Chánh niệm, tỉnh giác là nền tảng của giải thoát

Nhờ chánh niệm, tỉnh giác mà giúp hành giả hộ trì, gìn giữ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

“Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

– Nếu các Tỳ-kheo nào thường lãng quên, không chánh trí thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại các việc gìn giữ các căn, gìn giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

– Nếu Tỳ-kheo nào không thường hay lãng quên, có chánh trí thì thường xuyên có chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền chứng đắc Niết-bàn.

GIẢI THOÁT TRONG NHÀ PHẬT 

Trong các pháp thoại trước, Đức Phật đã dạy rõ, lộ trình tu học tuần tự từ “Giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát, chứng đắc Niết-bàn”. Pháp thoại này, Đức Phật chỉ dạy sâu hơn, muốn giữ giới thành công thì cần chánh niệm, chánh trí. Có chánh niệm, chánh trí thì mới hộ trì được các căn. Hộ trì các căn vững chắc mới thành tựu giữ giới. Giữ giới được trọn vẹn thì mới thành tựu không hối hận, … cho đến giải thoát, Niết-bàn.

Theo kinh văn, không thường lãng quên là chánh niệm. Niệm là nhớ, ghi nhận, chú tâm. Chánh niệm là nghĩ nhớ đến các đề mục của Tứ niệm xứ; là sự ghi nhận, chú tâm đúng, trọn vẹn, toàn diện, chân xác tất cả những gì xảy ra trong hiện tại. Nếu bị lãng quên, thất niệm, không chú tâm thì hãy đưa tâm trở về với chánh niệm. Niệm là cơ sở của định.

Chánh trí trong ngữ cảnh của pháp thoại này tương ứng với tỉnh giác, nghĩa là rõ biết, thuộc chức năng của tuệ. Chánh niệm và tỉnh giác tuy có tính năng khác nhau nhưng thường sử dụng đi liền vì hỗ trợ, bổ sung cho nhau rất tích cực. Chú tâm, tâm gắn khít với đề mục và luôn rõ biết để thất niệm liền phát giác và quay lại chú tâm chính là nội dung thực hành thiền định.

Nhờ chánh niệm, tỉnh giác mà giúp hành giả hộ trì, gìn giữ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Giữ gìn thế nào? Thông thường, sáu căn luôn tiếp xúc với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), sáu thức phân biệt tốt xấu mà sinh yêu ghét, tạo các nghiệp thiện ác cũng bắt đầu từ đây. Đơn cử như khi mắt thấy sắc đẹp hoặc xấu, chánh niệm để đưa tâm về đề mục (niệm Phật, niệm hơi thở chẳng hạn), tỉnh giác để thấy rõ cảnh sắc kia vô thường, sinh diệt. Ngay đó tâm được an lập, cái thấy chỉ còn là cái thấy, không bị sắc trần xấu đẹp kia chi phối, nhờ đó bảo vệ được con mắt. Các giác quan còn lại cũng được phòng hộ như vậy.

Khi hành giả phòng hộ vững chắc sáu căn, không bị sáu trần chi phối và quấy nhiễu thì việc giữ giới và tuân thủ luật nghi trở nên nhẹ nhàng. Hành lang phòng thủ sáu căn càng chắc bao nhiêu thì việc giữ giới càng hiệu quả bấy nhiêu. Khi giới hạnh vững chãi, trọn vẹn phạm hạnh rồi thì tâm sẽ tuần tự thăng hoa “không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát, chứng đắc Niết-bàn”.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *