Quy y Pháp, Pháp là Tự Tánh Chánh, Tự Tánh Chánh là gì? Tự tánh vốn có sẵn trí huệ Bát Nhã. Tự Tánh Giác là “Căn Bản Trí”, Tự Tánh Chánh là “Hậu Ðắc Trí”, chúng ta gọi là “Quyền Trí”. Khi xử sự, đãi người, tiếp vật chúng ta phải từ chỗ này cảm nhận, khế nhập, sau đó thực hiện trong đời sống, công việc, trong khi xử sự, đãi người, tiếp vật, chúng ta sẽ khế nhập cảnh giới Phật. Nhập cảnh giới Phật thì tự nhiên sẽ siêu việt thập pháp giới, lục đạo luân hổi thì khỏi nói vì đã siêu việt thập pháp giới rồi. Chúng ta khởi tâm động niệm, những gì mình làm, mình tạo cùng Pháp Thân đại sĩ chẳng hai chẳng khác, chúng ta tuy chưa chứng Pháp Thân nhưng cùng Pháp Thân đại sĩ thực sự giống nhau, đây chính là “đại tâm phàm phu” nói trong kinh Hoa Nghiêm. Ðại tâm phàm phu niệm Phật vãng sanh, nói cho chư vị biết, nhất định sẽ sanh Thật Báo Trang Nghiêm Ðộ, bốn cõi, ba bậc, chín phẩm chúng ta đều có phần. Thiện Ðạo đại sư dạy rất hay, cổ đức trước thời Thiện Ðạo đại sư thường nói bốn phẩm thượng: Thượng Thượng phẩm, Thượng Trung phẩm, Thượng Hạ phẩm, Trung Thượng phẩm, họ nói bốn phẩm thượng này đều là Bồ Tát vãng sanh, phàm phu không có phần. Thiện Ðạo đại sư là A Di Ðà Phật tái lai, ngài dạy chúng ta: “Chín phẩm vãng sanh đều ở tại duyên, gặp duyên chẳng giống nhau”, lời này nói rất hay! Chúng ta là phàm phu, gặp duyên thù thắng thì chúng ta sẽ sanh phẩm Thượng Thượng, Bồ Tát nếu chẳng gặp duyên này thì họ vãng sanh có thể chỉ được phẩm Trung Hạ, là do gặp duyên chẳng đồng, chẳng phải do chuyện khác. Như vậy mới là pháp bình đẳng, phù hợp với giáo nghĩa của đề kinh: “Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Giác”, thế nên chúng ta đọc kinh, nghiên giáo sẽ không uổng phí.
Hiện nay thời gian của tôi hơi ít một chút, phải giảng bốn bộ kinh cùng lúc, ở đây ba bộ, tại Hương Cảng giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm. Tôi nói tuy lạc thực (biến thành hiện thực) trong đời sống hiện tại, nhưng tôi coi những chú sớ của cổ đại đức, tôi coi rất hết lòng, tôi sẽ không nhất định nói theo họ, nhưng những gì tôi giảng nhất định khế hợp với ý tứ của họ. Nếu giảng theo chú sớ của người xưa, người hiện nay nghe không hiểu, chẳng thể tiếp nhận, cũng làm chẳng nổi. Chúng ta phải chân chánh hiểu nghĩa kinh, sách của người xưa có thể cung cấp cho chúng ta tham khảo, coi họ nói như thế nào. Sau đó coi hiện nay là thế giới như thế nào, chúng sanh hiện nay có căn cơ gì, bịnh của họ ở tại đâu? Họ cần những gì? Chúng ta có được sự khải thị của kinh điển, chú sớ của cổ đại đức, suy cũ ra mới, chúng ta giúp đỡ chúng sanh khổ nạn hiện nay.Ngày nay giải quyết vấn đề xã hội, giải quyết vô lượng vô biên tai nạn do người tạo ra cũng vậy, tai nạn tự nhiên cũng vậy, đều phải làm một sự chuyển biến to lớn từ trong tâm, đó là nhất định phải thương yêu người đời, mở rộng tâm thương yêu mình để thương yêu hết thảy chúng sanh, được vậy thì hết thảy tai nạn đều tiêu trừ. Chỉ biết mình, chẳng biết người khác, thậm chí làm những chuyện tổn người lợi mình, đây là lời người thế gian nói, người mê hoặc điên đảo nói. Người chân chánh minh bạch nhìn thấy cái gì? Tổn hại người nhất định sẽ chẳng lợi mình, chuyện tổn hại người sẽ tổn hại mình, chư vị phải biết như vậy. Cái gì mới thực sự là lợi mình? Lợi người mới thật sự là lợi mình, lợi ích xã hội mới thực sự lợi ích gia tộc của bạn. Người thế gian mê hoặc điên đảo chẳng biết đạo lý này, chẳng biết chân tướng sự thật, tại sao vậy? Vì cả xã hội, cả thế giới là những tế bào trong thân thể của mình, chỉ lo cho bộ phận này, không lo cho bộ phận kia thì bộ phận kia sẽ sanh bịnh. Bạn phải lo cho hết thảy, ăn uống, nơi chốn, cư trú, hấp thụ dinh dưỡng, mỗi bộ phận trong thân thể đều phải đạt đến. Cung cấp thức ăn không đồng đều thì sẽ sanh bịnh, có bộ phận hấp thụ dinh dưỡng rồi, còn bộ phận khác thiếu thì tứ đại sẽ chẳng điều hòa. Dùng thí dụ này để nói cả thế giới cũng vậy, chỉ lo cho quốc gia của mình, chẳng màng đến quốc gia khác, kết quả khi quốc gia khác bị nạn, chúng ta cũng chịu liên lụy. Hiện nay mọi người từ từ thấy được sự thật này, nhưng vẫn chưa biết quay về, chưa biết nguyên nhân căn bản ở chỗ nào! Thế nên Phật pháp trước tiên mở rộng tâm lượng của chúng ta, “tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát” , như vậy mới thật sự “quy y Chánh”; tự tánh vốn sẵn có chánh tri chánh kiến, y cứ cho hết thảy xử sự, đãi người, tiếp vật trong đời sống.
Thứ ba là “Quy Y Tăng”, “Tăng” có nghĩa là Tịnh. Nói theo cách hiện nay là xã đoàn, đoàn thể. Phật pháp xưng bốn người là “chúng”, dùng cách nói hiện nay tức là một đoàn thể nhỏ. Bốn người trở lên cùng chung sanh hoạt, làm việc, thì đây là một đoàn thể nhỏ. Người trong đoàn thể này đều tu Lục Hòa Kính thì được gọi là Tăng Ðoàn, gọi là Tăng Chúng. Ai cũng tu Lục Hòa Kính, ai cũng có tâm địa thanh tịnh viên mãn, đây là Tăng Ðoàn đáng được người tôn kính trong hết thảy đoàn thể ở cõi trời, cõi người. Tại sao vậy? Họ hòa hợp, hòa mục, người Trung Quốc thời xưa cũng nói “Hòa vi quý”, Luận Ngữ nói: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, Hòa là tôn quý nhất, “Chúng trung tôn”, tôn nghĩa là đáng được người ta tôn kính, là một đoàn thể rất tôn quý. Ðoàn thể này càng lớn, số người càng nhiều, ý kiến bất hòa thì chẳng là Tăng Ðoàn, chẳng là đoàn thể được mọi người tôn kính. Ý kiến từ đâu tới? Ý kiến đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chư vị nghĩ thử coi đúng không? Chẳng phải chân thật, trong tự tánh vốn chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Ý nghĩa của mười câu này rất sâu, bắt đầu bằng “Ðại Viên Mãn”, kết thúc bằng “Ðại Tán Thán”, đúng là viên mãn đến cùng cực. Tám câu ở giữa thì “Từ Bi” là chỗ chúng ta phát tâm nương tựa, “Trí Huệ” là chỗ y chiếu cho chúng ta tu hành, “Bát Nhã” phá hết thảy mê hoặc điên đảo, “Tam Muội” trừ hết thảy chướng ngại, “Cát Tường” là đức đáng được, “Phước Ðức” là đức trợ đạo, “Công Ðức” là diệt ác sanh thiện, “Tam Bảo” là chỗ quy y chân thật, đây là đại cương của tánh đức viên mãn, sau cùng tổng kết bằng “Tán Thán”. Ai tán thán? Những người đối với Sự Lý này chẳng hiểu, chẳng rõ ràng, thì làm sao tán thán nổi! Có năng lực tán thán, có tư cách tán thán là chư Phật Như Lai, các ngài hiểu rõ triệt để, thế nên chư Phật Như Lai tán thán thành tựu của bạn, tán thán bạn đã thực sự quay về. Ở đây chúng ta nhất định phải biết chúng sanh và Phật vốn chẳng hai, thế nên chư Phật Như Lai lễ kính chúng sanh, chỉ có chúng sanh coi thường Phật, Bồ Tát, chẳng kính trọng. Hủy báng Phật, Bồ Tát, chẳng tin Phật, Bồ Tát, vu khống Phật, Bồ Tát, [nhưng] Phật, Bồ Tát tuyệt chẳng vì vậy mà xa lìa chúng sanh, sẽ vĩnh viễn ở nơi đó quan hoài, vĩnh viễn thương mến. Phật chẳng xa lìa chúng sanh, chúng sanh quay lưng xa lìa Phật, Bồ Tát, đây là chân tướng sự thật. Ngày nay chúng ta học Phật, phải học Phật, Bồ Tát, phải học cách dụng tâm, học cách hành trì của Phật, Bồ Tát, chẳng thể học theo chúng sanh, nếu học chúng sanh thì chúng ta cũng sẽ luân hồi lục đạo, đã luân hồi vô lượng kiếp rồi, khổ chẳng thể tả, vẫn còn muốn tiếp tục nữa sao? Trước kia chẳng gặp kinh Ðại Thừa là chướng nạn, chẳng có duyên để giác ngộ, chẳng có duyên để quay về. Ngày nay gặp được, đích thật là nhân duyên hiếm hoi từ vô lượng kiếp. Ðã gặp rồi thì phải quý tiếc, phải từ đó quay về, chẳng tiếp tục tạo nghiệp luân hồi nữa, buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, y giáo phụng hành, thật thà niệm Phật, như vậy mới tốt.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 4/ trang 48,49 – Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không)