Ngày nay khi chúng ta khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác đâu có thể nói là chẳng có quả báo? Nói không có quả báo, lời nói này thật sự là tự dối mình, dối người. Nhất định sẽ có quả báo. Thế nên đời người mấy chục năm ngắn ngủi, tại sao không học làm một người tốt? Ðại thánh đại hiền thế gian, xuất thế gian dạy chúng ta phải tiết kiệm, phải nhẫn nhịn. Trong Luận ngữ có ghi đức hạnh của Khổng Phu Tử có năm thứ: ‘Ôn Hòa, Lương Thiện, Cung Kính, Tiết Kiệm, Nhường Nhịn’ (Ôn, lương, cung, kiệm, nhượng). Phu tử xử sự, đãi người, tiếp vật đều ôn hòa, lương thiện, cung kính; đối với hết thảy người, sự, vật đều cung kính, tiết kiệm, nhẫn nhịn. Lão nhân gia làm ra hình dáng cho chúng ta thấy, chúng ta phải biết học theo. Thích Ca Mâu Ni Phật biểu hiện còn viên mãn hơn, rốt ráo và triệt để hơn nữa, vậy thì tại sao không học thánh nhân? Tại sao không học Bồ Tát? Học những chúng sanh tạo nghiệp này thì khổ quá đi thôi.
Thế Tôn tại Ðao Lợi thiên cung trong hội kinh này ủy thác chúng sanh đời Mạt cho Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa, có đạo lý. Tam độc tham, sân, si của chúng sanh thời Mạt pháp tăng trưởng, chẳng biết sám hối, hướng thiện, chẳng biết hiếu thân tôn sư, chẳng hiểu thiện nhân thiện quả, phải nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát giáo huấn. Nói cách khác, đời Mạt pháp chân chánh có thể giáo huấn hết thảy chúng sanh, bộ kinh này là khóa trình nhất định phải học, phải thường giảng giải, tuyên dương. Phật giao phó [trách nhiệm] hoằng dương kinh này cho hết thảy Bồ Tát tham dự hội, nghe xong chúng ta phải phát tâm gánh vác. Lời nhắn nhủ của Phật tôi cũng làm theo, cũng noi gương Ðịa Tạng Bồ Tát, y chiếu lời dạy trong kinh điển mà tu hành, đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, chẳng lo đến sinh mạng của mình, huống chi là khổ nạn của sự sinh hoạt. Nhất định phải làm theo giáo giới của Phật cho bằng được, quả báo sau này nhất định sẽ giống như kinh nói, chúng ta phát nguyện vãng sanh nhất định sẽ được sanh Tịnh Ðộ.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN