Chúng ta biết rằng, thân xác này đến một lúc nào đó sẽ tan hoại, không thể tồn tại vĩnh viễn. Cho nên, ơn nghĩa về vật chất mà bao nhiêu người đã cho chúng ta cũng tương đối tạm bợ, không lâu bền. Cuộc đời này lại lắm niềm vui, nhiều đau khổ và cũng đầy sự khổ đọa. Có lúc con người sống giàu sang sung sướng, có khi lại rơi vào nghèo khổ lầm than. Nói như vậy để chúng ta hiểu một điều, trong cuộc sống này, chúng ta mang ơn rất nhiều người nhưng cũng chịu không ít những vui buồn sướng khổ mà cuộc đời đem lại. Vì vậy, ơn nghĩa mà chúng ta chịu của bao nhiêu người có khi rất quý, cũng có khi không còn quý nữa.
Lấy ví dụ từ câu nói đơn giản của một đứa trẻ, chúng ta có thể hiểu được điều này. Có một đứa bé đang chơi thì bị muỗi cắn. Nó khóc và trách mẹ: “Trời ơi, sao đẻ con ra làm chi để cho muỗi nó cắn con”. Lời trách rất trẻ con nhưng cũng gợi cho chúng ta những suy nghĩ. Đúng là cha mẹ cho chúng ta cuộc sống này, thầy cô giáo chăm sóc, vun đắp cho chúng ta cuộc sống này, người nông dân, người thợ dệt, người bác sĩ, kỹ sư góp phần đem lại cho chúng ta cuộc sống này. Nếu hạnh phúc, chúng ta sẽ vô cùng biết ơn họ. Nhưng cuộc sống lại có khi vui sướng, có khi khổ đau tê tái. Đôi lúc quá đau khổ, chúng ta đâm ra hận những người đã cho mình cuộc sống này và không biết ơn họ nữa. Điều đó chẳng khác gì lời trách của đứa bé đối với mẹ.
Vì vậy, tuy biết ơn mọi người nhưng chúng ta vẫn hiểu cuộc sống này chỉ tương đối, vừa ngắn ngủi vừa khổ vui đắp đổi. Ơn nghĩa của bao nhiêu người cho ta vô cùng nặng nhưng cũng tương đối, cũng ngắn ngủi, cũng tạm bợ vậy thôi. Nói như thế không phải chúng ta tỏ ra vô ơn mà để so sánh với một ơn nghĩa khác lớn lao hơn, vĩnh hằng hơn, thiêng liêng hơn, bất diệt hơn. Đó là ơn Tam Bảo, ơn của người cho chúng ta con đường về với ánh sáng vô tận, cho chúng ta con đường đi đến nơi an lạc vĩnh hằng, đến nơi giải thoát không còn biên giới. So sánh như vậy để chúng ta thấy cái ơn mà chúng ta phải chịu đối với Tam Bảo là vô biên vô lượng, không thể tính kể được.