Người đời thường căn cứ vào tuổi đời, địa vị xã hội, vai vế trong dòng tộc để phân định thứ bậc lớn nhỏ, vị trí cao thấp. Người tu thì căn cứ vào tuổi đạo, ai vào đạo trước (thọ giới trước) thì người đó lớn, đi trước, ngồi trên; ai vào sau thì nhỏ nên đi sau, ngồi dưới. Lệ thường là thế, song kỳ thực, tuổi đạo lớn hay nhỏ cũng không phải là vấn đề, quan trọng là vị ấy có giới đức phạm hạnh hay không.
“Một thời Tôn giả Đại Ca-chiên-diên dạo đến nước Bà-na, ở bên bờ ao sâu cùng với chúng năm trăm Đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ Tôn giả Ca-chiên-diên danh vang khắp bốn phương. Trưởng lão Bà-la-môn Gian-trà đang du hóa ở đây. Lúc ấy Bà-la-môn nghe Tôn giả Ca-chiên-diên cùng năm trăm Tỳ-kheo du hóa bên ao này, nghĩ rằng: ‘Tôn giả trưỡng lão công đức đầy đủ, nay ta có thể đến thăm hỏi Tôn giả’.
Bấy giờ Bà-la-môn Thượng Sắc đem năm trăm đệ tử đến chỗ Tôn giả Ca-chiên diên, thăm hỏi nhau xong, ngồi một bên. Lúc ấy, Bà-la-môn kia hỏi Tôn giả Ca-chiên-diên:
– Như Ca-chiên-diên đây không hành đúng pháp luật. Là Tỳ-kheo trẻ tuổi mà chẳng chịu làm lễ các bậc cao đức Bà-la-môn của chúng tôi.
Tôn giả Ca-chiên-diên nói:
– Bà-la-môn nên biết, Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác thuyết hai địa vị này. Thế nào là hai địa vị? Một là địa vị già cả, hai là địa vị trai tráng.
Bà-la-môn hỏi:
– Thế nào là địa vị già cả? Thế nào là địa vị trai tráng?
Ca-chiên-diên đáp:
– Cho dù, này Bà-la-môn, người ở tuổi tám mươi, hay chín mươi, không dừng được dâm dục, làm các hạnh ác. Này Bà-la-môn, đây là người tuy có thể bảo là già, mà nay ở địa vị trai tráng.
Bà-la-môn hỏi:
– Thế nào là tuổi trai tráng mà ở địa vị già cả?
Ca-chiên-diên đáp:
– Bà-la-môn, nếu có Tỳ-kheo độ hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi tuổi. Người ấy chẳng tập quen dâm dục, cũng chẳng tạo hạnh ác. Đó là, Bà-la-môn, trai tráng mà ở địa vị già cả.
Bà-la-môn hỏi:
– Trong đại chúng này có một Tỳ-kheo không hành dâm dục, chẳng tạo ác hạnh không?
Ca-chiên-diên đáp:
– Trong đại chúng này không có một Tỳ-kheo nào tập dục, làm ác cả.
Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng lên, lạy các Tỳ-kheo mà nói:
– Nay các ông tuổi niên thiếu mà ở địa vị già cả, còn tôi tuổi già mà ở địa vị niên thiếu.
Bấy giờ Bà-la-môn kia đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên cúi lạy và tự trình bày:
– Nay con xin quy y Tôn giả Ca-chiên-diên và Tỳ-kheo Tăng, suốt đời không sát sanh…”.
Cuộc đối thoại giữa Tôn giả Ca-chiên-diên và Bà-la-môn Thượng Sắc cho thấy, trong nhà đạo, phẩm vị cao thấp của một người dựa trên đạo đức, phạm hạnh của chính vị ấy. Cụ thể, “không hành dục, chẳng tạo ác hạnh” là cơ sở để xác định “địa vị già cả” của vị Sa-môn, xuất sĩ trong hội chúng. Ngược lại, người thiếu phạm hạnh, giới đức khiếm khuyết thì dù là gì đi nữa cũng chỉ ở “địa vị niên thiếu” mà thôi.
Liên hệ đến thực tế sinh hoạt Tăng-già trong xứ ta hiện nay, dường như chúng ta đang quá chú trọng về chức vụ. Người có chức vụ càng cao trong Giáo hội thì mặc định là có “địa vị già cả”, ngồi trên, đi trước. Vẫn biết, vì sự việc có tính “hành chánh” nên phải phương tiện như vậy. Vấn đề là, nương theo phương tiện mãi nên không ít người nhầm tưởng đó là cứu cánh (là ‘thiếu niên’ mà cứ nghĩ mình ‘già cả’). Đâu biết, cái hình thức mà mọi người đều biết ấy cần liên hệ với cái nội dung của riêng mình để hổ thẹn, tàm quý mà tự xác định địa vị của mình trong chúng Tăng.
Nhà đạo có câu “Chân thật bất hư”. Danh không xứng với thực thì chỉ là hư danh. Giới đức, phạm hạnh mới thật sự là nền tảng của phẩm vị trên, trước trong Tăng-già. Nhất là phẩm vị ấy phải được chúng Tăng thẩm sát, đánh giá rồi bình chọn và suy tôn mới thực sự giành được sự tôn trọng và quy ngưỡng trong bốn chúng.