“Phi thời”: không hợp thời.
Trong thực tế, có trường hợp người thiện gặp ác báo, và ngược lại người ác lại gặp thiện báo – điều nầy làm cho một số người sanh ra nghi ngờ sự công bình của luật nhơn quả. Thật ra, họ phải hiểu rằng luật nhơn quả hoạt động xuyên qua nhiều kiếp người, nên đôi khi thấy có vẻ nghịch lý. Đó là vì việc thiện đời nầy có khi không đủ để bù trừ việc ác trong quá khứ, nên quả ác vẫn tới, nhưng nhẹ hơn – ngược lại việc ác đời nầy không đủ để triệt tiêu việc lành trong quá khứ nên quả thiện vẫn hiện ra, tuy bị suy giảm.
Có lần Đức Phật hỏi ngài A-nan: “Một số ngưới suốt đời hành thiện nhưng khi chết lại bị đọa địa ngục; trái lại có người suốt đời làm ác nhưng khi chết lại được sanh cõi trời. Con có biết lý do tại sao không?” Ngài A-nan trả lời: “Bậc đại sư tôn quý, xin Ngài hãy giải thích lý do cho chúng con”. Đức Phật bảo: “Người lành bị đọa địa ngục là vì việc thiện đời nầy chưa kết trái trong khi ác báo từ đời trước đã trổ quả. Ngược lại người ác được sanh thiên là vì việc ác đời nầy chưa kết trái trong khi quả thiện từ đời trước đã chín muồi. Thiện nghiệp và ác nghiệp ảnh hưởng lẫn nhau trong nhiều đời, trước khi chúng trổ quả. Cũng như món nợ nào quan trọng phải được trả trước. Do đó, người tu hành phải siêng năng thường ngày, không được lơ là hay biếng nhác.”
Người tu thường phải đối mặt với ba chướng ngại: chướng ngại do nhiễm ô, chướng ngại do nghiệp xấu và chướng ngại do quả báo – trong đó chướng ngại do nghiệp là nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, khi y mới bắt đầu tu thì thường không có gì xảy ra, nhưng khi càng tu thì càng gặp nhiều chướng ngại. Đó là bởi vì đa số chúng ta, sống trong thời Mạt pháp nầy, có rất nhiều nghiệp chướng – nếu không thì chúng ta đã sanh vào thời Tượng pháp hay Chánh pháp rồi. Tuy nhiên, không phải vì tu hành nên làm cho chướng ngại nổi lên – mà bởi vì có hiện tượng gọi là “Chuyển nghiệp”: nghiệp nặng biến thành nghiệp nhẹ, nghiệp tương lai trở thành nghiệp hiện đời (cho trả nợ sớm hơn), Giả sử như ta có 10 phần nghiệp ác, do tu hành nên giảm được 7, chỉ còn có 3. Và thay vì sẽ phải trả nghiệp đó (10 phần) trong tương lai, nhờ tu hành nên chỉ phải trả nghiệp nhẹ (3 phần) trong hiện đời – nhờ đó mà ta có thể sớm được giải thoát. Thí dụ như Đại luận sư Giới Hiền trong một kiếp trước là vị quốc vương đã gây nhiều cuộc chiến tranh để chinh phục các nước láng giềng. Do nghiệp sát sanh quá nặng, ngài sẽ phải đọa địa ngục khi thiện báo làm người kiếp nầy chấm dứt. Tuy nhiên, nhờ Đại sư tinh tấn tu hành và hoằng truyền Chánh pháp, nên nghiệp ác địa ngục chuyển thành những cơn động kinh hằng ngày, làm cho Đại sư cảm thấy như bị nhiều đao thương đâm chém vào cơ thể. Sự đau đớn kinh hoàng nầy kéo dài đến hai năm, trước khi chấm dứt. Xem thêm “Giới Hiền luận sư.”