Chúng ta đều biết, người ta sống ở đời mỗi người đều có một thế mạnh, sở trường và sở đoản khác nhau. Biết khai thác và phát huy thế mạnh đồng thời biết khắc phục và tránh né những thế yếu của mình là nền tảng của mọi thành công. Người chín chắn, nhiều trải nghiệm thì không bao giờ chủ quan mà luôn quan sát kỹ càng để tìm ra những điểm mạnh yếu của đối tác nhằm ứng xử phù hợp, lợi mình lợi người.
Theo sự chỉ dạy của Thế Tôn, các vị quốc vương quyền bính trong tay, những vị Thánh A-la-hán và chư Phật thành tựu đại giải thoát có sức mạnh thì đã đành, nhưng đứa trẻ nít ngây ngô, chị em phụ nữ chân yếu tay mềm, những người tu buông xả sự đời cũng có sức mạnh riêng của họ. Đó là sáu sức mạnh ở đời.
“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có sáu sức mạnh ở đời. Thế nào là sáu? Con nít lấy kêu khóc làm sức mạnh, muốn đòi gì, trước hết khóc; đàn bà lấy sân giận làm sức mạnh, nương vào sân giận rồi sau mới nói; Sa-môn, Bà-la-môn dùng nhẫn làm sức mạnh, thường nghĩ thấp mình đối với người, rồi sau bày tỏ; quốc vương dùng kiêu ngạo làm sức mạnh, lấy hào thế này để tự biểu lộ; nhưng A-la-hán lấy tinh chuyên làm sức mạnh để tự trình bày; chư Phật Thế Tôn thành tựu đại từ bi, lấy đại bi làm sức mạnh để lợi ích rộng rãi cho chúng sanh.
Ðó là, này Tỳ-kheo! Có sáu sức mạnh ở đời. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nên nhớ tu hành sức đại từ bi này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
Thật rõ ràng, không gì có thể ngăn được người mẹ chạy đến bên con, khi con khóc. Đối với người mẹ thì tiếng con khóc là mệnh lệnh uy quyền nhất thế gian. Và con trẻ, theo suy nghĩ của chúng ta là chưa biết gì, nhưng nó đã biết phát huy sức mạnh của tiếng khóc để khiến mẹ đáp ứng những nhu cầu mà nó đang cần.
Xưa nay người ta thường nói chị em phụ nữ là phái yếu, nhưng thực tế thì chẳng yếu chút nào. Có lẽ do nghiệp lực nên cánh đàn ông đích thực đều sợ chị em giận, đều lo khi chị em hờn. Vì vậy mà tự ngàn xưa cho đến ngày nay, những giọt nước mắt vô tình đã làm nên tội, khuynh đảo biết bao chuyện thế gian. Nên cũng không có gì là lạ khi chị em thường “nương vào sân giận rồi sau mới nói” và cách thể hiện này hầu như lúc nào cũng rất lợi hại.
Các vị Sa-môn hay người tu nói chung, nguyện dấn thân trên lộ trình hướng nội cô độc và phiêu du, lấy sự nhẫn nhịn và chịu đựng để vượt qua các chướng ngại. Điều quan trọng nhất ở đây, theo Thế Tôn, người tu phải luôn tự thấy mình nhỏ bé, là bần tăng, là hành khất để khiêm cung và nhã nhặn trong ứng xử với đời. Chính sự kham nhẫn và khiêm hạ mới là sức mạnh đích thực của người tu. Nhân đây bộc lộ ra một điều, người tu nào thích thể hiện uy quyền và chức phận xênh xang là tự mình phơi bày ra thế yếu, là rơi vào sở đoản chứ không phải sở trường.
Sức mạnh của vua chúa thì quá rõ ràng, ai có tướng sĩ và binh mã mạnh hơn thì chiến thắng. Chư Phật và các bậc Thánh La-hán cũng tinh chuyên, lấy tâm đại bi mà làm lợi ích cho vạn loại hữu tình. Thế Tôn đã khuyến tấn hàng đệ tử của Ngài phát nguyện dấn thân; lấy từ bi, đem lòng yêu thương chân thật để làm hành trang vào đời, giúp người. Đó cũng chính là sức mạnh của những người tu Phật cần thể hiện xuyên suốt lộ trình tự độ và độ tha.