Phước ảnh hưởng thời niên thiếu rất nhiều. Nên thời niên thiếu là thời gian chuẩn bị công đức cho thời trưởng thành.
Ví dụ, một người đã qua thời niên thiếu, lớn lên phải đi làm nuôi bản thân, nuôi gia đình và đóng góp công sức xây dựng xã hội. Nếu người có phước thì thành đạt, không phước thì vất vả. Đó là nhân quả công bằng.
Vì lý do này mà chúng tôi thường xuyên khuyên các bậc cha mẹ phải biết tạo điều kiện cho con làm điều phúc thiện. Đừng để con hưởng thụ mọi điều sung sướng, bởi sự hưởng thụ luôn đốt dần cái phước của chúng. Khi phước hết, đến lúc phải bước ra bươn chải với đời, chúng sẽ không có nhiều cơ hội may mắn. Cha mẹ thương con phải thương trong đạo lý mới là khôn ngoan.
Nhiều bậc cha mẹ đã cho con mình hưởng thụ quá sớm. Khi đứa trẻ đòi hỏi có được chiếc xe gắn máy phân khối lớn hoặc chiếc áo hàng hiệu mắc tiền, họ sẵn sàng chi tiền ra sắm sửa cho con. Họ không biết rằng qua nhiều lần như vậy, chính mình đang đẩy con vào chỗ hết phước.
Chúng tôi gặp một người như vậy. Gặp lúc anh đang sửa xe đạp, anh kể chuyện quá khứ. Năm mười chín tuổi, anh đã có xe hơi, nhà anh rất giàu, anh đã từng sống rất sung sướng. Còn hiện giờ làm thợ sửa xe. Từ bé đến lớn, anh đã được cung phụng quá nhiều mà không hề gây tạo thêm phước.
Nếu cha mẹ anh biết được nhân quả, thay vì để con thụ hưởng, họ sẽ hướng dẫn con sống đời vị tha và siêng năng phụng sự. Các bậc cha mẹ hãy suy nghĩ rằng nếu mình thất cơ lỡ vận rồi không còn tiền để chu cấp cho con, hoặc ta không may mất sớm, những đứa con cũng đã hưởng cạn cái phước của chúng thì cuộc đời chúng sẽ đi về đâu? Vì thế, việc tìm mọi cơ hội để cho con làm phước là trí tuệ của những bậc cha mẹ.
Cơ hội để làm phước là gì? Ví dụ trước khi cho con số tiền quà sáng trong tháng, một người cha nói với đứa con: “Cha thấy báo chí có đăng những bài viết về các trường hợp neo đơn, mồ côi cần được giúp đỡ, hoặc trường hợp những chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc nhưng gia đình các chú rất khó khăn. Tháng này cha sẽ cho con 300 nghìn đồng, con nghĩ có nên trích bớt tiền để giúp đỡ họ hay không?” Anh gợi ý để con mình tự phát tâm làm phước bằng số tiền của nó. Suy nghĩ một lát, đứa trẻ đồng ý trích bớt 50 nghìn. Tiếp theo, anh khuyến khích trẻ tự bỏ tiền vào bao thư gửi đến tòa soạn nhờ chuyển tiền đi. Như vậy, cha mẹ sẽ phải vất vả một chút khi giải thích, thuyết phục, bản thân trẻ cũng phải hy sinh nhịn đi chút ít quà vặt, nhưng tâm hồn chúng sẽ được xây cho thuần lương hơn.
Sự vị tha này phải được huân tập dần dần. Ban đầu, ta tập cho trẻ nhường cho người anh em mẩu bánh mì, tiếp đến trích bớt 50 nghìn đồng tiền quà sáng dành tặng người nghèo khó neo đơn… thì khi lớn lên chúng mới dám ngắt ra năm, bảy mươi triệu để làm phước.
Khi trẻ đã có thói quen san sẻ quyền lợi của mình cho những người khó khăn, ta có thể yên tâm rằng tâm hồn và cả cuộc sống của chúng cũng sẽ tốt lên dần dần, không chỉ kiếp này mà còn kéo dài qua đến những kiếp sau. Đó là cách dạy con của bậc cha mẹ khôn ngoan. Có lúc họ nghiêm khắc dùng đòn roi, có khi kiên nhẫn gợi ý, thuyết phục để trẻ tự phát tâm hành thiện.
Trích sách: Đạo Phật và xã hội – TT. Thích Chân Quang.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT