Giữ sự sống cho người khác là phước đức lớn nhất

Mỗi ngày, chúng ta đều ước muốn làm một điều gì có phước, đều cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Tâm lý tham sống sợ chết đều giống nhau dù dưới bất kỳ hình thức sống nào. Vậy mà thế giới luôn chứng kiến những cảnh mạnh hiếp yếu, hung hăng giết người một cách man rợ.

Thế giới chỉ giải quyết những chuyện buồn tang tóc đã xảy ra rồi và từng cá nhân, gia đình vẫn phải chịu cảnh chết chóc và mất mát. Nguyên nhân từ đâu, do ai tạo ra và tại sao bắt buộc con người phải chịu đau đớn như thế? Trong những tháng cuối của năm 2014, nhiều vụ thảm sát giết người cùng nhiều tai nạn thương tâm đã liên tiếp xảy ra trên khắp thế giới.

Oan gia tương báo                                                                              

Tại Hoa Kỳ, nhân viên cảnh sát Darren Wilson bắn chết cậu da màu Michael Brown ở thành phố Ferguson tiểu bang Missouri đã tạo ra làn sóng biểu tình khắp nơi, người ta tỏ ra bất bình trước cái chết cậu da màu 18 tuổi. Tại Úc, một kẻ khủng bố có vũ trang bắt 17 con tin trong quán cafe Lindt, giết chết 2 người và tay súng khủng bố bị cảnh sát Sydney tiêu diệt tại chỗ. Tại Pakistan, vô cùng đau đớn cho các em học sinh, chỉ vì sinh ra đời làm con người lính Pakistan (được Hoa Kỳ ủng hộ) mà phải chịu chung số phận chết một lúc lên đến 141 em. Rồi thêm một vụ xả súng ở Philadelphia tiểu bang Pennsylvania, một vụ khác nữa tay súng da màu bắn chết hai cảnh sát New York v.v… Chưa nói hết những vụ giết nhau vì sự xung đột cá nhân hàng ngày rải rác khắp đó đây trên khắp thế giới.

Hoa Kỳ là đất nước tự do dân chủ, quyền biểu tình được hiến pháp cho phép và thế là người dân da màu lên tiếng xuống đường bênh vực, lúc nào cũng thấy mình bị kỳ thị, bị phân biệt giai cấp, bị xem thường mạng sống và dẫn đến nhiều cuộc bạo loạn sắc tộc. Những đất nước thượng tôn pháp luật, quân pháp bất vị thân, đã vi phạm pháp luật thì không có trường hợp ngoại lệ, không thiên vị một ai cho dù người đó là cấp bậc gì trong xã hội, mọi người bình đẳng, chịu trách nhiệm trước trước hành động mình làm.

Vì lẽ đó, hễ hành động nào gây đau khổ cho người khác thì ta sẽ chịu lại hành động từ người khác gây đau khổ cho ta. Cho nên gây đau khổ cho người khác chính là gây đau khổ cho mình. Giúp người khác an vui là chính làm cho mình an vui. Ta cố tìm cách hại người thì đằng nào cũng có người tìm cách hại lại ta. Ngày nào ta không còn ba nghiệp thân khẩu ý gây chết chóc, khổ đau cho người và cho chúng sinh là ta chấm dứt oan gia nghiệp báo đời này và đời sau.

Một câu hỏi được đặt ra là các em học sinh Pakistan còn nhỏ ngây thơ, có làm gì nên tội với các tay súng kia đâu, mà sao các em lại bị bắn chết một cách thê thảm như thế. Ai tạo ra hình hài các em đó? Ai tạo ra hình hài các tay súng kia? Cũng như ai tạo ra người da đen, da trắng, da vàng v.v… để rồi sinh ra nhiều vấn đề tâm lý đố kỵ, mặc cảm tự ti, mặc cảm tự tôn dẫn đến sát hại? Câu trả lời là tất cả đều do mối liên quan nghiệp nhân trong quá khứ dẫn dắt đến nghiệp quả hôm nay và tiếp tục tới ngày mai. Nếu như ngày hôm nay mọi người biết nhìn sâu vào cuộc đời mình, quán chiếu từ bi, phát khởi tình thương yêu nhân loại, chấm dứt nghiệp sát ngay bây giờ, thì không còn oán thù trong tương lai nữa. Ngược lại vẫn hành động sát sanh và bắn giết lẫn nhau thì oán thù trong tương lai vẫn tiếp tục kéo dài.

Đóng góp cho nền an ninh hòa bình thế giới, đạo Phật nguyện cúng dường cho chúng sanh và nhân loại một kho tàng giáo lý hết sức từ bi để xóa bỏ nỗi oán thù nhau nhiều đời nhiều kiếp. Mỗi cá nhân người đệ tử Phật thường tâm niệm: Hận thù diệt hận thù/ Đời này không có được/ Từ bi diệt hận thù/ Là định luật ngàn thu.(Kinh Pháp cú, kệ 5)

Thực thể tương sinh                                                                           

Các pháp không thể tồn tại độc lập. “Cái này có vì cái kia có/ Cái này không vì cái kia không/ Cái này sinh vì cái kia sinh/ Cái này diệt vì cái kia diệt”. Ta nhìn kỹ bất kỳ một pháp nào trước mắt ta cũng đều có mặt hết tất cả các pháp khác trong đó. Ví dụ, một chiếc máy vi tính của ta nó bao gồm vô số các bộ phận, các chi tiết không thể kể hết. Mỗi bộ phận kia được làm ở đâu, tại Nhật Bản, tại Malaysia, tại Trung Quốc hoặc tại một nước nào đó trên thế giới.

Con người là nhân tố quan trọng tạo nên các bộ phận này. Không thể ghét một con người nước nào ta lại tìm cách phá hại hoặc tiêu diệt hết các sản phẩm xuất xứ từ các nước ấy. Ta suy nghiệm sẽ thấy tất cả các pháp trên đời đều như vậy, một pháp nhỏ nhất đều chứa đựng tất cả các yếu tố nhân và duyên trong ấy. Ngược lại, hễ tách từng bộ phận kia ra thì các pháp không hiện hữu và mất giá trị tồn tại của chúng.

Do vậy, ta hiểu và tin theo Phật là tôn trọng các pháp ấy. Một thực thể tồn tại không thể tách rời các pháp kia ra được. Một con người hiện hữu dù niềm tin của họ là đạo gì ta cũng phải tôn trọng họ. Con người sinh ra theo nhân duyên mà có niềm tin, không ai chọn lựa được nơi mình sinh ra, cũng không nhiều người tự do lựa chọn niềm tin mình muốn. Vậy nên không có lý do gì ta lại sinh ý nghĩ giết họ nếu họ không theo đạo, không cùng niềm tin hay quan điểm với mình. Nếu ta có ý loại trừ, hủy diệt một pháp nào đó dù pháp đó không cùng chung niềm tin hoặc khác suy nghĩ của ta thì ta không thể có hạnh phúc trong cuộc đời này được.

Thực tập ứng dụng                                                                            

Mỗi tháng nên ăn chay ít nhất là hai ngày, đúng ngày rằm và mùng một hàng tháng. Ăn chay có khi ta thấy khó ăn, không vừa khẩu vị, mau đói v.v… và có khi lại không biết hết những lợi ích của việc ăn chay. Nhiều động vật ăn cỏ mà có tốt hơn ta ăn chay không? Ta cũng nên đặt câu hỏi động vật ấy ăn cỏ mà sao hung dữ quá? Con người chỉ ăn chay một tháng hai ngày mà sao lại biết nhường nhịn yêu thương nhau?

Ta chưa hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của việc ăn chay thì nên đặt ra một loạt câu hỏi như thế. Kỳ thực ăn chay để tăng trưởng lòng từ bi, thương vật và thương người. Ta không muốn chịu nhiều oan gia nghiệp báo trong tương lai. Cứ nửa tháng thì phát tâm ăn chay trọn một ngày là đánh thức Phật tâm trong lòng mình, nâng cao ý thức tôn trọng sự sống người khác và các loài khác, nguyện không giết hại sinh vật một ngày thôi mà phước đức lớn vô cùng. Không dám giết vật thì chắc chắn không giết người. Cất chứa vũ khí để bảo vệ thân mạng và gia đình mình không bằng khuyên mọi thành viên trong gia đình, khuyên người khác tích lũy công đức ăn chay, không sát sinh hại vật mỗi tháng hai ngày. Đây là nguyên nhân chính của việc thực hành ăn chay.

Cả gia đình ý thức sống trọn vẹn với nhau trong tình yêu thương, tự nhiên những nghi kỵ hiểu lầm sẽ không còn và tất nhiên tăng thêm bình an, hạnh phúc. Đây là điều mầu nhiệm có thực của những người tin theo Phật và sống theo Phật. Ta nên thực tập và ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày.

Mỗi ngày, mỗi tuần ta phải nguyện đi chùa để thực tập sống tỉnh thức. Thực tập sống đẹp, sống vui, sống thảnh thơi thì ta mới có cái góp phần cải thiện đời sống xã hội. Ta bận đến nỗi không đi chùa mỗi tuần thì xem như ta không có cái gì đóng góp hạnh phúc cho cuộc đời. Không có sự thực tập tỉnh thức mỗi ngày thì chính ta phải gặp và chuốc lấy phiền não do mình gây nên.

Đời sống thật ngắn ngủi, mới thấy sống đó rồi chết đó, vô thường nhanh lắm. Sao ta nỡ đoạn mạng sống chúng sanh và con người một cách phi lý. Ta không những không giết người mà còn phải nguyện phóng sanh, tức là không làm tổn hại thêm một mạng sống nào nữa, thì được phước tăng thêm tuổi thọ trong kiếp này và kiếp lai sinh. Giết một mạng sống là giết đi một vị Phật và ta phải chịu nhiều hậu quả không tốt. Do đó, giữ gìn sự sống và quý trọng mạng sống người khác là cách làm phước lớn nhất trên cuộc đời này. Thế giới đang đón mừng năm mới cũng chính là đón mừng sự sống tốt đẹp của muôn loài. Cầu nguyện cho chúng sinh được nhiều an lành và mong con người tránh đi các nghiệp nhân sát hại để thế giới bình an và chúng sanh hạnh phúc.

Hoa Kỳ, cuối 2014

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *