Dùng cái tâm như vậy để tu hành thì hạnh môn ấy mới gọi là Phổ Hiền Hạnh!

Nếu muốn tu hạnh phúc, sung sướng thì hạnh Phổ Hiền là nhanh chóng hữu hiệu nhất. Quý vị cứ thử mở rộng tâm lượng đi. Chỉ cần quý vị chân chánh phát tâm, Phổ Hiền Bồ Tát bèn gia trì quý vị. Kinh dạy: “Tôi do sức hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm tín giải, như đối trước mắt”. Thần lực Phổ Hiền Bồ Tát gia trì, chúng ta nỗ lực đôi chút, gắng sức đôi chút, cũng có thể đạt được mấy phần.
“Đều dùng thân ngữ ý nghiệp thanh tịnh, thường tu tập sự lễ kính”: Lễ là lễ mạo, lễ tiết. Chẳng những đối với người phải có lễ, mà đối với vật cũng phải có lễ. Nếu tâm chí thành cung kính, biểu hiện bên ngoài sẽ hợp với lễ tiết. Tâm thanh tịnh là chân tâm, trong tâm thanh tịnh chẳng có thị phi nhân ngã, phân biệt, chấp trước. Bồ Tát dùng tâm thanh tịnh để tu tập lễ kính thường chẳng gián đoạn. Tu học Phật pháp thành hay bại cốt ở tâm nhẫn nại. Có nhiều người lúc mới phát tâm rất dũng mãnh, được mấy ngày bèn ngã lòng. Nếu có thể giữ được cái tâm ban đầu chẳng thoái chuyển thì không có một ai chẳng thành Phật chỉ trong một đời. Ở đây, Phổ Hiền Bồ Tát làm gương, khuyến khích chúng ta phải gìn giữ cái tâm ban đầu. Ngài nói: “Hư không giới tận, sự lễ kính của tôi mới tận”. Hư không giới chẳng thể tận, chúng ta phát nguyện tu đại hạnh Phổ Hiền, cũng chẳng thể thoái chuyển. Ngài lại nói: “Chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự lễ kính của tôi mới tận”. Thế giới nhân khẩu ngày càng tăng trưởng, chúng sanh giới chẳng tận. Phiền não của chúng sanh cũng mỗi ngày một nhiều hơn. Chỉ có học Phật đắc lực, phiền não mới giảm thiểu. Phiền não ít đi, trí huệ bèn tăng trưởng. Phiền não của chúng sanh chẳng thể tận, chúng ta bắt chước Phổ Hiền Bồ Tát lễ kính, đương nhiên cũng chẳng có ngày cùng tận.
Phổ Hiền Bồ Tát lại khuyên lơn chúng ta: “Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn”. Đấy là bí quyết công phu. Người niệm Phật thực hiện được hai câu này trong vòng từ ba tháng đến nửa năm, công phu niệm Phật đắc lực, quyết định đạt được công phu thành phiến. Hai câu này ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với câu “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của Đại Thế Chí Bồ Tát trong hội Lăng Nghiêm.
“Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề chán mệt”: Thân phải thực hiện; chúng ta thấy ai cũng phải lễ kính; ngôn ngữ phải cân nhắc, tâm phải thật sự thanh tịnh, bình đẳng, cung kính. Phổ Hiền Bồ Tát dụng tâm thanh tịnh cho nên chẳng mệt mỏi, chẳng buồn phiền. Chúng ta dụng tâm phân biệt, tâm nhiễm ô, nên trong một thời gian dài sẽ mệt mỏi. Trong công việc hằng ngày dùng tâm thanh tịnh, tâm hoan hỷ, tâm lợi ích chúng sanh mà làm, dù công việc vừa nhiều vừa nặng nề, cũng chẳng thấy mệt mỏi, chán nản. Đó là được mấy phần lợi ích do công phu tu học Phổ Hiền hạnh.
Cảnh giới của Phổ Hiền Bồ Tát rộng lớn, đấy chính là điểm khác biệt so với hạnh của các Bồ Tát khác. Phổ Hiền hạnh là hạnh xứng tánh. Bản tánh Chân Như rộng lớn phi thường, Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm gồm khắp hư không, lượng trọn các cõi nước nhiều như cát). Mỗi một hạnh nguyện của Phổ Hiền hạnh đều tương ứng với tự tánh; bởi thế, mỗi một hạnh nguyện đều bao trùm hư không pháp giới. Chẳng những tâm địa Phổ Hiền Bồ Tát chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, mà còn rộng lớn vô lượng. Dùng cái tâm như vậy để tu hành thì hạnh môn ấy mới gọi là Phổ Hiền Hạnh!
LƯỢC GIẢNG ĐẠI THẾ CHÍ NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG, GIÁO NGHĨA PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN
Pháp Sư Tịnh Không

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *