Sáu Pháp Ba La Mật là con đường mà người con Phật phải đi qua như sau:
- Chân thật niệm Phật, buông xả thân tâm thế giới, tức là đại bố thí.
- Chân thật niệm Phật, không sanh khởi tham sân si, tức là đại trì giới.
- Chân thật niệm Phật, không chấp nhân ngã thị phi, tức là đại nhẫn nhục.
- Chân thật niệm Phật, liên tục không để gián đoạn, tức là đại tinh tấn.
- Chân thật niệm Phật, không tán loạn vọng tưởng, tức là đại thiền định.
- Chân thật niệm Phật, rõ biết, không bị các duyên làm mê hoặc, tức là đại trí huệ.
Chúng ta thử tự kiểm điểm, nếu đối với thế giới thân tâm mà chưa buông xả, niệm tham sân si còn hiện khởi, tâm còn đeo mang nhân ngã thị phi, vọng tưởng lăng xăng chưa trừ diệt, tâm trí mê hoặc rẽ theo pháp khác thì không thể gọi là người chân thật niệm Phật.
Người tín nguyện trì danh, nếu nghiệp chướng tiêu trừ, mang nghiệp vãng sanh thì liền sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ.
Người tín nguyện trì danh, nếu đoạn tận kiến hoặc, tư hoặc mà vãng sanh thì liền sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ.
Người tín nguyện trì danh, nếu phá trừ một phần vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ.
Người tín nguyện trì danh, nếu trì đến chỗ cứu cánh, đoạn tận vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Cho nên trì danh niệm Phật có khả năng lên bốn cõi, thật chính xác không sai.
Pháp môn niệm Phật không chi kỳ lạ, chỉ tin sâu, nguyện thiết, gắng sức thật hành mà thôi. Điều cần yếu là tin cho thấu đáo, giữ cho bền lâu, một lòng chuyên niệm, mỗi ngày đêm hoặc mười muôn, ba muôn, hay năm muôn câu, lấy số quyết định không thiếu làm lệ. Hành trì như thế trọn một đời, thề không thay đổi, nếu không vãng sanh, thì chư Phật ba đời thành ra nói dối. Một khi được vãnh sanh, tất không còn bị thối chuyển, bao nhiêu pháp môn đều được hiện tiền.
Rất tối kỵ là tâm không thường hằng, hôm nay thế này, mai thế khác, thấy ai nói pháp chi huyền diệu liền xu hướng chạy theo, thì không môn nào thành thục được cả. Đâu biết, nếu một câu A Di Đà Phật niệm được thuần thục, thì ba tạng, mười hai phần kinh, những giáo lý rút gọn đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong đó.
Muốn được cảnh giới Nhất tâm, “một lòng không loạn”, cũng chẳng có phương chước gì lạ chi cả. Lúc mới dụng công, cần phải lần chuỗi ghi số, mỗi ngày đêm định khóa là bao nhiêu câu, đừng cho thiếu sót. Giữ đúng như thế, lâu ngày niệm lực sẽ thuần thục, thành ra cảnh giới “không niệm mà tự niệm”, chừng ấy ghi số hay không cũng được. Nếu lúc ban sơ muốn vội nói lời cao siêu, muốn không chấp trước vào tướng, muốn học viên dung tự tại thì niệm lực khó thành. Như thế là tin không sâu, hành trì không hết sức, dù cho có tài giảng nói được mười hai phần giáo, hiểu được một ngàn bảy trăm công án, đều là việc bên bờ sống chết luân hồi, khi lâm chung quyết định không dùng được.
Nhạt một phần tình đời, tự nhiên đắc lực thêm một phần Phật pháp. Xem nhẹ chuyện kiếm sống trong cõi Ta Bà một phần, phương tiện sanh về Tây phuơng ổn đáng một phần. Điều này mình chỉ tự hỏi lòng, đừng hỏi bạn tri thức. Tri thức cũng chỉ khuyên nhạt bớt mùi đời, coi nhẹ chuyện làm ăn, chuyên tu Đạo xuất ly Thế Gian cốt yếu mà thôi.
Lời dạy của Ngẫu Ích Đại Sư (Tổ thứ 9)