Trong kinh Trung A-hàm, Phật nói “người thấy được nhân duyên là thấy pháp”, có chỗ khác lại nói “thấy được nhân duyên là thấy đạo”. Đạo là chân lý, thấy được lý nhân duyên là thấy được chánh pháp, thấy được lý nhân duyên là thấy được chân lý. Muôn vật do nhân duyên sanh mà chúng ta không thấy, không biết, đặt nó thế này thế kia, để rồi sống một cách mù quáng, bất công. Giờ đây chúng ta biết tất cả đều là nhân duyên, không có gì cố định hết. Nhiều người thắc mắc, nếu tất cả do duyên sanh không thật, thì sống ở giữa đời này làm sao vui được? Thấy thân không thật chán chết, còn làm gì được nữa. Thôi thì ngồi tréo cẳng nhịp đùi thổi sáo chơi, chờ tới ngày chết. Hoặc cứ buồn dàI dàI hoài. Đó là hiểu nhân duyên một cách nông cạn.
Nhà Phật nói lý nhân duyên là nói lẽ thật. Lẽ thật ấy sẽ đưa chúng ta tới một lợi ích lớn lao. Ví dụ như có một thau nước, nó không mãi mãi là nước mà sẽ đổi thay tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân duyên. Nếu thau nước để với nhiệt độ trung bình, thì trước sau nó vẫn là nước. Nếu chúng ta muốn nước bốc thành hơi thì phải tạo duyên nóng để nó bay lên, tức phải nổi lửa đốt cho nó bốc hơi. Như vậy từ một thau nước có thể biến thành hơi. Rồi chúng ta muốn nước nó thành khối thì phải làm lạnh, bằng cách để nó vào tủ lạnh, nó sẽ thành khối nước đá. Rõ ràng thau nước ấy không cố định là nước mãi mãi. Nó tùy duyên khi ở thể lỏng, khi ở thể hơi, khi ở thể đặc.
Hiểu được lý nhân duyên rồi, chúng ta là chủ tạo điều kiện cho mọi vật theo ý muốn của mình. Do đó nhà Phật nói chúng ta có thể chuyển nghiệp xấu thành tốt, chính là nhờ lý nhân duyên này. Chúng ta có thể biến mình từ một con người tầm thường trở thành cao thượng. Ngược lại cũng có thể biến mình từ một con người tốt đẹp thành con người sa đọa. Muốn thành người cao thượng, chúng ta phải gần thầy lành, bạn tốt, gần những vị tu hành, có lời nói hiền lành, cuộc sống thanh tịnh. Nếu muốn thành người xấu, thì chơi với mấy người ghiền xì ke ma tuý, những kẻ trộm cắp, người trà đình, tửu điếm. Con người nếu tạo duyên tốt thì tiến lên tốt, tạo duyên xấu thì lùi xuống xấu.
Hiểu được lý nhân duyên ta mới cố gắng vươn lên, không hiểu lý nhân duyên chúng ta sẽ không thể tự cải thiện đời sống của mình, vì nghĩ việc gì cũng do trời Phật sắp đặt. Từ đó chúng ta có bệnh yếu đuối nhu nhược, chỉ biết nương tựa bên ngoài, mà không biết phấn đấu vươn lên. Ngoài ra hiểu được lý nhân duyên, chúng ta không còn chấp ngã cuồng dại. Trái lại chúng ta có quyền lực tạo dựng cuộc sống cho chính mình, tạo dựng theo sở nguyện của mình. Bởi vậy người thấy được lý nhân duyên, ứng dụng vào cuộc sống rất công bằng, rất hợp lý.
Hiện nay các nhà khoa học chế biến được những máy móc tinh vi hay đồ dùng đẹp đẽ, đều ứng dụng lý nhân duyên. Đó là lẽ thật. Vì như tất cả chúng ta đều biết khi phân tích con người, ai cũng hiểu thân này do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp thành. Nếu nhìn theo y học bây giờ, con người có thể phân tích ra thành rất nhiều chất. Thiếu những chất ấy thân này sẽ sanh bệnh. Vì thế khi biết thân mình thiếu chất gì người ta bồi bổ thêm chất ấy. Phân tích cho tới cuối cùng, con người có trăm ngàn muôn ức tế bào. Những tế bào đó có chức năng riêng, mỗi thứ đều có công việc riêng của nó. Tìm cho thật kỹ, con người có phải là một không? Không phải là một, cũng không phải cố định. Bởi không phải một, không phải cố định nên Phật nói vô ngã. Vô ngã là không có cái Ta chủ, chỉ có duyên hợp, nên cái Ta này luôn chuyển biến.
Như quí Phật tử muốn đời này mình là người tốt, đời sau tốt hơn, được lên thiên đường thì sao? Phải giữ năm giới hoặc tu Thập thiện. Cũng như một người đang yếu, nếu yếu nữa là bệnh, bây giờ người muốn trở thành mạnh, họ phải làm sao? Phải bồi bổ. Nếu đang yếu vừa phải, không bổ dưỡng mà còn sử dụng thân quá sức, tới lúc kiệt quệ, không còn dùng nó được nữa. Rõ ràng, chúng ta thêm duyên tốt thì nó chuyển thành tốt, không thêm duyên tốt mà lại bớt, thì nó trở thành xấu. Cho nên muốn lên thiên đường hay xuống địa ngục, là quyền của ta. Ai bắt mình xuống địa ngục, ai kéo mình lên thiên đường được? Người tạo duyên tốt được lên thiên đường, kẻ tạo duyên ác bị xuống địa ngục. Vậy thôi.
Trích “Bản ngã là gốc của khổ đau” trong “Phật pháp tại thế gian”
HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ