Khéo tích công bồi đức

Lộ trình tu tập của người đệ tử Phật là chuyển nghiệp và hướng đến dứt nghiệp. Chuyển nghiệp là pháp tu căn bản, nỗ lực chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý từ xấu ác sang hiền thiện.

Dứt nghiệp là pháp tu chuyên sâu, thanh tịnh ba nghiệp nhằm vượt thoát sinh tử luân hồi, chứng đắc các Thánh quả ngay trong đời này.

Nền tảng của quá trình ấy là tích công bồi đức. Mỗi người phải tự tu sửa thân tâm để thiện pháp ngày càng tăng trưởng, ác pháp ngày càng vơi bớt đi. Nhằm vun bồi công đức, theo Thế Tôn, người tu cần làm chủ sáu căn, tiết độ trong ăn uống, nhất là sự tinh cần tỉnh giác tu tập thiện pháp.

Người Phật tử cần khắc ghi những lời Phật dạy, gieo trồng phước đức hằng ngày để tạo thiện nghiệp đồng thời xóa bỏ những nghiệp ác (nếu có)...

Người Phật tử cần khắc ghi những lời Phật dạy, gieo trồng phước đức hằng ngày để tạo thiện nghiệp đồng thời xóa bỏ những nghiệp ác (nếu có)…

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:

– Thí như cái chày gỗ thường dùng không thôi, lâu ngày mòn dần. Cũng vậy, Tỳ Kheo! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn từ trước đến nay không đóng chặt các căn, ăn uống không biết chừng mực, đầu đêm cuối đêm không tinh cần tỉnh giác tu tập thiện pháp; nên biết hạng người này trọn ngày bị tổn giảm, thiện pháp không tăng, như cái chày gỗ kia.

– Này các Tỳ Kheo, thí như cây ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đâu, phân-đà-lợi mọc ở trong nước, lớn lên trong nước, theo nước tăng trưởng. Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn nào khéo đóng các căn môn, ăn uống biết chừng mực; đầu đêm cuối đêm tinh cần tỉnh giác, công đức thiện pháp ngày đêm tăng trưởng. Cần phải học như vậy.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1261).

Phước đức của mỗi người được tạo ra từ những nhân lành từ trong ý nghĩ đến hành động...
Phước đức của mỗi người được tạo ra từ những nhân lành từ trong ý nghĩ đến hành động…

Trong pháp thoại này, Thế Tôn dùng hai ảnh dụ, đó là hình ảnh chiếc chày gỗ dùng để giã gạo lâu ngày bị hao mòn để chỉ cho sự tổn giảm phước đức, và hình ảnh các loài cây sống trong nước, nước lên tới đâu thì mọc theo tới đó để chỉ cho sự thăng hoa tiến đạo.

Thế nên, tích lũy công đức phước báo là việc cần làm mỗi ngày. Mà việc ấy không phải ở đâu xa, ngay trong đời sống thường nhật. Khi các giác quan tiếp xúc vời trần cảnh, như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng…khéo làm chủ thân tâm, không bị những cảm xúc ghét thương chi phối. Tốt nhất là ngay nơi cái thấy chỉ là cái thấy, ngay nơi cái nghe chỉ là cái nghe. Khá hơn là phải biết làm chủ, tâm ý có thương ghét thì dừng lại, đừng để cảnh trần xâm chiếm và dắt dẫn mình.

Phước đức rất quan trọng đối với mỗi người....vì vậy người Phật tử nên chú ý khéo tích công bồi đức cho bản thân và cho cả gia đình...

Phước đức rất quan trọng đối với mỗi người…vì vậy người Phật tử nên chú ý khéo tích công bồi đức cho bản thân và cho cả gia đình…

Chuyện uống ăn cũng vậy. Tự vấn và dặn lòng ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Ăn uống những gì cơ thể cần sẽ tốt hơn ăn uống những gì miệng mình thích. Sự sang trọng và cầu kỳ trong ăn uống là sở thích của nhiều người nhưng đừng quá lệ thuộc. Tùy duyên với sự uống ăn là tâm thái cần có để thảnh thơi. Mặt khác, bệnh từ miệng mà vào, nên cần tỉnh giác để làm chủ sự ăn uống sẽ có sức khỏe mà tự tại thong dong hơn.

Đặc biệt là luôn tinh cần tỉnh giác tu tập các thiện pháp. Sự chú tâm và tỉnh giác trước hành vi, lời nói và suy nghĩ của mình. Nhờ tỉnh giác nên thấy rõ việc ác thì không làm, điều thiện thì gắng làm. Đây chính là cơ sở để tích lũy phước báo và trau dồi công đức. Nếu nỗ lực làm được như vậy thì chúng ta có thể chuyển được nghiệp. Nghiệp do chúng ta liên tục tạo ra trong đời sống hàng ngày. Chuyển nghiệp cũng phải bắt đầu từ đây. Nhờ kiên trì và tinh tấn chuyển nghiệp thì phước đức sẽ tăng tiến từng ngày. Người có thiện căn sẽ từ đây mà hướng đến dứt nghiệp, thành tựu giải thoát ngay trong hiện đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *