Trong thiền lắng nghe, thiền sinh có thể dõi theo bất kỳ âm thanh nào phát ra xung quanh mình. Cách này giúp ta dễ dàng thực tập dù ở bất kể nơi đâu hay lúc nào.
Theo Thầy Yongey Mingyur Rinpoche, một vị sư của Phật giáo Tây Tạng, rằng chúng ta có thể áp dụng cách này khi nghe nhạc. Lắng nghe âm nhạc cổ điển cũng được xem như là một cách để quan sát cảm xúc của tâm mình.
Khi chú tâm lắng nghe những bản nhạc của Sergei Rachmaninoff, Ludwig van Beethoven hay những nhạc sĩ khác, chúng ta có thể quan sát được nhiều dòng cảm xúc gợi lên trong tâm. Ngài Mingyur Rinpoche giải thích: Khi chú tâm vào những dòng xúc cảm này, xúc cảm sẽ không còn lực cuốn chúng ta theo nữa (tự cảm xúc sẽ tan). Bằng phương pháp này, chúng ta có thể học cách chú tâm vào nó mà không cần phải cố gạt bỏ hay bám theo.
Bạn thực hành thiền nghe như thế nào? Chúng ta chỉ cần lắng nghe âm thanh. Nếu bạn biết bạn đang nghe âm thanh, đó là thiền. Thông thường, bạn không nhận biết là bạn đang nghe vì tâm của bạn bị cuốn theo dòng âm thanh đang phát. Nhưng khi bạn biết mình đang nghe, tâm của bạn không bị lạc mất. Theo cách này, bạn có thể thưởng thức âm nhạc và thiền cùng một lúc.
Bạn không cần lo là mình phải nhận biết việc mình có lắng nghe hay không. Đừng kiểm soát quá nhiều. Chỉ cần đôi tai và tâm của bạn cùng nhau lắng nghe, âm thanh và âm nhạc trở thành đối tượng của thiền. Điều đó rất có ích cho tâm loạn động như con khỉ điên đang nhảy nhót, vì bạn đang cho nó một công việc. Thông thường tâm lăng xăng cho chúng ta công việc, nhưng khi bạn chủ động cho tâm ấy một công việc, thì bạn trở thành ông chủ của nó.
Sau đây là cách thực tập. Đầu tiên, bạn thả lỏng cơ thể và cố gắng giữ cho cột sống thẳng. Hãy thư giãn và buông bỏ tất cả những lo lắng muộn phiền. Chỉ cần tâm ở trong cơ thể của bạn; tâm đến với từng cơ quan trong cơ thể bạn, tâm lấp đầy cơ thể bạn, và cứ thư giãn như thể bạn vừa hoàn thành một bài tập thể chất. Bạn ngồi trên chiếc ghế với tư thế thoải mái nhất, hít thở một hơi thật mạnh và dài. Từ tư thế thoải mái này, bạn bắt đầu lắng nghe nhạc. Đừng cố gồng lắng nghe, đơn giản chỉ cần để tâm tới âm thanh đang phát. Giữ tâm chánh niệm với âm thanh đang phát trong khoảng thời gian lâu là điều khó, thậm chí có thể chỉ được vài giây rồi tâm của bạn lại lang thang. Vậy cũng được rồi. Nghe lại một lần nữa. Bạn cứ thực tập trong khoảng thời gian ngắn như vậy, và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn có rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc, đó là tâm loạn động như con khỉ điên của bạn. Nhưng tâm viên ý mã ấy không phải là vấn đề. Vấn đề là cách bạn đối xử với nó. Chúng ta thường có hai cách đối xử với vọng tâm. Cách thứ nhất: bạn đang nghe theo tâm loạn động ấy và tin vào những gì nó nói. Nếu loạn tâm nói không tốt, bạn tin rằng nó không tốt. Điều đó dẫn đến sự tức giận, sợ hãi, ghen tị, hoang mang, và nhiều hơn thế nữa. Cách thứ hai: bạn ghét cái tâm lăng xăng đó, bạn chiến đấu với nó. Nếu bạn có sự tức giận, bạn đang chiến đấu với cơn giận. Nhưng bạn không thể đánh bại cơn giận bằng cách chiến đấu. Nếu bạn chiến đấu với cái tâm nhảy nhót như con khỉ điên rồ kia, nó sẽ trở thành kẻ thù của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn lắng nghe nó, bạn sẽ trở thành ông chủ của nó.
Vậy bạn nên làm gì? Thay vì nói ra ý nghĩ, cảm xúc, như “Hãy cút đi!” hay “Vâng, thưa ngài”, bạn hãy buông xả và giao việc cho tâm lăng xăng ấy.
Khi tôi còn trẻ, tôi đã có những cơn hoảng loạn, đó là niềm đau khổ lớn trong đời. Nhưng sau đó tôi đã được học thiền, tôi biết làm bạn với tâm hoảng loạn của mình. Cuối cùng tôi đã trở nên rất biết ơn sự hoảng loạn đó, bởi nhờ nó mà hôm nay tôi có mặt ở đây để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn.
Vì vậy, khi bạn nghe nhạc, hãy nhận biết cảm xúc của bạn giống như cách bạn nhận biết được âm thanh. Tâm trí của bạn có thể qua lại giữa việc nghe nhạc và nhận biết những xúc cảm nảy sinh trong cơ thể. Nhận biết cảm xúc giống như mặt trời, giúp xua tan bóng tối. Khi bạn nhận biết được cảm xúc, cảm xúc sẽ tự tan và trở nên bất lực, không còn cuốn bạn vào những vui buồn hờn ghen nữa.