Tại sao Tam Bảo lại quý giá

Phật – Pháp – Tăng là ba món quý trong đời. Quý là bởi vì muốn trở thành Phật thì khó vô cùng. Xương thịt Phật đem bố thí nhiều như núi. Máu mình đổ ra như biển như sông. Nhiều kiếp vô lượng kiếp như vậy mà bất thối (không thối chuyển). Các vị tưởng tượng trong room hay facebook mà người ta viết một hai cái comment mà mình hiểu ngầm thôi đó chớ không rõ ràng lắm là người ta coi rẻ, xúc xiểm mình, khinh bỉ, châm chọc, khiêu khích mình là mình đã chịu không nổi rồi. Đó là thế giới ảo, vậy mà chư vị Bồ tát muốn thành Phật là phải chịu đựng tất cả những rác rưởi nhân gian, từ sự xúc phạm tay chưn cho đến những lời nói, câu viết. Tất cả là phải gánh chịu hết, mà trong vô lượng kiếp như vậy mới trở thành Phật. Cái gì cho được thì cho, cái gì giúp được người khác thì giúp, có dịp học đạo thì học đạo, có dịp tu thiền thì tu thiền. Nói chung là tất cả thiện pháp tu tập được thì lập tức tu tập, không có bỏ qua cơ hội. Mà suốt nhiều kiếp như vậy mới trở thành Phật. Khó dữ lắm. Nên một vị Phật ra đời là của hiếm. Nên Phật được gọi là của báu là vậy.
Một vị Phật có điểm đặc biệt là ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có, điều gì Ngài cũng biết. Nên mình gặp rắc rối mà mình gặp Ngài là coi như cái gì cũng xong, Ngài giải quyết cho mình. Nhiều khi trong muôn hàng tỷ đại kiếp không có vị nào ra đời hết. Thì một con người như vậy làm sao không gọi là của hiếm được!
Thứ hai, Pháp Bảo là những sự thật trong cuộc đời này. Những sự thật đó mãi mãi nằm trong bóng đêm không một ai biết tới, tới khi vị Chánh Đẳng Giác ra đời thì Ngài mới phơi mở cho mọi người biết: “Đây là con đường dẫn tới sự sa đọa. Đây là con đường dẫn tới cảnh giới Dục thiên. Đây là con đường dẫn tới Phạm thiên. Đây là con đường dẫn tới sự chấm dứt sanh tử. Đây là con đường dẫn tới quả vị Thinh Văn. Đây là con đường dẫn tới quả vị Độc Giác, và đây là con đường dẫn tới quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác”. Những sự thật này vốn dĩ là quy luật thiên thu của trời đất. Nhưng khổ nỗi khi không có vị Chánh Đẳng Giác ra đời thì những chuyện này người ta chỉ biết một ít thôi. Thí dụ chỉ biết bố thí, trì giới, phục vụ là công đức. Hễ là người có công đức thì chết rồi có hy vọng ok hơn người cả đời cùng hung cực ác. Họ chỉ biết đại khái vậy thôi. Các vị học đạo các vị thấy rồi, chỉ riêng phần Tương Ưng là đã có dịp mình tiếp cận biết bao nhiêu vấn để giáo lý. Chỉ riêng Tương Ưng chớ chưa nói những bộ Kinh khác.
Cho nên, Phật Bảo là đấng Pháp Vương, tự mình giác ngộ, bản thân Ngài là của báu. Còn Pháp Bảo là lời dạy của đấng Pháp Vương đó. Lời dạy đó bao gồm những chân lý, những sự thật mà không phải do các ngài sáng chế ra. Các ngài chỉ là người khơi dậy, khai mở cho mình thấy. Nên những lời dạy đó được gọi là Pháp Bảo.
Tăng Bảo là những điển hình, những gương sống cụ thể của Pháp Bảo. Thí dụ đức Phật ngài dạy: đây là giới, đây là định, đây là tuệ, là Tứ diệu đế, Thất giác chi…Ngài chỉ dạy thôi mình đâu thấy cụ thể. Mình nghe thì hiểu nhưng đâu biết Thất giác chi nằm ở đâu. Lúc bấy giờ mình mới thấy à Tăng Bảo là đây. Tăng Bảo đây không phải là tăng ni. TĂNG BẢO ĐÂY ÁM CHỈ TẤT CẢ THÁNH NHÂN KHÔNG PHÂN BIỆT NHÂN, THIÊN, TĂNG, TỤC (trời, người, người xuất gia, cư sĩ không phân biệt). Nhớ nghe. Mình không học định nghĩa này, rồi mình bất mãn một ông sư nào đó rồi mình nói Tăng Bảo gì thấy ghê, thấy ghét, nản, chán là không phải. Hiểu vậy không đúng Tăng Bảo mà trong Kinh đức Phật ngài dạy thì mình không có duyên gặp, không có cửa đâu. Nếu hôm nay mà có thì người ta lên núi lên rừng dưới biển ở hết rồi. Hỏng ai cho mình thấy đâu, thời này nè. Cho nên Tăng Bảo là những vị Thánh, có thể là những vị bần tăng khổ sãi, te tua rách nát trên núi. Mà cũng có thể kể là những vị Thọ thần trong đền trong miễu mình không biết. Tất cả nhân, thiên, tăng, tục mà chứng từ Sơ quả trở lên được gọi là Tăng Bảo. Bởi vì sao? – Bởi vì họ là cái MÔ HÌNH CỦA PHÁP BẢO (modul). Tăng Bảo chỉ có trong thời Phật.
Như vậy trong Chú giải đã giải thích tại sao gọi là Tam bảo.
– Phật Bảo là người thành tựu tất cả thiện pháp và có thể giúp cho người khác được như mình.
– Pháp Bảo là lời dạy của con người đó.
– Tăng Bảo là những người hành trì theo con người đó.
Tất cả đều là của hiếm hết nên gọi là Bảo. CHỈ CÓ NGƯỜI ĐẠI PHƯỚC MỚI GẶP TIN, HIỂU VÀ HÀNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *