Ước nguyện phải là hạnh nguyện mới mong thành tựu

Ước nguyện mà không gia trì bằng hạnh nguyện thì chỉ là mơ ước suông, là vọng tưởng. Mọi công đức, phước báo phát sinh trên đường tu đều nhờ công năng tu tập Giới – Định – Tuệ một cách tinh chuyên.

“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có một Tỳ-kheo sống cô độc tại một nơi xa vắng, ẩn dật ở chỗ yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý nghĩ: ‘Đức Thế Tôn thăm hỏi ta, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta nghe để được giới Cụ túc mà không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh’. Sau khi suy nghĩ như vậy rồi, vị Tỳ-kheo ấy liền từ chỗ thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Đức Phật. Đức Thế Tôn nhìn thấy vị Tỳ-kheo ấy từ xa đi đến, nhân nơi Tỳ-kheo ấy, Ngài bảo các vị Tỳ-kheo:

– Các ngươi hãy ước nguyện rằng: ‘Đức Thế Tôn thăm hỏi ta, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta nghe’. Vậy hãy thành tựu giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

– Này Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Ta có thân tộc. Mong sao kia nhờ ta mà khi thân hoại mạng chung chắc chắn họ được lên chỗ lành, sanh vào cõi trời’. Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

– Này Tỳ-kheo, hãy ước nguyện rằng: ‘Các thí chủ cung cấp cho ta y phục, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, đủ mọi thứ để nuôi thân. Mong cho kia nhờ sự bố thí này mà có nhiều công đức, có đại quang minh, được nhiều phước báo’. Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Nhân, kinh Nguyện, số 105 [trích])

Người tu vốn không mong cầu nhiều, luôn thực hành muốn ít và biết đủ nhưng cần phải có ước nguyện tu tiến và nhất là hoài bão độ sinh. Ước nguyện của người tu dĩ nhiên là chính đáng: Mong cho con giữ gìn giới được trọn vẹn, giới pháp đã thọ không bị khiếm khuyết, sứt mẻ hay vỡ vụn. Mong cho con tinh tấn thiền định, tâm vượt qua những chướng ngại của triền cái để sớm thành tựu chánh định. Mong cho con thành tựu các pháp thiền quán, phát huy tuệ giác để luôn thấy rõ sự thật khổ, vô thường, vô ngã của các pháp. Mong cho con có một trú xứ thuận lợi cho việc tu tập cũng như hoằng hóa độ sinh.

Tất cả những ước nguyện, các phước báu trong đời tu đều nhờ vào hạnh nguyện tu tập Giới – Định – Tuệ mà thành tựu. Trong pháp thoại, những ước nguyện như mong sao: ‘Đức Thế Tôn thăm hỏi ta, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta nghe’, mong sao ‘Ta có thân tộc. Mong sao kia nhờ ta mà khi thân hoại mạng chung chắc chắn họ được lên chỗ lành, sanh vào cõi trời’, mong sao ‘Các thí chủ cung cấp cho ta y phục, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, đủ mọi thứ để nuôi thân. Mong cho kia nhờ sự bố thí này mà có nhiều công đức, có đại quang minh, được nhiều phước báo’… đều rất chính đáng. Ước nguyện xong, Thế Tôn liền chỉ bày giải pháp, đó là ‘Vậy hãy thành tựu được giới Cụ túc và không phế bỏ thiền định, thành tựu quán hạnh, ở nơi không tịnh’.

Khi Thế Tôn còn tại thế, các đệ tử có ước nguyện, Ngài không hề dùng thần thông để đáp ứng mà chỉ cho giải pháp thực hành Giới – Định – Tuệ. Hai mươi sáu thế kỷ sau, vẫn còn người cầu xin Đức Phật nhiều điều, chắc chắn Ngài cũng chứng minh và gia hộ bằng cách chỉ dạy thực hành Giới – Định – Tuệ. Bởi lẽ, thực hành Giới – Định – Tuệ thì phước báo và công đức từng bước tăng lên, tam học càng đầy đủ thì phước đức càng sung mãn.

Mới hay, ước nguyện mà không gia trì bằng hạnh nguyện thì chỉ là mơ ước suông, là vọng tưởng. Mọi công đức, phước báo phát sinh trên đường tu đều nhờ công năng tu tập Giới – Định – Tuệ một cách tinh chuyên. Ngay cả khi vô tâm, không mong ước gì, nếu tinh cần tu tập Giới – Định – Tuệ thì mọi việc đều thuận duyên hơn, phước và trí luôn sung mãn.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *