyền nghĩa. Được thế, tha hồ thổi khúc vô sinh, hát ca thái bình.”
Thức tình là những sự phân biệt, vọng động. Nếu ta làm chủ được rồi thì tất cả những thứ đó không có năng lực làm dấy động, kéo lôi mình đi đâu hết. Tiến đến chỗ này rồi, nhất định không bao giờ ta đổ thừa hoàn cảnh, ngoại duyên nữa, lúc nào mình cũng làm chủ được. Làm chủ được thì các giác quan bình thường, sáng suốt và không dính mắc bên ngoài, cho nên mình được an nhiên, tự tại, giải thoát. Công phu tới đây có thể hát ca khúc thái bình, hành giả có thể nói “đất nước tôi thanh bình”.
Chẳng những hồi xưa mà thời nay, không luận người xuất gia hay Phật tử tại gia, nếu chúng ta áp dụng được, lúc nào cũng tỉnh sáng thì được an lạc như nhau. Đây là phương thức tu hành giản dị, bình thường, không khó khăn lắm, nhưng phải bền chí, liên tục. Các bậc thầy thường nhắc hành giả tu thiền: – Mỗi ngày con phải ngồi thiền hai thời. Sáng ngồi một tiếng rưỡi, tối ngồi một tiếng rưỡi. Sở dĩ ngồi thiền là vì mình chưa tụng được bản kinh: “Thở ra không dính, hít vào không mắc”. Chúng ta chưa làm chủ được thanh sắc, chưa làm chủ được các giác quan của mình, cho nên phải ngồi thiền. Chúng ta phải nguyện tu hành chừng nào thành Phật mới vừa lòng con. Cứ phát nguyện mạnh như thế đi, không có ai rầy đâu.
Người ngồi thiền đều đặn, có làm chủ được một phần đối với sinh hoạt của mình, thì những căng thẳng trong công việc sẽ giảm đi. Dù công việc bận rộn cỡ nào, người có công phu tu thiền cũng chuyển hóa được. Mỗi giới, mỗi hoàn cảnh, mỗi người đều có một phần việc, nhất là quý vị cư sĩ rất bận rộn với đời sống thế tục. Nếu không hành thiền dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng. Chúng ta tu thiền, khỏi phải tốn tiền đi Bác sĩ xin thuốc uống cho bớt căng thẳng. Do nhiều việc mình chưa buông được, rồi cứ lo lắng chộn rộn nên mệt mỏi. Bây giờ ngồi lại yên lắng, buông xả bớt, thân tâm nhẹ nhàng, chúng ta sẽ bớt mệt bớt căng thẳng.
Tu nghĩa là gì? Là sửa. Cái gì xấu bỏ đi. Cái gì không cần thiết bỏ đi. Cái gì không tốt bỏ đi. Tham, sân, si, phiền não, tật đố, bỏ đi. Phải sửa những cái đó, không sửa là không tu. Người có hành thiền là có chuyển hóa. Nhưng khi tu phải khéo, nhàn nhàn thôi, không nên căng quá, vì căng quá cũng dễ mệt lắm. Giữ đều đặn hai giờ thiền, vì nó sẽ giúp quý vị điều hòa thân tâm, lấy lại thế chủ động của mình. Năng lực lần lần phát sinh từ sự tu tập đều đặn, chúng ta có sức mạnh chịu đựng, đối diện với mọi hoàn cảnh một cách bình thường.
Điều này không ai ban cho mình, mà từ trong công phu được như thế. Như hồi trước quý Phật tử đến chùa thấy thầy trụ trì còn trẻ, bận rộn nhiều việc nên ai hỏi lung tung, có khi thầy nổi nóng la cho một trận. Nhưng vài năm sau quý vị trở lại, thấy thầy ngồi đâu đó đàng hoàng, sao giống ông Phật quá! Ai đó nói chuyện chọc tức mà thầy cũng bình thường. Bấy giờ quí vị hỏi: Thưa Thầy, Thầy học ở đâu được như vậy? Thầy trả lời “Đâu có học ở đâu”. Thật ra tu lâu ngày tự nhiên đức độ, đạo hạnh tự toát ra như vậy. Đó chính là sự chuyển hóa. Chúng ta dẹp sạch hết ba cái vớ vẫn, tự nhiên ông Phật của mình có chỗ ngồi đàng hoàng. Cho nên khi nào quý vị tới chùa thấy thầy Trụ trì ngồi bình yên là biết thầy “lớn tuổi” rồi, chững chạc rồi, có công phu tu hành rồi.
Tôi nhắc lại, chuyển hóa là dẹp được, bớt được những căng thẳng đối với tất cả công việc bộn rộn của chính mình. Đức tính thứ hai của người hành thiền là bớt lo âu. Chúng ta thường có tật lo âu. Cái gì cũng lo được hết. Nghe chùa bên kia bị người ta dọn đồ, bên đây làm thêm mấy lớp cửa, mua ổ khóa điện tử lắp vô. Lo âu! Đó là một loại bệnh. Mình lo luôn cả những việc ngoài tầm tay. Người có công phu tu hành sẽ giảm bớt những lo âu này. Thật ra chúng ta lo cái gì? Phật tử tu theo đạo Phật phải nắm vững luật nhân quả. Biết rõ mọi việc từ nhân duyên quả báo mà có, chúng ta bình thường, an ổn. Bởi vì rõ ràng không có quả nào tự nhiên tới với mình. Nếu của ai đó mà táp vô mình thì nó không thể dính mình được. Dù có dính người ta điều tra ra, không phải của mình nó cũng bay đi. Như câu chuyện của thiền sư Bạch Ẩn ở trên, tất cả đều qua đi, không dính dáng chi với Ngài, vì nó không phải là của Ngài.
Theo đạo Phật hiểu được nhân quả, nắm vững tin chắc nhân quả, người đó rất bình thường. Đây là căn bản học hiểu Phật lý của người con Phật. Chúng ta vững rồi thì nhất định không ma mị nào làm gì được chúng ta. Giả dụ lát nữa quý vị ra ngoài kia có người nói: – Theo tôi đi! Tôi dạy ba tháng tu là bay được. Tự động quí vị trả lời – Tôi không muốn bay đâu, đi bộ chơi cho khỏe. Quý vị sẽ có đức điềm tĩnh, chắc chắn như vậy.
Trích “PHÁT TÂM TU HỌC”
Hòa Thượng Thích Nhật Quang