Căn bệnh lớn nhất của thế hệ hiện thời là thiếu lòng kiên trì, chẳng biết tu hành là gì? Quý vị hãy đọc Thiền Lâm Bảo Huấn. Thuở ấy, tôi đến Đài Trung cầu học với thầy Lý, thầy Lý chỉ định tôi đọc bộ sách thứ nhất là Thiền Lâm Bảo Huấn. Lúc ấy rất khổ, Thiền Lâm Bảo Huấn không có bản lưu hành riêng, tôi phải sao từ Đại Tạng Kinh. Dường như tôi sao không nhiều lắm, vì chỉ có văn bản, chứ không có chú giải. Thuở ấy, tôi dùng bản Tần Già Tạng. Bản hiện thời rất tốt, lại còn có chú giải, tức Thiền Lâm Bảo Huấn Bút Thuyết, chú giải soạn rất tỉ mỉ.
Thiền Lâm Bảo Huấn có tất cả hơn ba trăm điều, hơi giống như Thái Căn Đàm, rất có ý vị, đọc rất cảm động, toàn là dạy người khác phải biết phát tâm ra sao, thân cận thầy bạn như thế nào. Tôi có ấn tượng sâu đậm nhất [khi đọc chuyện] một người tham học, người này phẩm hạnh lẫn học vấn đều tốt đẹp, nhưng lão hòa thượng và ông ta đúng là giống như oan gia đối đầu, nhìn kiểu nào cũng chẳng thuận mắt, vô duyên vô cớ chửi đánh ông ta. Nhưng ông ta rất hay, khinh nhục thế nào vẫn chẳng bỏ đi, vẫn ngồi trong hội nghe kinh. Có một hôm, lão hòa thượng đem nước rửa chân trút lên người ông ta từ đầu đến chân, ông ta vẫn nín chịu, vẫn không bỏ đi. Cuối cùng, lão hòa thượng thấy vậy rất cáu, trực tiếp hạ lệnh đuổi ông ta đi, để ông ta không còn có cách nào nữa. Ông ta có đi hay không? Vẫn không đi. Ông ta tìm chỗ ở bên ngoài chùa, tới nghe giảng kinh từ ngoài tường qua cửa sổ, vẫn chẳng bỏ đi. Lão hòa thượng cũng biết như vậy. Ba năm trôi qua như vậy, lão hòa thượng muốn truyền pháp, giống như Ngũ Tổ truyền pháp, muốn tìm một người kế thừa để truyền pháp. Những đại đệ tử đều tưởng là chính mình [sẽ được chọn], kết quả là lão hòa thượng tuyên bố, tìm người ấy từ bên ngoài về, truyền pháp cho người ấy, ngoài dự liệu của mọi người! [Đại chúng] mới hiểu lão hòa thượng vùi dập đủ mọi cách nhằm bồi dưỡng đức hạnh cho người ấy. Ông ta được lão hòa thượng nhìn trúng, nên mới cố ý đày đọa như thế, cuối cùng truyền pháp cho ông ta. Vì thế, nhất cử nhất động của ông ta lão hòa thượng đều biết rõ. Do vậy, chúng tôi rất cảm động.
Vì vậy, học đạo, thường thân cận một vị thầy tốt, bốn năm năm thầy chẳng nói một câu nào, mà sai quý vị làm những việc khổ sở, nặng nề. Có kẻ chẳng nín nhịn được: “Ta đến đây để cầu pháp, nhưng thứ gì cũng chẳng cầu được”, lắc đầu bỏ đi. Muốn đi thì để cho người ấy đi, đó là gì? Người chẳng thể đào tạo được, thiếu lòng kiên trì, là kẻ chẳng thể thành tựu. Do vậy, cũng biết: Tu hành thì điều đầu tiên là tu gì? Tu Nhẫn Nhục Ba La Mật. Nhẫn Nhục Ba La Mật tu thành, những gì quý vị đạt được chẳng bị mất đi; bởi lẽ, “hết thảy các pháp do Nhẫn mà thành”. Nếu quý vị không có trình độ công phu này, lão hòa thượng dạy quý vị này nọ, đến cuối cùng sẽ ra sao? Quý vị ham cao chuộng xa, kiêu căng, ngạo mạn, ngỡ chính mình chẳng ai sánh bằng, rốt cuộc, thân bại danh liệt, kết quả tất nhiên là như vậy. Vì thế, người nào là pháp khí? Xem người ấy có kiên trì, có nhẫn nại hay không! Người ấy có bao nhiêu thành tựu, chắc chắn sẽ tỷ lệ thuận với lòng nhẫn nại của người ấy. Công phu nhẫn nại càng sâu, thành tựu càng lớn, nhẫn nại càng cạn, căn khí nhỏ nhoi, thành tựu càng nhỏ bé! Đó là đạo lý nhất định.
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA