Nghiệp có nghĩa là gì? Cổ đại đức đã đưa ra một định nghĩa, “tạo tác” gọi là nghiệp. Tạo tác thông thường chia làm ba loại lớn. Tất cả chúng sanh chúng ta, mỗi ngày tạo tác ra thì không cách nào tính đếm. Nếu như nói tạo tác trong một đời của chúng ta, lại thêm vào tạo tác của nhiều đời nhiều kiếp trước, Phật đã nói với chúng ta rằng, nghiệp mà một chúng sanh tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay, nếu như là có hình tướng mà nói thì “tận cả hư không cũng chứa không hết nổi”. Cái tỉ dụ này không quá chút nào, đích thực là chân thật.
Tạo tác sao mà lại nhiều đến như vậy? Chúng ta chỉ cần xem câu chuyện của Vệ Trọng Đạt thời nhà Tống thì có thể tưởng tượng ra được. Vệ Trọng Đạt chỉ mới có ba mươi mấy tuổi, có một ngày bị vua Diêm La bắt đi. Vua Diêm La sai bảo phán quan lấy hồ sơ ghi chép thiện ác đã tạo ra trong một đời ông. Phán quan lấy hồ sơ tài liệu ra, hồ sơ ghi chép tạo tác điều ác đã xếp đầy cả đại điện, hồ sơ tạo tác điều thiện thì chỉ có một quyển. Vua Diêm La nhìn thấy rất tức giận, sai phán quan đem hồ sơ thiện ác đi cân thử. Kết quả sau khi cân xong, đống hồ sơ tạo ác chất đầy cả đại điện thì nhẹ, quyển hồ sơ thiện thì lại nặng. Sắc mặt của vua Diêm La liền thay đổi lại.
Vệ Trọng Đạt liền hỏi vua Diêm La: “Tôi chỉ mới có ba mươi mấy, tại sao tạo ác lại nhiều đến như vậy? Các ông ghi chép, phải chăng có sự nhầm lẫn?”.
Vua Diêm La nói với ông: “Tạo nghiệp không cần phải đợi ông có hành vi, mà vừa động cái ý niệm thì đã được ghi chép vào trong hồ sơ rồi”. So với máy vi tính ngày nay còn tiến bộ hơn nhiều. Nghiệp là bao gồm tất cả khởi tâm động niệm của chúng ta. Một cái ý niệm bất thiện, tuy rằng không có thành hành vi, nhưng trong “A Lại Da Thức” thì đã là hạt giống nghiệp tập, vô cùng đáng sợ.
Vệ Trọng Đạt lại hỏi: “Vậy còn quyển hồ sơ thiện kia, rốt cuộc là cái gì?”.
Vua Diêm La nói với ông: “Quyển thiện đó chỉ là một cái tấu sớ mà thôi, khuyên can hoàng đế không nên xây dựng một công trình hao người tốn của”.
Vệ Trọng Đạt hỏi: “Tại vì sao lại có sức mạnh lớn như vậy, Hoàng đế cũng đâu có nghe theo?”.
Vua Diêm La nói: “Nếu Hoàng đế mà nghe thì công đức của ông còn lớn hơn. Ông làm cái sự việc này là từ tâm chân thành, không có tự tư tự lợi, không vì danh văn lợi dưỡng, mà là vì quần chúng trong xã hội rộng lớn, phát ra từ chân tâm, cho nên sức mạnh của việc thiện này rất lớn”.
Câu chuyện này đã cho chúng ta một sự khải thị rất lớn, cũng như trên Kinh điển mà Phật đã nói, từ vô lượng kiếp đến nay, tội nghiệp đã tạo tuy nhiều tuy nặng nhưng không đáng sợ, mà đáng sợ là không thể thật lòng hối cải. Tâm chân thành hối cải, từ nay về sau đoạn ác tu thiện quyết định có thể bù đắp được. Con người chỉ cần chịu quay đầu, chân thật quay đầu, triệt để quay đầu thì sẽ tương ưng với tâm Phật, thì có thể được sự gia trì của chư Phật Bồ Tát, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới nhất định có phần. Đây là “bất khả tư nghì nghiệp lực sở trí”.
Cho nên, tạo nghiệp của chúng ta, ở trên Kinh điển Phật đem nó phân thành ba loại lớn. Loại thứ nhất là thân nghiệp, động tác của thân thể, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba là ý nghĩ. Ý niệm tạo ra là nhiều nhất, ngay cả buổi tối đi ngủ còn nằm mộng, nằm mộng cũng là đang tạo nghiệp, thì bạn hãy nghĩ xem, sự việc này đáng sợ chừng nào. Mọi người thường hay nói: “Ban ngày nghĩ điều gì, ban đêm mơ thấy đó”. Từ đây mà biết, chúng ta chân chánh nói đến tu hành, tu là gì? Chẳng qua là đem cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm sai lầm tu sửa trở lại, đem bốn cái phương diện này tu sửa trở lại, không tạo thêm ác nghiệp nữa, đây là chân thật tu hành.
Tiêu chuẩn của thiện ác, ở trong tất cả Kinh luận Phật cũng đều có nói. Chuyên môn dạy bảo cho hàng sơ học thì có “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung”, trong đây là nói với chúng ta về tiêu chuẩn của thiện ác. Tiêu chuẩn chuyên nói đối với người xuất gia, ngoài giới luật ra, “Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn” (cũng gọi là “Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo”), ở trong “Kinh Đại Bảo Tích”, thì bộ Kinh này là Phật chuyên vì người xuất gia mà nói. Đặc biệt là người xuất gia trong Thời kỳ Mạt Pháp, đã tạo ra rất nhiều rất nhiều những sự việc không như pháp, những sự việc bất thiện, bản thân lại mê mờ bất giác. Bộ Kinh này lúc trước chúng tôi đã giảng qua ba lần, có lưu lại băng ghi âm, dường như cũng có vị đồng tu tại Trung Quốc Đại Lục đã y chiếu theo băng ghi âm mà viết thành sách. Đây là Thế Tôn đã dạy bảo chúng ta.
Tại Trung Quốc, Ấn Quang Đại Sư là Bồ Tát tái lai, Tổ sư Ngài đại từ đại bi vì người hiện tại đã đặt định ra cơ sở cho giáo dục nhân quả. Tiêu chuẩn của thiện ác tâm hành, Ngài không có dùng Phật pháp, mà Ngài dùng “Liễu Phàm Tứ Huấn”, dùng “Cảm Ứng Thiên”. Việc này hết sức có đạo lý, chân thật là khế cơ khế lý. Những trước tác này đều là do người Trung Quốc viết ra, không phải từ Ấn Độ phiên dịch sang. Đưa ra việc dạy học như vậy là phù hợp sâu sắc với cảm tình dân tộc của người Trung Quốc, rất dễ dàng tiếp nhận. Ấn Tổ cả đời cực lực đề xướng. Hiện tại thì Ấn Tổ Ngài đã vãng sanh rồi, các đồng tu Tịnh Tông chúng ta cần phải tiếp nối di chí của Ấn Tổ Ngài, thật sự đi làm hoằng pháp lợi sanh kế tục huệ mạng của Phật, muốn đem những giáo huấn của Ngài phát dương quang đại, quả thực là có thể cứu vãn xã hội, có thể cứu vãn cái tai nạn của ngày tận thế.
Tứ chúng đồng tu học Phật chúng ta, đối với Kinh giáo, đối với đề xướng của các tổ sư đều cần phải đọc thuộc, đều nên phải chăm chỉ học tập, thực tiễn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của chính mình, nhất định được lợi ích, nhất định được thọ dụng. Đây là nói rõ, tạo thiện thì gọi là thiện nghiệp, tạo ác thì gọi là ác nghiệp. Thiện nghiệp có sanh ra sức mạnh của quả thiện, ác nghiệp sanh ra sự ảnh hưởng của quả ác, cho nên gọi là nghiệp lực. A Nan tại chỗ này nói là “bất tư nghì nghiệp lực”, trong nhà Phật có một bài kệ như thế này:
“Nghiệp lực không nghĩ bàn
Dù xa vẫn đến kéo
Quả báo thành thục rồi
Cầu tránh cũng không khỏi”.
Nhà Phật thường hay nói: “Không phải không quả báo, mà là thời giờ chưa đến”, do vậy chúng ta thường hay nghe cổ đức nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Chúng sanh ngu si, lúc tạo tác thì họ không hề để ý, tạo ra nghiệp ác trùng trùng, đến khi quả báo hiện tiền thì họ lại sợ hãi. Đến lúc này thì sợ hãi cũng chẳng có ích gì, cũng chẳng giúp được gì. Bồ Tát thì thông minh, quả báo hiện tiền thì nhẫn nhục chịu đựng. Bồ Tát sợ nhân, nên mãi mãi không tạo lại nhân ác, cho nên họ mới có thể không bị ác báo. Sự việc này chúng ta học Phật không thể không xem trọng, nhất định phải hiểu được cái đạo lý bên trong, phải nhận rõ chân tướng sự thật của nhân quả báo ứng. Những ví dụ cho việc này thì quá nhiều, quá nhiều. Các vị hãy xem chú giải của “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn” và trong “An Sĩ Toàn Thư”, dường như mỗi một điều gì cũng đều có rất nhiều những ví dụ dẫn chứng để chứng minh. “Cảm Ứng Thiên Vị Biên” không phải là một người ghi, trong quá khứ đã có rất nhiều lần biên soạn thêm vào. Nếu như trong số đồng học chúng ta có người có tâm, đều có thể sưu tập những câu chuyện ngày nay. Các vị có thể xem trên tập san báo chí, nhìn thấy những bài báo viết về nhân quả báo ứng, có thể bổ sung thêm vào trong quyển “Cảm Ứng Thiên”. Tương lai đến khi đem in lại, thì có những mẫu chuyện phát sinh trong xã hội ngày nay, và rất nhiều rất nhiều chuyện phát sinh ở nước ngoài, như vậy thì càng có thể khởi phát được lòng tin của đại chúng. Sự việc này quyết định không phải chuyện mê tín, nó là sự thật, chúng ta nhất định không thể lơ là. Vì vậy, tại những chỗ đã khởi tâm động niệm thì phải hồi đầu, đặc biệt là phát tâm muốn trong một đời này vãng sanh về Thế giới Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà, bạn nhất định phải biết được điều kiện của vãng sanh là những gì và bạn đã có đầy đủ điều kiện này hay chưa.
Điều kiện của vãng sanh thực tại mà nói, cụ thể nhất chính là ở trên bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói về tiêu chuẩn của thiện ác cùng với “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Kinh A Nan Hỏi Phật Sự Tốt Xấu”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” mà Ấn Tổ đã nói và “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn” là hoàn toàn tương đồng, chúng ta không thể xem thường. Đến lúc nghiệp chướng mà hiện tiền, đọc Kinh không có tác dụng, tụng Kinh không tiêu trừ được nghiệp chướng, phải y theo phương pháp lý luận của Kinh điển để mà tu sửa tư tưởng kiến giải ngôn hành của chính mình, thì mới hữu dụng, mới có thể tiêu nghiệp chướng. Các vị nhất định phải nên hiểu, quyết định không phải nói nghiệp chướng hiện tiền rồi thì tụng vài bộ Kinh cầu Phật Bồ Tát bảo hộ. Đây là mê tín. Kinh là do Phật Bồ Tát thuyết giảng, bạn lại đem đi tụng cho các Ngài nghe, làm gì có đạo lý như vậy chứ? Những băng ghi hình mà tôi giảng, bản thân tôi cũng đâu cần xem. Tôi còn không muốn xem những gì tôi đã nói, vậy thì Phật Bồ Tát sẽ nghe Kinh mà các Ngài nói hay sao? Không thể nào có việc như vậy. Phật Bồ Tát nhìn thấy bạn y giáo phụng hành, thật sự quay đầu là bờ, liền hoan hỷ. Cho nên bạn tụng Kinh ở trước Phật Bồ Tát, Phật Bồ Tát sẽ lắc đầu, bạn làm sai rồi. Nhất định phải hiểu lý, nhất định phải y giáo phụng hành. Cho nên ở trên Kinh Phật thường hay dặn đi dặn lại chúng ta: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết”. Diễn chính là phải làm được, là biễu diễn. Đạo lý mà “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói, tất cả những giáo huấn, chúng ta đều có thể biễu diễn ra từ trong sinh hoạt thường ngày, hoàn toàn làm được như vậy thì Phật hoan hỷ. Có người thỉnh giáo với bạn, thì bạn có thể nói với họ một cách rõ ràng, một cách thấu triệt, khiến cho người nghe ấy đoạn nghi sanh tín, cũng có thể học tập bạn, thì Phật mới thật sự hoan hỷ. Cho nên, vạn nhất không nên tạo ác nghiệp, hạt giống nghiệp tập này của ác nghiệp sẽ ở trong “A Lại Da Thức” vĩnh viễn không bị tiêu mất, đến khi nào gặp được duyên thì nó liền khởi hiện hành. Khởi hiện hành nghĩa là quả báo hiện tiền.
Trích: PHẬT THUYẾT ĐạI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ