Một trong những lý do tại sao Đức Phật dạy pháp (Dhamma) là để khuyên chúng ta buông bỏ, không bám víu vào bất cứ thứ gì. Càng thực sự hiểu pháp, chúng ta càng dễ buông bỏ. Người biết một ít, có thể buông bỏ một ít; người biết thật nhiều, có thể buông rất nhiều.
Đầu tiên, chúng ta được dạy dana – để rộng lượng, để bố thí – như một cách giúp ta học buông bỏ. Bước tiếp theo là caga – từ bỏ quyền sở hữu – là sự buông bỏ ở cấp độ cao hơn dana. Và cuối cùng, ở một mức độ tinh tế hơn, chúng ta được dạy để từ bỏ tất cả upadhi của mình, hay những ô nhiễm thu thập trong tâm. Đây là cấp độ mà chúng ta kiểm tra và khám phá cho đến khi chúng ta có thể đạt được sự giải thoát hoàn toàn.
Dana có nghĩa là buông bỏ, cho đi những thứ vật chất. Nếu ta không cho chúng đi, ta rất khó buông bỏ chúng. Nói chung, nếu không cho đi các thứ, chúng ta có quyền sở hữu đối với chúng, nên coi chúng thuộc về mình. Nhưng nếu cho đi, ta không còn bất kỳ quyền gì đối với chúng nữa.
Những thứ chúng ta nắm giữ rất nguy hiểm. (1) Chúng có thể gây hại cho ta. (2) Chúng gây hại cho người ăn cắp chúng. Và (3) một khi người ta đã ăn cắp chúng, thì họ có quyền đối với chúng. Đức Phật đã nhìn thấy những nguy hiểm này, đó là lý do tại sao Ngài dạy chúng ta phải rộng lượng, phải học cho đi mọi thứ.
Những người phát triển thói quen hào phóng sẽ gặt hái được nhiều quả lành. Tâm rộng lượng sẽ trở lại với họ cả trong hiện tại và tương lai. Họ có nhiều bạn bè. Được người khác tin cậy. Tâm họ nhẹ nhàng – họ không bị áp lực do lo lắng phải gìn giữ những thứ họ đã cho đi. Và những kết quả tương tự sẽ tiếp tục đến trong tương lai, giống như khi chúng ta có một thúng lúa giống: nếu ta gieo chúng trên một cánh đồng, ta sẽ gặt hái được mười thúng gạo. Điều tương tự cũng đúng với tâm thiện lành mà ta phát triển được trong kiếp này. Tâm đó sẽ mang lại bao lợi lạc cho ta. Đó là cách nhìn của người trí.
Caga – buông bỏ quyền sở hữu là bước tiếp theo. Dana là điều mà ai cũng có thể dễ dàng làm được, nhưng caga là cách bố thí mà chỉ người trí mới có thể thực hiện, vì ý thức sở hữu cá nhân của họ phải chấm dứt ngay sau hành động bố thí. Họ nhận thấy rằng tất cả mọi thứ vật chất đều là tài sản chung: chúng không thực sự thuộc về ta, chúng không thực sự thuộc về một ai.
Nếu bạn thấy mọi thứ thuộc về mình, đó là ái dục. Nếu bạn thấy mọi thứ thuộc về người khác, đó là tự làm khổ mình, tự phiền não. Khi chào đời, chúng ta đã không mang theo thứ gì. Khi chết, chúng ta cũng không mang theo được thứ gì. Vậy điều gì mới thực sự thuộc về ta? Cảm giác sở hữu phải không còn trong tâm, sự bố thí của ta được coi là caga.
Mức độ thứ ba của việc buông bỏ là khước từ mọi thứ trong tâm. Dù ta có bố thí thứ gì hay không, mỗi ngày ta tập buông chúng trong tâm. Ta buông những thứ ta sở hữu. Ta buông những thứ ta không sở hữu. Giống như người muốn luôn sạch sẽ thì phải rửa miệng, rửa tay mỗi ngày sau khi ăn xong.
Có nghĩa là chúng ta phải ngăn những hành động khiến ta trở nên keo kiệt, bám chấp, những hành động là kẻ thù của tâm. Nếu không, ta sẽ là loại người không vệ sinh sau bữa ăn. Chúng ta không sạch sẽ. Chúng ta si mê mà không bao giờ thức tỉnh. Nhưng khi chúng ta có thể buông bỏ theo cách này, đó được gọi là ly dục. Các mức độ buông bỏ thấp là những thứ ta thỉnh thoảng thực hiện. Nhưng ly dục là cái mà ta có thể luôn thực hành, phát triển.
Thông thường, các ô nhiễm trói buộc chúng ta chặt chẽ, thật khó để thoát khỏi chúng, đó là lý do tại sao chúng ta cần một mức độ kỹ năng cao, được gọi là bhavanamaya-pañña – trí tuệ phát sinh từ sự phát triển tâm trong thiền định – để đạt được giải thoát.
Ly dục là một phẩm chất tinh thần thực sự hữu ích, siêu việt. Ai chưa đạt đến cấp độ này của Giáo pháp thì giống như chỉ ăn vỏ trái cây, chứ không biết hương vị ngọt ngào của trái cây. Phần này nằm dưới lớp vỏ bên ngoài.
Các upadhi-kilesas, hay các ô nhiễm thu thập trong tâm, là vô minh, tham ái và bám chấp. Nếu có thể đạt đến mức độ mà chúng ta nhìn thấy Pháp tự trong bản thân, thì ta chịu trách nhiệm cho chính mình. Chúng ta có thể tự mình lo liệu những điều này, giống như khi mình trưởng thành về mặt luật pháp.
Nếu tâm có thể đạt jhana đầu tiên, chúng ta có thể buông bỏ năm triền cái. Hầu hết chúng ta giống như những đứa trẻ thiếu kinh nghiệm: khi ăn cá chúng ta ăn luôn xương vì chúng ta chưa phát triển trí tuệ trực giác nào. Khi tuệ giác này phát sinh, nó chói lọi hơn ánh sáng của lửa, sắc bén hơn giáo mác. Nó có thể tiêu thụ bất cứ thứ gì: thịt, xương, gạo, vỏ trấu – bất cứ thứ gì – bởi vì nó đủ thông minh để nghiền mọi thứ thành bột. Nó có thể đón nhận sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Tốt hay xấu, nó không kén chọn. Nó có thể chấp nhận tất cả.
Nếu được khen ngợi, bạn có thể sử dụng điều đó để dưỡng tâm. Nếu bị chỉ trích, ta cũng sử dụng điều đó để vun bồi cho tâm. Ngay cả khi cơ thể đau đớn khủng khiếp, tâm vẫn có thể thoải mái, vì nó có tất cả các dụng cụ cần thiết để chế biến thức ăn đúng cách: máy xay, máy trộn, nồi hấp, nồi chảo. Sương mù vô minh sẽ tan loãng. Tất cả những thứ đã trói buộc ta – móng vuốt của năm uẩn, ba sợi dây thắt (tình vợ chồng, tình mẫu tử, tình yêu vật chất), và tám xiềng xích thế gian (được lợi – mất lợi, được danh – mất danh, được khen – bị chê, hạnh phúc – khổ đau) tất cả sẽ biến mất.
Những kẻ dại khờ nghĩ rằng ở trong tù vẫn thoải mái, đó là lý do tại sao họ tiếp tục làm điều ác, ngày càng nhiều. Họ thấy thế gian hấp dẫn, vì thế họ giống như những tù nhân không muốn ra khỏi tù. Ngược lại, người trí giống như con chim bị nhốt trong lồng luôn tìm cách thoát ra khỏi lồng. Kết quả là, các dây xích níu giữ chân nó sẽ dần rơi rã từng chút một.
Tám pháp thế gian giống như xiềng xích buộc chân tội phạm. Kẻ ngu lại cho rằng đó là những sợi dây chuyền bằng vàng để đeo làm đồ trang sức. Thực ra, chúng là những thứ làm ô uế tâm trí. Những kẻ bị chúng trói buộc sẽ khó thoát ra, vì họ sợ mất của cải và địa vị, sợ những lời chỉ trích và sợ khổ. Bất cứ ai bị mắc kẹt trong ái dục, sợ bị chỉ trích, sẽ không bao giờ tìm đến các thiền viện để tu hành.
Đức Phật thấy chúng sinh giống như những chú khỉ bị trói vào dây xích. Nếu không phát triển tuệ giác giải thoát thì ta sẽ không bao giờ thoát khỏi xiềng xích của mình. Ta sẽ không bao giờ ly dục.
Trong giai đoạn đầu tiên, chúng ta buông bỏ điều ác và bắt đầu làm điều thiện. Trong giai đoạn thứ hai, chúng ta buông bỏ điều ác và một số điều thiện. Trong giai đoạn thứ ba, chúng ta buông bỏ mọi thứ, thiện ác, tốt xấu, vì mọi thứ đều do duyên hợp, do đó không đáng tin cậy. Chúng ta làm điều thiện nhưng không bám chấp vào đó.
Khi buông bỏ, bạn phải làm điều đó một cách thông minh, không mang tính cách hủy hoại – nghĩa là, không phải vì muốn không làm điều tốt. Ý nghĩ của mình, bạn còn không giữ được, nói chi đến của cải vật chất. Khi bạn làm điều thiện, bạn làm vì lợi ích cho chúng sinh trên thế gian, cho con cháu của bạn. Bạn làm mọi thứ theo cách tốt nhất có thể, nhưng không dính mắc vào đó, vì bạn biết rằng tất cả mọi thứ do duyên hợp đều biến đổi. Bằng cách này, tâm bạn có thể rõ ràng, trong sáng như một viên ngọc.
Bạn thật ngốc, nếu để bị cuốn theo lời khen hay tiếng chê. Có khác chi nuốt nước bọt của người khác. Khi bạn hành xử đúng, sẽ có người nói bạn đúng, nhưng cũng có người sẽ nói rằng bạn sai. Khi bạn hành động sai, có người sẽ nói bạn sai, nhưng cũng có người sẽ nói bạn đúng. Tốt hay xấu không có gì bền vững, vì tất cả đều do duyên hợp mà thôi.