Đức Phật từng dạy trong kinh, nếu bạn muốn trường thọ, sống lâu, hãy cứu mạng chúng sinh, và thực hành bố thí. Vậy ta phải thực hành theo lời dạy này mà không chỉ làm theo và không hiểu được ý nghĩa.
Khi cứu mạng chúng sinh, bạn đang cho đi mạng sống
Theo luật nhân quả, bạn sẽ nhận được thọ mạng. Không chỉ thế, bạn sẽ còn có được niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Bởi khi cứu mạng chúng sinh khác, đó là điều hạnh phúc nhất với các con vật. Chúng được thoát chết, được cho mạng sống, rõ ràng đó là giây phút hạnh phúc nhất của các con vật. Và bạn là người mang lại hạnh phúc đó. Vậy theo luật nhân quả, bạn sẽ có được cuộc sống hạnh phúc. Vậy ta không chỉ nghe lời dạy của Đức Phật, ta phải suy ngẫm về nhân quả của các hành động. Bạn mang lại cuộc sống và niềm hạnh phúc cho loài vật, cho người khác… thì quả bạn sẽ nhận được là cuộc sống hạnh phúc. Thực hành bố thí là pháp thực hành chính của đạo Phật. Đây là phương pháp tiêu trừ chướng ngại trong cuộc sống. Thực hành bố thí bao gồm cả hai khía cạnh tinh túy của thực hành Phật pháp, đó là không làm hại chúng sinh, và làm điều lợi ích. Tôi mong tất cả chúng ta ở đây đều sẽ thực hành tâm linh chân chính như vậy.
Tại sao phải phát nguyện và trì giữ giới nguyện?
Giới nguyện sẽ là nền tảng nâng đỡ sự thực hành, mang lại sự trưởng dưỡng tâm linh rất lớn. Việc phát nguyện, thụ giới và trì giữ giới nguyện rất quan trọng. Ngay cả khi bạn là người tốt, bạn ăn chay, bạn không quát mắng ai bao giờ, không nói chuyện phù phiếm, và hầu như không làm điều sai trái… nhưng điều đó chưa đủ để trở thành Phật tử chân chính. Phật tử chân chính cần có giới nguyện.
Trong giới nguyện, có 2 điều căn bản: thứ nhất là bạn không được làm hại ai, và thứ hai là bạn phải nỗ lực giúp đỡ người khác. Về điểm thứ nhất – không làm hại chúng sinh khác – đây là lời dạy của tất cả các thừa Phật giáo. Còn việc nỗ lực giúp đỡ người khác là sự thực hành chính của Đại thừa Phật giáo. Cốt tủy của đạo Phật không phải là truyền thống, văn hóa, tôn giáo, mà là sự hiểu biết. Đây là lí do chúng ta phải hiểu được nguồn gốc của vấn đề chứ không phải chỉ làm theo một cách mù quáng.
Ở mức độ căn bản nhất, đó là hiểu biết về khổ đau, chân lý đầu tiên Đức Phật đã giảng. Khổ đau có thể do người khác gây ra cho bạn, nhưng phần lớn khổ đau đến từ chính bản thân bạn, từ nghiệp của bạn, từ sự thiếu hiểu biết của bạn. Với tư cách là hành giả, ta phải có hiểu biết, phải phát nguyện để không còn khổ đau. Vậy giới nguyện là một sự phát nguyện, một lời cam kết mạnh mẽ: Ta nguyện không làm hại ai và dừng ngay việc gây ra khổ đau cho người khác. Khi phát nguyện, ta cũng phải hiểu rõ những hành động nào gây nên khổ đau cho chúng sinh. Ta nguyện không đánh đập, mắng mỏ, lừa dối người khác, kể cả khi bạn chưa bao giờ làm những việc này và nghĩ rằng mình không bao giờ phạm phải. Nếu muốn làm một Phật tử chân chính, bất kể theo Tiểu thừa hay Đại thừa, bạn vẫn cần phải phát nguyện và thọ giới.
Thế nào là nghiệp bất thiện?
Trước tiên, bạn phải hiểu đó là những hành động tiêu cực. Tất cả những hành động làm hại người khác là nghiệp bất thiện. Kể cả những hành động có thể vô hại vào thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai gây hậu quả cho người khác, đó cũng vẫn là bất thiện nghiệp. Ví dụ uống rượu được coi là bất thiện nghiệp. Có người hỏi uống rượu thì có gì sai trái đâu, nó chỉ là một thức uống thôi? Nhưng bạn phải nghĩ tới những hậu quả nó có thể mang lại sau này. Rượu bia có thể có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn và gây nên các vấn đề trong gia đình, trong xã hội. Bạn uống rượu rồi gây hấn với vợ, xích mích với người khác, hoặc khi say rượu, bạn không làm được việc gì khác. Như vậy việc uống rượu có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề, bởi thế mà chúng ta coi uống rượu là bất thiện nghiệp.
Khi ăn thịt, bạn hấp thụ tất cả năng lượng tiêu cực
Việc ăn thịt cũng như vậy. Đầu tiên, ăn thịt trực tiếp làm hại các loài vật. Các con vật bị giết, bị mổ, bị đau đớn tột cùng. Chúng phải trải qua sự tra tấn và cái chết khủng khiếp chỉ để phục vụ sự hưởng thụ của bạn. Khi nào còn người ăn thịt, mua thịt thì vẫn có những người giết các con vật để bán. Những con vật này mất đi mạng sống vì bạn nên việc ăn thịt là bất thiện nghiệp. Đó là lí do ta nên ăn chay.
Các nhà khoa học nghiên cứu khi ăn thịt, bạn hấp thụ những năng lượng, cảm xúc của loài vật. Vậy sớm hay muộn bạn sẽ biến thành con vật đó, không phải về mặt hình dáng bên ngoài mà về khía cạnh tinh thần. Khi bị giết, các con vật bị tra tấn, kêu khóc trong sự tuyệt vọng, ví dụ như con lợn, chắc hẳn ai cũng biết chúng kêu khóc thảm thiết đến nhường nào, chúng hoảng sợ, sân giận, tuyệt vọng… ở mức tột đỉnh. Với những cảm xúc tột cùng lúc cận kề cái chết như vậy, tất cả những năng lượng tiêu cực tràn ngập trong máu và thịt của con lợn. Và khi ăn thịt, bạn hấp thụ các cảm xúc đó. Dần dần, chúng ta thường xuyên trải nghiệm những cảm xúc này – bạn sẽ thấy sợ hãi, tức giận, căng thẳng. Nhiều khi bạn stress mà không có lí do hay khi bạn nghe tiếng lợn kêu gào, bạn sẽ nhảy dựng lên và có cảm giác hoảng loạn bất an. Bạn có thể thấy, nhiều khi ta muốn an lạc, thư giãn mà không thể được. Vậy tốt nhất là bạn hãy ăn trường chay. Hoặc nếu chưa thể ăn chay trường thì ít nhất bạn hãy chọn mua nguồn thịt, ăn thịt của những con vật không bị giết mổ dã man, ví dụ từ những con vật bị chết già thay vì bị giết. Nhưng tốt nhất bạn hãy ăn chay.
Thụ giới và phát nguyện giúp bạn thành công trong mọi khía cạnh cuộc sống
Sự cam kết không làm điều xấu như: không ăn thịt mới là sự thực hành tâm linh chân chính, và việc phát nguyện, giữ giới sẽ giúp bạn tiến bước trên con đường tâm linh. Không phải cứ phải là Tăng, Ni mới có giới nguyện. Các Phật tử cũng có thể thụ giới và phát nguyện, việc này sẽ giúp bạn thành công trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu tránh không gây hại cho người khác thì bạn chỉ đang tránh không tạo các nghiệp xấu nhưng nếu bạn thụ giới, trì giới, thì bạn còn có được cả công đức và mang lại lợi ích tâm linh rất mạnh mẽ.
Tôi có rất nhiều đệ tử ăn chay trường. Tôi rất tự hào về các bạn. Nhưng các bạn hãy nhớ phát nguyện ăn chay, nếu không thể phát nguyện ăn chay suốt đời thì có thể phát nguyện ăn trong 3,4 năm. Khi có lời nguyện như vậy và trì giữ được lời phát nguyện, năng lực tâm linh của bạn sẽ tăng trưởng rất đáng kể, và mang lại cho bạn nhiều lợi ích. Bạn có thể phát nguyện các pháp thực hành khác nữa, ví dụ không uống rượu.
Bạn phải hiểu về thập bất thiện nghiệp. Có 3 nghiệp về thân, 4 nghiệp về khẩu, và 3 nghiệp về tâm. Ta cần tránh phạm phải và chuyển hóa mười điều bất thiện này thành những hành động tích cực. Về cơ bản, tiêu cực ở đây là điều gây hại cho chúng sinh khác, và tích cực là hành động giúp đỡ người khác. Có những hành động trông bề ngoài có vẻ tiêu cực, nhưng thực chất là mang lại lợi ích cho người khác, vậy vẫn là điều tích cực. Ví dụ như khi bạn đi tiêm, cô ý tá chọc một mũi tiêm nhọn vào người bạn, làm bạn đau đớn. Nhưng việc tiêm thực chất là để giúp bạn chữa bệnh, được khỏe hơn, như vậy nó là hành động tích cực. Vậy ta phải soi xét, nếu hành động giúp đỡ cho người khác thì đó là thiện nghiệp.
Cách suy nghĩ nực cười
Những người thích ăn thịt hay nói rằng đằng nào miếng thịt cũng được bày bán ở chợ rồi, mình có ăn hay không thì họ vẫn giết, vẫn bày bán ở đó. Tôi nghĩ cách suy nghĩ này thật nực cười. Nếu tất cả loài người đều ngừng ăn thịt, chúng ta sẽ giải quyết được một phần rất lớn các vấn đề về biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường. Nhờ thế mà bao nhiêu người sẽ thoát khỏi những thảm họa môi trường. Ta phải suy nghĩ về nhân và quả một cách sâu sắc như thế. Chúng ta đang tạo nên một môi trường độc hại từ chính những bất thiện nghiệp của ta. Bởi thế ta phải hiểu lời dạy của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã từng dạy các đệ tử nên ăn chay, không uống rượu. Giờ đây thế giới, môi trường đang ngày càng nguy hiểm, thực ra các vấn đề này đều do chúng ta tạo ra. Những thảm họa thiên nhiên thực chất là thảm họa nhân tạo, do chúng ta tạo ra. Là những hành giả chân chính, chúng ta phải dè chừng những nghiệp tiêu cực, phải nỗ lực có những hành động lợi ích cho mọi người, mọi loài.