Một hành giả tu tập đạt được quả vị A La Hán xem như tương đồng với Niết Bàn (hữu dư). Tuy nhiên, trên bình diện Pháp tướng, vấn đề này vẫn còn có nhiều góc độ khảo sát để thỏa mãn tri thức. Mặc dù vẫn biết không dễ dàng tiếp cận cánh cửa Niết Bàn, nhưng chúng ta tạm lấy một cọng tóc chẻ ra làm bảy, rồi lấy 1/7 này chẻ ra làm 7, chẻ đi chẻ lại 7 lần thì xem ra vẫn còn lớn hơn cánh cổng này một chút về phương diện lý luận. Nhân ngày vía Phật Thành đạo năm 2013, chúng ta thử tiếp cận danh từ Niết Bàn bởi nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận đối với những ai quan tâm đến quả vị giải thoát trên bước đường tu tập.
HAI LOẠI NIẾT BÀN:
- Hữu dư niết bàn: (Saypadisesa nibbàna) Hữu dư niết bàn là chỉ cho người đã đạt đến cảnh giới thoát khỏi vòng luân hồi nhưng nhục thể vẫn còn tồn tại.
- Vô dư niết bàn: (Anupadisesa nibbàna). Vô dư niết bàn là cảnh giới vĩnh viễn, phần nhục thể không còn hiện hữu nữa.
Phân biệt để giải thích như trên mà gọi là Hữu dư và Vô dư thì ý nghĩa giữa hai loại Niết Bàn nhưng vốn dĩ là “nhị nghĩa đẳng luân“, không sai khác.
Tuy đúng về phương diện lý luận mà nói thì Vô dư niết bàn là cảnh giới trên Hữu dư. Tại sao? Vì còn có thân thể thì dù tâm có muốn thoát ly già, bệnh, chết đi nữa cũng không trách khỏi những nhược điểm của phần nhục thể. Cho nên, chỉ khi nào rút bỏ cả phần nhục thể thì mới vĩnh viễn an toàn.
Song, đây chỉ nói về phương diện lý luận mà thôi, nếu theo ý nghĩa tôn giáo thực tế mà nói thì Phật lại coi trọng Hữu dư hơn Vô dư. Vì đức Phật đã tự thể nghiệm Niết Bàn vĩnh viễn ngay trong hiện tại, và muốn cho chúng sinh cũng thể nghiệm được như ngài.
“Như thế không bao lâu, đến khi hết phiền não, thành vô lậu thì được tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đối với hiện pháp, tự mình chứng tri, tự mình thực hiện“. Phật thường diễn đạt ý đó với các đệ tử.[1]
Điểm này, đối với những người chứng ngộ cảm nhận được. Cho nên lý giải và thuyết minh niết bàn rốt ráo và cảnh giới Vô dư niết bàn như thế nào đó là vấn đề nan giải. Ngoài ra, về thế giới quan, Phật lại bác bỏ tất cả mọi khái niệm cố định, cho nên người ta cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc suy cứu lí luận. Ngay đến những người đã thực chứng Hữu dư niết bàn mà cũng còn cảm thấy vấn đề này khó khăn. Bởi giới hạn ngôn ngữ không thể diễn đạt cái vô hạn.
Dưới cái nhìn của hành giả đang đi vào lộ trình tâm thì đó là trạng thái đã diệt trừ hết mọi phiền não; nói theo nghĩa rộng là đã cắt đứt được mười thượng, hạ phần kết sử; còn nói theo nghĩa hẹp thì đó là sự thủ tiêu hoàn toàn ba độc tham, sân và si.
Hành giả thành công sự phá trừ hết vô minh khát ái, chuyển hóa hết ngã chấp, ngã dục, chỉ còn cái đương thể hoàn toàn vô ngã. Về điểm này, Phật thường gọi Niết Bàn là “tham, sân, si diệt“, “khát, ái diệt“ (tanha nibbàna), và “vô minh diệt“ v.v… Xét về từ ngữ niết bàn (nirvàna-nibbàna) thì nó bắt nguồn từ tiếng “dập tắt“ (nirva), chính Phật đã dùng cái nghĩa này để chỉ cái đương thể đã “dập tắt” mọi phiền não, cho nên mới gọi là Niết Bàn.
Như vậy để đạt đến niết bàn, tức giải thoát, cần phải có cái đương thể của phiền não đã bị tận diệt, nó là cái năng lực tích cực mới phát sinh mà từ xưa chưa từng được kinh nghiệm. Năng lực tích cực này là nguồn gốc của sự bộc phát, cho nên cũng có thể bảo chính nhờ vào đó mà làm cho phiền não tận diệt.
Như trường hợp của Phật, ròng rã sáu năm trời chuyên tâm chuyên trừ phiền não mà chưa thể thành công, nhưng chỉ ngồi tĩnh lặng tư duy trong khoảng bốn mươi chín ngày thì đạt đến đại giác, là vì trong thời gian chuyên tâm tiêu diệt phiền não đã không còn dính líu đến sinh, già, bệnh, chết.
Trên cơ sở này, từ ngữ Niết Bàn (nibbàna-nirvana), quyết không phải chỉ có nghĩa là dập tắt, nó được dùng để biểu thị cái cảnh giới diệu lạc tối cao.[2] Lại nữa, Phật bảo niết bàn là cảnh giới bất tử (amala), là nơi tuyệt đối an ẩn (yogakikhama), là mát rợi (sitibhava) v.v… Để diễn đạt quan điểm tương đồng đó đức Phật hay dùng thường, lạc, ngã, tịnh để chỉ cho giải thoát.
“Tỷ khưu! Bất sinh (ujata), bất thành (abhuta), vô tác (akata), vô vi (ankhata), Tỷ Khưu, nếu không có bất sinh, bất thành, vô tác, vô vi thì sinh, thành, tác, hữu vi không có chỗ y chỉ (nissarana). Tuy nhiên, Tỷ khưu, vì có bất sinh, bất thành, vô tác, vô vi nên sinh, thành, tác, hữu, vi mới có chỗ dựa”.[3]
Bất sinh, bất thành, vô tác, vô vi là chỉ cho cái đương thể của niết bàn, vì có cái đương thể của niết bàn nên thế gian sinh diệt mới có chỗ dựa tối hậu. Như vậy thì niết bàn quyết không phải là cảnh giới tiêu diệt, tán hoại hay dập tắt.
Tóm lại, cảnh giới Hữu dư niết bàn, về phương diện tiêu cực, là nơi không còn phiền não, đồng thời, về phương diện tích cực, thì đó là căn cứ của cảm giác về cái năng lực thường hằng bất biến.
Theo Phật, vạn pháp hết thẩy đều do nhân duyên sinh, ngoài nhân duyên ra không có một vật gì tồn tại, và đây là một luận thuyết không hiểu được một cách dễ dàng. Do đó Phật bảo “Trước biết pháp trụ, sau biết Niết Bàn” (Pubbe dham-matthitinànam pacchà nibbàne nànanti).[4]
Hơn nữa, chính Phật và các đệ tử của ngài cũng thường ví dụ Vô dư niết bàn như ngọn đèn hễ “dầu hết thì lửa tự tắt“. Và cứ theo ví dụ ấy mà suy ra thì không thể bảo là hư vô được. Hãy dùng tuệ tri để hiểu Niết Bàn là một sự tồn tại không thể diễn tả, không thể tưởng tượng, nó bất khả tư nghì.[5]
Ở đây lại có điểm ta cần đặc biệt chú ý là: trong số các đệ tử của Phật nếu có ai hiểu Vô dư niết bàn là hư vô thì Phật và các đệ tử trưởng lão đều quở trách và dẫn dụ cho họ hiểu một cách chân chính. Chẳng hạn trường hợp Diệm ma ca tỷ khưu (Yamaka), ông này thường cho rằng Lậu tận La Hán là cõi “tuyệt vô”, không có một vật gì cả. Các tỷ khưu khác thấy thế đều cho Diệm ma ca bị tà kiến lung lạc bèn hết sức khuyên can, nhưng Diệm ma ca không chịu từ bỏ ý kiến ấy của mình; cuối cùng họ phải thỉnh Xá lợi phất nói pháp cho Diệm-ma-ca hiểu. Ngài Xá lợi phất bảo Diệm-ma-ca rằng năm uẩn không phải là Như Lai, nhưng, đồng thời ngoài năm uẩn cũng không có Như Lai. Để cho Diệm-ma-ca biết ý kiến của mình là sai lầm.[6]
Ngài Xá lợi phất trực tiếp nói đến cái đương thể của niết bàn, về Như Lai giải thoát năm uẩn và vô ngã v.v… thì liền từ bỏ chủ trương của mình, như vậy, rò ràng trong đó Diệm ma ca cũng đã mặc nhiên hiểu qua cảnh giới niết bàn. Tức cái đương thể của bất sinh, bất thành, vô vi, vô tác chính thực là nơi nương tựa thường hằng, nơi tuyệt đối an ẩn, tuy là cái tuyệt đối không biểu tượng, nhưng bản thân nó lại là cảnh tuyệt đối hữu mà người ta có thể chứng nghiệm được: “Trong tất cả các pháp, Niết Bàn là hơn hết; là thiện, là thường, siêu việt hẳn các pháp khác“[7] Quan điểm kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là Thường, Tịnh, ngã, Lạc cũng không ngoài ý nghĩa trên.
Như vậy, cảnh giới Vô dư niết bàn là cảnh giới tuyệt đối vắng lặng, vĩnh viễn bất động: vì nó là đương thể của pháp tính tuyệt đối, của ý chí tuyệt đối. Nhưng, nếu đứng trên lập trường hiện tượng giới mà nhận xét thì đó chẳng qua chỉ là thực hiện cái lý tưởng “ẩn mất không hiện” trong mắt chúng sinh.
Bắc truyền đã quan niệm Vô dư-y-Niết Bàn-pháp-tính tuyệt-đối này, bằng cụm từ chân-như-pháp-tính vàBất-trụ-Niết Bàn đã được đề cập nhiều lần từ thời đức Phật để diễn đạt tư tưởng không cho Bát-Nhã;Chư pháp thực tướng quan của Pháp-Hoa và tư tưởng Di-Đà bất sinh bất diệt của kinh Đại Vô Lượng Thọ.[8] Cho chúng sinh dễ hiểu, và lãnh hội rốt ráo ý chỉ của Phật trong quá trình tu tập hướng đến quả vị giải thoát. Dù đứng trên quan điểm nào để hiểu hai chữ Niết Bàn là nhiệm vụ bất khả thi vì Niết Bàn là thực tại vượt ngoài ngôn ngữ. Như người uống nước tự biết nóng lạnh độ nào. Việc giải thích Niết Bàn ra làm sao cũng giống như việc tả màu trắng cho người mù nó giống màu trắng của tuyết. Hoặc con rùa diễn tả nắng ấm gió mát trên mặt đất cho những con cá dưới nước hiểu. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận khi đã sở đắc, bằng không càng giải thích càng không chính xác và chúng ta càng đi xa thực tại.