Hiện nay, tại các tự miếu, chùa chiền đa phần đều hướng Phật tử chuyên tu phước thiện. Hầu như tháng nào cũng có vài chuyến từ thiện, đem những vật phẩm cần thiết đến những nơi nghèo khó mà cứu giúp. Điều này thật sự rất tốt, vì qua đó Phật tử có nhiều cơ hội gây tạo phước điền cho mình, và đem lại sự an vui cho người khác. Theo lý, đáng lẽ ra họ phải có cuộc sống như ý, hạnh phúc mới đúng, vì họ đã gieo nhân thiện thì tất phải gặp quả thiện. Nhưng tại sao cuộc đời họ vẫn cứ luôn trắc trở, khó khăn, kinh tế chẳng mấy cải thiện, gia đình chẳng được an vui? Đây đều là do tổn mất phước báo mà đưa đến. Tại sao lại tổn phước? Cổ Đức có câu:
– “Đa phần mọi người rất thích tu phước thiện, hằng ngày rất siêng năng làm lành cứu giúp người khác. Nhưng phước đức tu được bao nhiêu, thì đều bị cái miệng nó đốt hết cả”.
Lời nói này chẳng ngoa chút nào. Du Tịnh Ý Công năm xưa cũng như vậy, cho nên cuộc đời ông cứ luôn lao đao lận đận, nghèo khó. Táo Thần nói cho ông biết một trong những tác nhân gây tổn phước báo của ông, đó chính là vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt:
– “Nói đến vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ngươi hãy nghe cho kỹ. Ngươi gặp người thì nói lời người, gặp ma thì nói lời ma. Còn gặp những việc không có lợi, thì ngươi không vừa ý, chanh chua cay nghiệt, châm biếm người ta chính là đặc tính của ngươi. Nhìn thấy cái gì có lợi cho mình thì trổ tài hết lòng bợ đỡ. Vì ngươi có tài ăn học, nên rất biết dùng lời nói Thánh Hiền, làm cho mọi người đều bị ngươi qua mặt”.
Những lời Táo Thần nói với Du Tịnh Ý Công giống như một đòn giáng vào sau ót chúng ta vậy, khiến cho ta quay đầu mà giựt mình kinh sợ. Ngày ngày, những chuyện mà chúng ta nói đó, có phải cũng giống như Du Tịnh Ý Công gặp người nói lời người, gặp ma nói lời ma, luôn thốt những lời chanh chua cay nghiệt khi mình không vừa ý hay không? Đây là điều rất đáng để chúng ta phản tỉnh mà nhìn lại chính mình, từ đó mới có thể quay đầu sám hối.
Nói đến ác khẩu, lưỡng thiệt, thêu dệt, vọng ngữ, bốn thứ này đều thuộc về phạm vi của giới Không Nói Láo. Tại sao, Phật lại đưa giới luật này vào trong 5 giới căn bản mà người Phật tử cần phải giữ gìn? Vì nếu phạm phải, khi còn sống phải chịu những quả báo nhất định như: mất uy tín, tổn mất âm đức và phước đức…Đến khi chết đi tất phải đọa vào địa ngục, sau khi mãn hạn địa ngục nếu may mắn được làm người, thì phải chịu các bệnh tật về miệng như: môi sứt, răng hô, răng súng, miệng hôi, nói ngọng, câm điếc….
Chúng ta phải biết rằng, phước đức dễ tu nhưng cũng dễ mất. Do đó, để những phước báo mà chúng ta tu được đó được trọn vẹn, thì cần phải khéo giữ lấy khẩu nghiệp của chính mình. Trong cuộc sống hằng ngày, trong giao tiếp cần phải dè chừng lời nói, phàm cái gì dù có lợi cho mình mà dẫn đến nói láo, nói ác khẩu, nói lưỡng thiệt, nói thêu dệt thì quyết không nói. Cho dù, chỉ là nói chuyện chơi qua lại cũng phải giữ cho khẩu nghiệp của mình được đoan chánh, thanh tịnh. Không nên nghĩ rằng chỉ là nói chơi nên chẳng sao rồi mặc tình phóng túng muốn nói gì thì nói, chẳng biết dè chừng. Có như vậy, thì chúng ta mới có thể tự cầu đa phước cho chính mình.
A Di Đà Phật!