Từ trong câu nói này, chúng ta thể hội được tập khí của chúng ta là nghiêm trọng đến như vậy. Ba ngày không tiếp xúc sách Thánh Hiền, tâm bệnh tập khí lại xuất hiện. Chúng ta nghĩ xem, công lực của người xưa tu học còn có thể khống chế được ba ngày, công lực của người hiện tại e rằng không thể khống chế được ba giờ. Thật đấy! Một mặt đọc, một mặt đang giảng, một mặt vẫn nghĩ tưởng xằng bậy, đây chính là không thể khống chế được. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần vẫn là như vậy, vẫn muốn tạo tội nghiệp, vậy bạn liền biết được phiền não tập khí nghiêm trọng đến mức độ nào. Cho nên không đọc Kinh thì làm sao được? Ngày ngày đọc, giờ giờ đọc, trừ khi chính mình có công việc. Khi buông xả công việc thì liền phải mở quyển Kinh ra. Rất đáng lo! Không nên cho rằng học Phật, học Tịnh Độ rồi, tương lai chắc chắn có thể vãng sanh. Thiên Mục Sơn cũng không dám đi, còn vãng sanh hay sao? Chính mình phải rõ ràng, phải tường tận.
Các vị nghe cư sĩ Tề giảng, quỷ thần của Thiên Mục Sơn đều mong muốn nghe Kinh, đều hy vọng thời gian nghe Kinh dài một chút. Ngày ngày mở băng ghi hình, nhưng họ vẫn cảm thấy thời gian không đủ. Sau khi chúng ta nghe rồi có cảm tưởng gì? Tôi nghĩ, đại đa số sau khi nghe rồi trơ trơ như người gỗ, không hề để ý. Sau khi tôi nghe rồi, cảm xúc rất sâu sắc. Khi không có công việc, khi không có người đến tìm tôi thì tôi đọc Kinh, mỗi giờ mỗi phút không dám buông lơi. Các vị cầu là quả báo hiện đời, tôi thì cầu là hy vọng đời sau thân cận A Di Đà Phật, không mong cầu thứ gì của thế gian này, tất cả tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức. Chúng ta ở thế gian này, sống một ngày cũng tốt, sống hai ngày cũng tốt, thế nào cũng tốt, mọi thứ tùy duyên, quyết không có chấp trước, quyết không có dục vọng của chính mình. Sống thêm một ngày thì giúp đỡ chúng sanh thêm một ngày, mặc họ có làm theo hay không, trái lại sống một ngày thì làm một ngày. Ngạn ngữ thường nói: “Làm Hòa thượng một ngày, đánh chuông một ngày “. Đem bổn phận của chính chúng ta làm cho được tròn đầy viên mãn thì chính là công đức viên mãn. Không phải sự việc thuộc bổn phận của mình thì không nghe không hỏi. Khi tôi đọc đoạn Kinh văn này, cảm xúc của tôi sâu hơn các vị gấp nhiều lần.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG