Khi nghe nói đến đại Bồ Tát Địa Tạng, chúng ta nghĩ ngay đến vị đại Bồ Tát thường cứu chúng sinh trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hay những vong linh mới mất trong bốn mươi chín ngày, hay ngày giỗ ông bà, cha mẹ, anh chị em, hay lục thân quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, hiện tại, vị lai… chúng ta thường thỉnh chư Tăng hoặc tự mình tụng đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Công Đức, để nhờ đến oai thần của Ngài hòng cứu giúp khổ nạn cho người thân chúng ta lúc mới qua đời. Nhưng có lẽ ít ai biết hay hiểu thêm được hạnh nguyện, oai lực vĩ đại của Ngài. Ý nghĩa sâu sắc tên của ngài.
ĐỊA: là đại địa, ai cũng sống trong đại địa, là nơi trưởng dưỡng của tất cả chúng sanh, cây cỏ thảo mộc, trưởng dưỡng của tất cả các loài báu vật, trưởng dưỡng của tất cả các loài chúng sanh bình đẳng. ĐỊA bao gồm hàm chứa chất tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, và là cội nguồn của tất cả chúng sanh, là nơi vun chứa của tất cả chúng sanh. Nguyện lực của ngài bao trùm tất cả chúng sanh, chịu khổ thay tất cả chúng sanh. Tất cả chúng ta đang sống trong pháp thân của ngài, nơi nào có chúng sanh nơi đó có ngài. TẠNG: chứa tất cả công đức, của báu.
Đối với những ai mới bước vào con đường tu đạo, muốn tu lên nhanh, không bị chướng ngại, không bị ma chướng, không gặp thử thách, nghiệp chướng mau tiêu trừ, không bị chướng duyên ngăn cản tu tập, việc trước tiên nên chiêm lễ, phụng thờ ngài Địa Tạng Bồ Tát. Đầu tiên dành ra 3 năm đầu, hết lòng quy kính với Ngài, tập trung dẹp phần nghiệp, dẹp phần oan gia, dẹp luôn phần chướng ngại, trong 3 năm đó nếu thành tâm cung kính mà cảm ứng được Ngài thì trọn đời bạn Ngài sẽ gia hộ cho việc tu tập suôn sẻ không bị chướng duyên, oan gia trái chủ, hay nghiệp chướng não hại. Sự thật là nếu bạn có nghiệp Ngài sẽ gánh thay bạn luôn . Sau 3 năm (có thể ngắn hơn) khi nhận được cảm ứng của Ngài rồi bạn có thể tu thêm những Pháp môn khác. Ngài được nhắc rất nhiều trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Thời gian đầu khi mới thành đạo, Đức Phật thuyết về các Kinh Tiểu thừa về nền móng căn bản của sự tu hành, và lập ra Tăng đoàn để dẫn dắt những chúng sanh căn cơ còn yếu kém, cho họ có nền móng, đạt được sự lợi ích như ý của họ mong muốn. Sau đó Ngài dần dần dẫn dắt họ đến với các Kinh điển đại thừa.
Pháp hội thuyết Kinh Địa Tạng là Pháp hội đặc biệt lớn nhất trong 49 năm Đức Phật thuyết Pháp, và là Pháp hội lớn nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì trong pháp hội tập hợp tất cả mười phương hiện tại, quá khứ, vị lai, tất cả chư Phật, tất cả chư đại Bồ Tát không thiếu một vị nào, một pháp hội vô cùng Thù Thắng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Pháp tại cung trời Đao Lợi vì nhớ đến Mẫu Thân ngài, và để báo ơn Mẫu Thân của Ngài đang ở cung trời Đao Lợi, đã nói lên lòng hiếu thảo cũng là nói lên ý nghĩa của bộ Kinh này, và nói lên đức hạnh của bộ Kinh này. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện giảng dạy rộng về bổn nguyện của ngài, tức là hạnh nguyện của ngài Địa Tạng Bồ Tát đã phát ra từ nhiều đời nhiều kiếp, từ lúc ngài còn đang làm phàm phu. Để chúng ta học tập hạnh nguyện của ngài, bắt chước theo hạnh nguyện của ngài. Nói lên đức hạnh cao cả, nguyện lực vĩ đại rộng lớn của ngài, cho nên kinh này đặt tên theo bổn nguyện của ngài. Địa Tạng Bồ Tát là: nhân, bổn nguyện: là Pháp, là hạnh. Vì nhân duyên đó có tên là Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Địa Tạng Bồ Tát trong hàng Đại Bồ Tát là một vị Bồ Tát cổ nhất lâu xa nhất, lâu ra không thể tưởng tượng nổi, thời gian không thể tính đếm được. Ngài vốn trí huệ, thần thông đồng với chư Phật, có thể nói ngài đã là một vị cổ Phật, nhưng vì thệ nguyện quá rộng sâu nên Ngài vẫn chưa chịu thành Phật đó thôi!
Rất nhiều các Đức Phật thuở quá khứ cũng đều thọ ký cho ngài thành Bồ Tát cũng có khả năng là ngài sẽ không bao giờ thành Phật, vì thệ nguyện của ngài là không cùng tận, vì hư không này không bao giờ cùng tận, chúng sanh không bao giờ cùng tận, nghiệp của chúng sanh không bao giờ cùng tận, địa ngục không bao giờ cùng tận, vì số lượng quá nhiều vô lượng vô biên vô số, không có hạn lượng. Địa ngục sẽ không bao giờ trống không, ngài Địa Tạng Bồ Tát sẽ là vị phật cuối cùng nếu ngài có thể thành Phật, ngài chờ tất cả chúng sanh trong hư ko vũ trụ này thành Phật hết tất cả rồi ngài mới thành Phật . Vì lòng đại từ bi, vì chúng sanh chưa độ hết được, vì chúng sanh còn khổ não, nên ngài hy sinh bản thân của ngài. Đại nguyện lực của ngài quá là vĩ đại. Các vị đại Bồ Tát như ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Quán Âm…. sau khi hoàn thành thệ nguyện của mình cũng sẽ nhập niết bàn hết, chỉ còn lại một mình ngài, ngài vẫn tiếp tục cứu độ chúng sanh. Ngài hiện thân tướng Thanh Văn, thân tướng một vị Tăng, không hiện thân tướng Bồ Tát. Gần gũi với chúng sanh, một vị Thầy dẫn dắt chúng sanh, đưa chúng sanh vào con đường đạo, dẫn dắt chúng sanh thành đạo. Sự từ bi, khiêm cung của ngài không từ nào diễn tả được. chúng ta cần tinh tấn tu tập hơn, để có cơ hội được gặp ngài. Tên của ngài đặc biệt không có một vị Bồ Tát nào trùng tên với ngài, và ma vương không thể giả dạng hình dạng của ngài.
Trong kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân, phẩm Tựa có đoạn:
“…..Khi ấy, trong chúng hội, có đại Bồ Tát tên là Hảo Nghi Vấn, đứng dậy sửa y phục, trịch một vai áo, gối phải chấm đất, làm lễ chân Phật, chắp tay thưa:
– Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử này từ đâu đến đây? Ở cõi Phật nào? Cách đây gần hay xa? Thành tựu những công đức thiện căn gì mà được Thế Tôn khen ngợi? Vị ấy lại tán thán biển giáo pháp công đức bất khả tư nghì của Phật. Chúng con xưa nay chưa từng nghe thấy, nguyện xin Ngài giảng nói cho chúng con.
Đức Thế Tôn bảo:
– Thôi đi, thiện nam tử! Công đức thiện căn của ngài Địa Tạng đại sĩ này, tất cả đại chúng trời người trong thế gian đều không thể suy lường được. Nếu các ông nghe Như Lai giảng thuyết công đức thiện căn của bậc Đại sĩ này, thì tất cả đại chúng trời người trong thế gian đều mờ mịt hoặc không tin hiểu.
Khi ấy, Bồ Tát Hảo Nghi Vấn lại thưa thỉnh:
– Nguyện xin Như Lai thương xót, giảng thuyết cho chúng con!
Phật dạy:
– Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết sơ lược. Vị Đại sĩ này thành tựu vô lượng công đức thù thắng bất khả tư nghì, có thể an trụ định thù thắng Thủ-lăng-già-ma, hoàn toàn ngộ nhập cảnh giới Như Lai, đã chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn tối thắng. Đối với các pháp chư Phật đã được tự tại, có khả năng chứng đắc địa vị Nhất thiết trí, có thể vượt qua biển Nhất thiết trí, có thể an trụ định Sư-tử-phấn-tấn-tràng, có thể leo lên núi Nhất thiết trí, có thể bẻ gãy tà luận của ngoại đạo. Vì muốn giáo hóa tất cả hữu tình, nên an trụ ở tất cả cõi Phật…
– Này thiện nam tử! Giả sử có người mong cầu sở nguyện mà chí tâm quy y, xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, lễ bái, cúng dường các vị Bồ Tát thượng thủ trong vô số các đại Bồ Tát như Di-lặc, Diệu Cát Tường, Quán Tự Tại, Phổ Hiền, trải qua trăm kiếp không bằng người chí tâm quy y, xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, lễ bái, cúng dường đại Bồ Tát Địa Tạng trong một bữa ăn, sở nguyện sẽ mau thành tựu viên mãn. Vì sao? Vì đại Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, làm cho sở nguyện của các hữu tình được viên mãn như ngọc châu như ý, cũng như kho tàng. Vị Đại sĩ này vì muốn giáo hóa cho các hữu tình, nên đã từ lâu tu tập đại bi đại nguyện kiên cố, dõng mãnh, tinh tấn hơn các Bồ Tát. Do đó, các ông nên cúng dường Bồ Tát Địa Tạng…”
Thuở xưa có câu chuyện một cô gái sinh vào dòng họ hạ tiện làm tôi tớ, nhà rất nghèo biết được mình do nghiệp ác đời trước nên hết lòng sám hối niệm danh hiệu, chiêm lễ hình tượng Ngài Địa Tạng Bồ Tát trong 3 năm, sau đó thì một lần về nhà cô thấy kiến bò đầy nhà cô lật lên thì thấy rất nhiều vàng ròng, từ đó cô dùng vàng kinh doanh trở nên sung túc, thoát hẳn thân tôi tớ, sau đó có một vị đại phú hộ cũng tin theo Phật pháp được bồ tát báo mộng nên lấy cô này làm vợ, về chiều chuộng hết lòng. Rồi có rất nhiều câu chuyện các chúng sanh khi chết lâm sàng (chưa chết hẳn) thần thức bị quỷ sai đưa xuống địa ngục chịu tội, khi Diêm Vương định xét hỏi để đưa vào địa ngục thọ tội thì Ngài Địa Tạng đến, Diêm Vương vội cung kính đứng dậy, chắp tay quỳ lạy nói rằng: “Đại Thánh vì sao Ngài đến đây?”
Ngài Địa Tạng nói: “Thị Lang này là đàn việt (thí chủ/đệ tử) của tôi, Vua nên tha cho y”.
Vua nói: “Nay đã quyết định, số đã tận, thực lộc đã hết, khó mà tha thứ được”.
Ngài Địa Tạng nói: “Trước kia ta ở trên Thiện Pháp Đường ở cõi trời thứ 33, Đức Phật đã phán cho ta được cứu những định nghiệp của kẻ có tội. Từ bấy lâu nay, huống chi gã Thị Lang không phạm trọng tội, sao lại không cứu được?
Vua nói: “Đại Nguyện của Đại Sĩ vững chắc bất động như núi Kim Cương, tôi tuân theo lời chỉ thị, tha cho y trở về nhân gian”, nhờ vậy mà người đó khỏi hẳn tội địa ngục. Có người thì chỉ là cháu của một người đệ tử Ngài Địa Tạng mà đến khi chết đi Ngài cũng xin Diêm Vương cho thoát tội địa ngục. Dù cho có người chỉ có 1 lần thật lòng cung kính đảnh lễ trước hình tượng ngài hết sức, cũng được Ngài độ thoát cho khỏi hẳn tam ác đạo. Thậm chí có người cả đời thờ phụng, chiêm lễ ngài Địa Tạng, niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc chưa vào được Niệm phật Tam muội, chưa được nhất tâm bất loạn (2 điều kiện để chắc chắn vãng sanh) trước khi thọ mạng hết, ngài Địa Tạng ngài cũng báo cho biết và dùng thần thông của ngài trợ lực cho người này niệm Phật được nhất tâm bất loạn và được chắc chắn vãng sanh cực lạc.
Cho nên chúng ta có thể thấy được công đức và lợi ích của ngài Địa Tạng Bồ Tát đối với chúng sanh là không thể nghĩ bàn.
Trong thời mạt pháp Ngài Địa Tạng Bồ Tát nhận trọng trách rất lớn đó là được giao phó để thay Đức Phật giáo hóa tất cả chúng sanh sau khi Phật nhập Niết Bàn. Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy chúng ta nên tu tập như thế!
Đức Phật dặn dò chúng ta phải hết lòng cung kính, quy y theo ngài Địa Tạng để cảm ứng được ngài và được Ngài gia hộ. Đức Phật đã chỉ rõ con đường cho chúng ta đi. Trong tu tập, có một phần cung kính sẽ nhận được 1 phần lợi ích. 10 phần cung kính nhận được 10 phần lợi ích. Tu hành dựa trên lòng cung kính rất quan trọng. Và chúng ta nên hành trì niệm danh hiệu Ngài Địa Tạng Bồ Tát với lòng cung kính mỗi ngày, nếu cứ duy trì như vậy đến một ngày nào đó có thể bạn sẽ cảm đến ngài. Khi cảm ứng được Ngài rồi thì bạn vĩnh viễn sẽ chẳng còn bị đọa tam ác đạo nữa !
Nhân Sinh Cảm Ngộ
NAM MÔ ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT