Đức Phật dạy về Nhân – Quả

Tiến trình từ nhân đến quả, có thể báo ứng ngay trong hiện tại mà cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Chỉ cần quan sát trong hiện tại, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra quả báo nhãn tiền của những việc làm ác

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có hai loại tội. Thế nào là hai ? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả trong đời sau.
Thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại ? Này các Tỷ kheo, khi thấy nhà vua bắt được kẻ trộm, kẻ vô lại, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ bị đánh bằng roi cho đến bị chặt đầu. Thấy vậy liền suy nghĩ: Do làm ác nghiệp nên mới bị các hình phạt như vậy.
Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong hiện tại.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là tội có kết quả trong đời sau? Ở đây, có người suy xét như sau: Quả báo dị thục của thân khẩu ý ác, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong đời sau.
Do vậy, này các Tỷ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại và trong đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.94)
LỜI BÀN: 
Nhân quả ở đời vốn rất chính xác và rõ ràng, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Đức Phật cũng từng dạy: Dù lên núi cao hay xuống vực thẳm cũng không tránh được nghiệp quả. Do nhận thức đúng về nhân quả nên người con Phật luôn thận trọng trong mỗi việc làm, lời nói và suy nghĩ của chính mình.
Tiến trình từ nhân đến quả, có thể báo ứng ngay trong hiện tại mà cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Chỉ cần quan sát trong hiện tại, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra quả báo nhãn tiền của những việc làm ác như: trộm cướp, đua xe, hút chích, phụ tình, trù dập, hãm hại, buôn lậu, tham ô…..dẫn đến bị bắt, bị truy tố, giam cầm cho đến xử tử.
Ngoài những tội có kết quả trong hiện tại còn vô số những việc ác sẽ kết thành quả xấu trong tương lai. Con người thường sợ quả báo hiện tại mà xem thường quả báo ở vị lai. Vì thế, những người đã phạm tội nhưng chưa bị phát hiện hoặc đã “hạ cánh an toàn” thì ung dung hưởng thụ, thản nhiên như người vô tội, thậm chí đắc ý cười thầm. Sự thật thì không như vậy, lương tâm luôn cắn rứt và tội báo sẽ đến với những người ấy, không thể nào thoát khỏi.
Vì thế, người học Phật thấy rõ nhân quả nên luôn sợ hãi với quả báo, quyết không làm điều ác, tránh xa tội lỗi. Niềm tin nhân quả, sự sợ hãi quả báo trong đời này và những đời sau sẽ góp phần tác thành nên nhân cách, đạo đức cho mỗi người. Xã hội sẽ bình an, thiện lành và phát triển ổn định hơn khi mỗi người đều có nhận thức đúng đắn về nhân quả và nghiệp báo.

Thích Quảng Tánh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *