Không được có tâm hại người, nhưng không được không có tâm phòng người

Tục ngữ có câu nói:
– Không được có tâm hại người, nhưng không được không có tâm phòng người.
Quý vị xem hai chữ Phòng người này phạm vi quá nhỏ. Thật tại mà nói thì đối với người tu hành có gì đâu mà phòng, không đề phòng thì tự tại biết bao, nếu mỗi ngày đối với việc chi, đối với người nào ta cũng để tâm đề phòng vậy thì liền mất hết tự tại rồi. Chúng ta niệm Phật cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, thân tâm thế giới này thẩy đều không cần, vậy thì mình phòng ai đây? Chỉ cần có cái tâm phòng người này thì làm sao chính mình có thể thành tựu Niệm Phật Tam Muội? Cho nên một người niệm Phật chân chánh thì việc phòng người này đều không cần thiết. Có người nói:
– Tôi có thể không cần đề phòng người khác, nhưng không thể không có tâm phòng bị cho cuộc sống. Giả dụ ngày mai nếu không giải quyết được vấn đề cuộc sống, vậy thì hôm nay còn tâm trạng để niệm Phật sao?.
Cách nói này là nói với người chưa quyết tâm học Phật mà thôi, chứ đối với người đã quyết tâm học Phật thì ngày mai vẫn chưa đến ta quan tâm nó làm gì, nghĩ đến nó làm gì? Tục ngữ có câu:
– Một đời toàn là mạng, một chút cũng không do người.
Trong đời này của chúng ta từ miếng ăn, miếng uống cho đến tất cả mọi sinh hoạt vật chất, đều đã được định sẵn trong số mạng của chính mình rồi. Nếu trong số mạng đã định sẵn là có thì nhất định là sẽ có. Còn như số mạng đã định là không có, thì dù có lo nghĩ nhiều đến đâu đi chăng nữa cũng là không có được. Cho nên mọi lo lắng, suy tưởng của chúng ta về cuộc sống ngày mai đó đều là những vọng tưởng mà thôi. Chẳng thể nói nếu hôm nay mình để tâm trù bị, mình để tâm lo lắng cho cuộc sống ngày mai nhiều một chút thì khi ngày mai đến mình sẽ được an vui đủ đầy, sẽ không phải lo lắng nữa, tâm sẽ có thể tự tại, không thể nói như vậy được. Cuộc sống của chúng ta là chạy theo số mạng vốn đã được định sẵn của chúng ta, chứ không phải chạy theo suy nghĩ lo lắng của chúng ta. Chúng ta vẫn thường nghe đến câu:
– Người tính không bằng Trời tính.
Chữ Trời ở đây chẳng phải là chỉ cho ông Trời, mà nó là chỉ cho số mạng. Chúng ta dẫu có tính toán đến nát óc, suy nghĩ lo lắng đến bạc đầu đi nữa cũng chẳng có cách nào chạy ra khỏi số mạng của chính mình. Cho nên mọi trù bị, mọi suy nghĩ lo lắng được mất của ta đó đều là vô ích, đã là vô ích vậy thì hà tất gì cứ phải lo nghĩ mà làm gì cho mệt tâm, mệt thân, sao không giữ cho tâm mình được thanh thản mà cố gắng niệm Phật chứ?
Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp đều là đang học Phật, đều là đang niệm Phật, vậy mà vẫn cứ rơi vào bước đường như hôm nay, rốt cuộc là sai ở chổ nào? Chúng ta sai chính là ở chổ này, trong tâm vẫn không chịu buông bỏ xuống hết những vọng tưởng lo nghĩ về cuộc sống hằng ngày. Nếu như hôm nay vẫn cứ tiếp tục phạm phải sai lầm này nữa, vậy thì việc học Phật trong đời này của chúng ta vẫn sẽ trôi qua một cách vô ích, chúng ta không cách nào có thể đạt được thành tựu. Cho nên, nếu chúng ta đã quyết tâm tu học thì cần nên buông bỏ những vọng tưởng lo lắng của chính mình xuống, không nên tiếp tục lo nghĩ đến nữa, vậy mới có hy vọng được thành tựu vãng sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không-

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *